Chưa bao giờ các ông bà trùm buôn bán "hàng con" lại tinh vi như bây giờ

Bài 3: Lén chụp ảnh và điều tra ngược nhà báo - Ảnh 2.

img

ể vào được các hang ổ, để trực tiếp gặp các đối tượng hoặc tận mắt chứng kiến, ghi hình rồi quyết liệt tố cáo các nhóm người buôn bán giết mổ nhiều loài ĐVHD, các loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, như: hổ, sơn dương, cầy bay, khỉ,  kỳ đà vân, vượn, voọc - chúng tôi đã phải tạo vỏ bọc kĩ, tích lũy nhiều "kiến thức" (và thuật ngữ "nghề buôn") để rồi theo đuổi lĩnh vực này trong suốt cả một thời gian dài. Có đi mới biết, máu thú hoang vẫn chảy thành vệt, lẩn lút khắp nhiều tỉnh thành, lan sang các nước láng giềng như Cam Pu Chia, Lào, chúng tôi theo dấu, rượt đuổi và liên tục bị cắt đuôi…

Lợi nhuận từ buôn bán, nuôi nhốt trái phép thú rừng là rất lớn. Một con hổ trưởng thành như trong "đàn" 17 cá thể mới được giải cứu ở Nghệ An vừa rồi, có thể lên tới hơn 1 tỷ đồng/con. Trong khi đó, mua lậu một cá thể hổ con từ Lào về độ vài chục triệu đến khoảng trăm triệu đồng, nuôi nấng qua loa trong thời gian không dài, loài này dễ ăn dễ lớn (thậm chí dễ sinh sản như mèo!), lúc bán, các đối tượng bỏ túi vài trăm triệu đồng. 

Một thợ săn vào rừng, mất đúng một dây bẫy bằng phanh xe đạp hay bẫy kẹp giá vài chục nghìn đồng bán đầy chợ huyện, khi bắt được cầy hương, hoẵng rừng, voọc, vượn (tàn ác thay!), họ có thể lên tới vài chục triệu đồng/con (giá chợ đen). Với giá giao dịch ngầm lên tới năm bảy triệu đồng/kg tê tê sống khi "lên mâm", các con buôn, nhà hàng thậm chí hưởng lợi lên tới cả chục triệu đồng trong vài chục phút tiến hành giết mổ, chế biến. 

Bù lại, chỉ cần bị bắt với tang vật là 1 cá thể tê tê hay voọc, vượn, họ có thể lĩnh án hình sự, mức xử tù có thể rất cao. Vì là thị trường bất hợp pháp, nên mức lợi nhuận của các đối tượng là khó có thể tính đếm và theo đạo đức người yêu bảo tồn, chúng tôi cũng không thể tiết lộ nhiều hơn về điều này để vô tình tuyên truyền quảng bá cho cái đáng lên án. 

Tóm lại, có thể tổng kết như ông Tilo Nadler, nhà bảo vệ động vật danh tiếng với hơn 30 năm hoạt động ở Việt Nam: các đối tượng thích săn bắn thú rừng, vì chỉ mất một viên đạn giá trung bình 1 đô la (hơn 20 nghìn đồng), chúng có thể thu về hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng. Nhưng, thợ săn khiêng thú ra khỏi rừng để bán thì giá thường rất thấp, chuỗi vận chuyển, tiêu thụ sau đó mới là những kẻ thu lợi nhuận lên tới vài trăm phần trăm.

Thủ đoạn cao tay và phổ biến nhất của chúng là "lọc" đối tượng theo hội nhóm kín trên mạng xã hội. Thường thì qua facebook, zalo, họ rao hàng, đưa video/hình ảnh giết mổ thú rừng các loại một cách khá bừa phứa. Máu me, phanh thây, thui nướng tưng bừng. Điều này hoàn toàn vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD cũng như lĩnh vực thương mại điện tử. 

Luật chặt chẽ đến mức, riêng hành vi quảng cáo bán thú rừng và sản phẩm liên quan thôi, kể cả quảng cáo mà không có hàng, hoặc có hàng không phải thú rừng, cũng đã bị xử lý rồi. Huống hồ, ở đây, chúng tôi vào tận hang ổ, ghi hình, chứng kiến giết mổ và còn tìm ra thêm bằng chứng "kết tội" là chính lời tiết lộ của các đối tượng "trùm buôn" khét tiếng. Và hơn thế, chúng tôi đã tố cáo các sai phạm này lên cơ quan hữu trách ở tỉnh, ở Trung ương rất bài bản.

