Bamboo và Vietjet không sa thải nhân viên, Vietnam Airlines giảm gần 1.500 người vẫn lỗ nặng

Quang Dân Thứ năm, ngày 08/04/2021 09:45 AM (GMT+7)
Báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, Vietnam Airlines có 19.690 cán bộ nhân viên, giảm 1.476 người so với ngày đầu năm. Chi phí cho nhân công trong kỳ cũng sụt giảm khoảng 50% so với năm 2019, còn xấp xỉ 4.800 tỷ đồng.
Bình luận 0

Vietnam Airlines cắt giảm gần 1.5000 cán bộ nhân viên, dòng tiền âm

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) đã công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020 với doanh thu thuần đạt gần 40.538 tỷ đồng, giảm 58% so với năm 2019. Lỗ sau thuế hợp nhất lên 11.178 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2.537 tỷ đồng, đáng chú ý, mức lỗ này tăng 80 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.

Vietnam Airlines cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến cho tổng doanh thu và thu nhập khác năm 2020 giảm 55,46% so với thực hiện năm trước, tương đương giảm 41.427,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lợi nhuận sụt giảm năm 2020 của Vietnam Airlines còn liên quan đến việc các công ty con trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hàng không như cung ứng suất ăn, nhiên liệu, phục vụ mặt đất,… cũng bị thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh Covid-19.

Bamboo và Vietjet không sa thải nhân viên, Vietnam Airlines cắt giảm gần 1.500 người vì Covid-19 - Ảnh 1.

Cuối năm 2020 Vietnam Airlines có 19.690 cán bộ nhân viên, giảm 1.476 người so với ngày đầu năm.

Đáng chú ý, Báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines thông tin, tính đến ngày 31/12/2020, Vietnam Airlines có 19.690 cán bộ nhân viên, giảm 1.476 người so với ngày đầu năm. Chi phí cho nhân công trong kỳ cũng sụt giảm khoảng 50% so với năm 2019, còn xấp xỉ 4