Vậy nên, nếu lực lượng quản lý về an ninh mạng thật sự điều tra, đảm bảo không "tài khoản" mạng xã hội nào vi phạm lĩnh vực trên tồn tại nổi. Bởi việc truy vết kẻ "loan tin" vi phạm là hết sức dễ dàng. Hiện nay, các hành vi như: nói xấu ai đó, như gây hoang tin về COVID-19, lập tức bị chúng ta xử phạt hoặc thậm chí bị xử lý hình sự ngay. 

Bài 3: Lén chụp ảnh và điều tra ngược nhà báo - Ảnh 4.

Tuy nhiên, dường như lĩnh vực giết mổ, thui nướng, bán buôn thú rừng kia vẫn chưa được cơ quan chức năng các địa phương chú trọng như cần phải có. Và khi hoạt động, chúng tạo nhóm kín với các thành viên mà chúng xác lập sự tin tưởng và ràng buộc khống chế nhau. Ai "đưa" thêm người vào cần theo dõi người đó kỹ, có biểu hiện đáng nghi là "loại trừ", "hủy kết bạn" ngay lập tức.

Chúng yêu cầu các thành viên cầu nối phải thực hiện "Cam kết vàng", chịu trách nhiệm đến cùng về "các hoạt động" của người mới được giới thiệu. Nếu ai giới thiệu dính người là công an, kiểm lâm, nhà báo điều tra; thì người đó sẽ bị liên đới. 

Chúng tôi là người "trong hậu trường" nên đã từng phải can thiệp khi có đối tượng bị công an bắt mất mấy chục Kg động vật hoang dã quý hiếm và gọi lên xử lý, gia đình của đối tượng gọi côn đồ tới lập kế hoạch trả thù người đã đặt hàng (để hỗ trợ công an bắt chủ buôn). Các đối tượng biết cửa nhà, gia tộc, tài sản, mặt mũi của nhiều thành viên, từ đó tạo nên mối ràng buộc vô hình. Nếu "làm phản" thì đừng có trách.

Bài 3: Lén chụp ảnh và điều tra ngược nhà báo - Ảnh 5.

Bài 3: Lén chụp ảnh và điều tra ngược nhà báo - Ảnh 6.

Tại tỉnh Gia Lai, một chủ "tài khoản" mạng xã hội tâm huyết đã giúp chúng tôi điều tra khá hiệu quả. Anh ta tham gia hội nhóm buôn thú rừng đó, đã nằm im và tỏ ra vô hại từ khá lâu. Thậm chí, anh ta còn công phu giả đò hỏi mua hàng với những kẻ diễn trò quảng bá cho giết thú rừng, bán nguyên con hoặc xẻ thịt chúng (với những loài to lớn như nai, sơn dương, hoẵng) bán khắp Tây Nguyên, TP.HCM. Chính vì thế, các đối tượng không nghi ngờ gì anh ta, đúng lúc chúng tôi nhờ cài vào để điều tra, anh ta bảo: Tôi giúp các anh sau đó sẽ buộc phải bỏ tài khoản "ảo" này. 

Nhờ tài khoản có thâm niên quan tâm đến thịt thú rừng kia, chúng tôi đã nhìn thế giới buôn bán ĐVHD từ trong cánh gà. Với tư cách giống như "người trong cuộc". Chỉ một khúc thịt thú rừng, họ phân tán dễ dàng đi khắp nơi. Lợi nhuận quá lớn. Thậm chí khi có thể nói thác đó là thịt bò thịt lợn khi chẳng may bị cơ quan chức năng "sờ gáy".

Và, khi bán hàng loạt trên mạng xã hội, lưu thông thịt thú rừng các loại ầm ầm, xuyên tỉnh thành, xuyên quốc gia mỗi ngày, họ có lãi rất lớn. Trong hội nhóm đông đúc, ai cũng hỉ hả hỏi mua, rao bán, tịnh không thấy một lời sợ bị bắt giữ hay áy náy vì mình có độc ác với các loài động vật quý hiếm vô tội kia quá hay không. Thế mới biết, nhận thức của nhiều bộ phận người về lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã, quý hiếm còn… ở mức hoang dã!

Siêu lợi nhuận! Đó là lý do thị trường này cạnh tranh, trừ khử nhau, tố ngược nhau rất khốc liệt. Dọc đường vào Tây Nguyên, một ông Giám đốc Vườn Quốc gia nổi tiếng đã mời nhà báo viết bài này đi cùng, điều tra một vụ việc "hứa hẹn động trời" khi mà có người ba lần đến gặp Giám đốc Vườn để tố cáo một trùm buôn thú rừng số lượng lớn từ Lào về Việt Nam. 

Sau này mới hóa ra, cả bên tố cáo và bên bị tố cáo đều là trùm buôn khét tiếng, va chạm quyền lợi, muốn độc chiếm thị phần ở mấy huyện rộng lớn giáp biên nên đã triệt hạ nhau.

Và nay, trước sự nhiệt tình của người cho chúng tôi tài khoản mạng xã hội để mua thú rừng kia, nhóm phóng viên điều tra đã hơn một lần nghi ngờ: có thể anh ta muốn trừ khử đối thủ, bằng cách mượn tay chúng tôi. Cũng có thể, đơn giản là anh ta cảm kích trước công phu điều tra của chúng tôi qua các tuyến bài trước mà anh ta đã đọc.

Bài 3: Lén chụp ảnh và điều tra ngược nhà báo - Ảnh 7.

Khi tiến hành… đặt hàng rừng, chúng tôi luôn tỏ ra ngây ngô trọc phú. Đọc rõ số nhà ở thành phố tỉnh lỵ Pleiku, số điện thoại chuẩn chỉ (không phải sim "rác"), facebook, zalo nhiều hình ảnh trai lơ, trọc phú và chịu nhậu thú rừng. Chúng tôi kết nối làm quen, sau thời gian dò hỏi "ngâm cứu" rất bài bản, người bán đã đồng ý giao hàng, mua cầy cáo, nai, hoẵng, cả sơn dương cũng có tất. 

"Gieo" thử một đơn hàng, xin địa chỉ đến chọn "đồ" tại nơi giết mổ như quảng bá. Lập tức bị từ chối. "Em chỉ bán trên mạng, không có địa chỉ cố định. Hàng của em mang từ Cam Pu Chia về.  Nhà chúng em ở huyện Đức Cơ, gần Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Toàn bộ là hàng rừng, dịch dã hàng vẫn về tốt". 

Qua tìm hiểu, có vẻ đối tượng nói đúng. Từ giọng nói qua điện thoại, đến vùng "tâm điểm" thẩm lậu thú rừng về Việt Nam, đến chủng loại thú hoang mà chúng rao bán, ship hàng mỗi ngày hàng chục cá thể… đều rất thật. Anh ta nói gì có ảnh kèm theo. Họ cũng có "uy tín" trong giới của họ và bảo vệ uy tín khá quyết liệt theo cách riêng để tồn tại.

Chúng tôi đặt hàng về phố Nguyễn Du, gần sân vận động, trung tâm TP Pleiku. Rồi chúng tôi đổi mặt hàng, xin vào tận huyện Đức Cơ giáp biên giới nhận hàng. Mục đích là để tạo cớ gặp hắn. Song, hắn chỉ đồng ý cho người đem hàng ra siêu thị, bịt mặt và giao hàng, nhận tiền, rồi "bái bai". Chúng tôi lấy lý do đổi món và hẹn hôm khác. Đối tượng tiếp tục đưa ra số tài khoản không mang tên mình để đòi đặt cọc tiền, và tiếp tục gửi hình ảnh thú rừng bị giết, mô tả từng tảng đùi nai, hoẵng, cầy, chồn, sóc, nhím nguyên đai nguyên kiện.

Có khi cả chục con cầy cáo cùng bị thui vàng, đuôi dài, răng nhia, xếp chồng lên nhau. Hàng thật, tiền thật, giao hàng thật, song các đối tượng trong đường dây đều "ảo tung chảo". Họ thoắt ẩn thoắt hiện, vơ vét đầy túi. Các địa điểm chúng giao hàng thú rừng thường xuyên, chúng tôi kiểm tra, đều là "thật".

Bài 3: Lén chụp ảnh và điều tra ngược nhà báo - Ảnh 8.

Bài 3: Lén chụp ảnh và điều tra ngược nhà báo - Ảnh 9.

Bên cạnh đó, các cuộc điều tra bài bản của chúng tôi vẫn liên tục thất bại. Nhiều đối tượng chứng kiến cơ quan công an, kiểm lâm, rồi nhà báo, chuyên gia bảo tồn tố cáo, xử lý, thậm chí đưa ra tòa hình sự các đối tượng vi phạm, nên chúng đã tự nâng cao nhận thức về "ý thức cảnh giác" cho mình. Họ luôn quan sát kĩ mặt mũi, xe cộ, cách ăn nói, đột ngột thử "năng lực" của đối tác trong lĩnh vực buôn thú rừng.

Ấm ớ ít kiến thức, lộ ngay là người "cài vào phá án" hoặc nhẹ đô nhất cũng là báo chí đến phơi bày sự thật. Thấy dấu hiệu bất thường là chúng tẩu thoát hoặc tấn công lại. Hỏi nhiều, lộ. Nói năng có đầu có đũa quá, lộ. Lâu lâu đặt vấn đề mà không mua hàng thường xuyên với số lượng lớn, "good bye", xin chào nhé.

Có vụ ở huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Chúng tôi được đầu mối quen tiết lộ hết mánh khóe làm ăn của một người, là cán bộ đương công tác ở huyện. Nhà hàng này 100% có thú rừng hoang dã. Nhiều loại chứ không phải một loại. Mà lại là hàng từ Lào về, nhân viên đông, mối quan hệ với cán bộ kiểm soát việc này ở các khu vực rất khăng khít. Chính người này tiết lộ các mật khẩu để hàng của họ có thể lọt qua các chốt kiểm soát ra sao, chúng tôi có vào tận kho hàng và ghi hình cả lời họ nói. Không còn nghi ngờ gì nữa.

Kịch bản của chúng tôi khá kĩ.

Người này cầm máy và hỏi: "Ai giới thiệu anh đến chỗ tôi?".

"Dạ, anh M. Em từng ăn với vài người ở chỗ nhà hàng của chị".

"M nào, làm chức gì, nhà ở đâu, cho mình xin số điện thoại được không?".

Quả thật đây là tình huống dù đã lường trước, song chúng tôi vẫn lúng túng. Và nếu cho số (giả dụ có ông M thật) thì có khác gì bán đứng ông ta. Chưa hết, quan sát chúng tôi thật lâu, một nhà báo từng xuất hiện trên truyền hình nhiều bị vị chủ buôn tinh ranh mời chụp ảnh chung để làm kỉ niệm. 

Rồi họ bảo, tôi cũng là cán bộ huyện chứ đùa à. Chúng tôi lấy tên thật và google (tìm kiếm) một cái, thì ra cả chức vụ đáng nể. Chả trách, vị cán bộ đó còn viết tin nhắn "nói mát" chúng tôi (sau khi nghi ngờ). Người này đã tìm cách đem hàng rừng vào hệ thống bán buôn trục lợi của mình một cách sắc sảo… đầy "quyền lực"!

Có đối tượng, tiếp khách, trưng ra tê tê, cầy, rắn, rùa, ba ba hoang dã, rồi mời khách ngồi và gọi cả lũ bạn "dân anh chị" đến uống bia. Hỏi đủ thứ công việc, quen ai, làm ăn lâu chưa, sao mặt ông này bảo ở Ngọc Hồi (nơi đối tượng sinh sống) mà tôi chưa gặp bao giờ.

"Anh ở khu nào, gần nhà ai? Có biết bác Ngọc trước làm lái xe sau đâm chết người ở xóm đó không?". Dồn đuổi cho một lúc, khảo đầu mối và tra giá cả vài tiếng, lại đòi ứng tiền hay giao hàng luôn. Nếu vài ngày không mua thì rõ ràng là… "công an, kiểm lâm hoặc nhà báo"!

Kính mời quý độc giả đón đọc kỳ 4 "Lập trại tù bình thú rừng trong toa lét!" sẽ đăng tải trên Báo Điện tử Dân Việt sáng ngày 2/9/2021.

Bài 3: Lén chụp ảnh và điều tra ngược nhà báo - Ảnh 10.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem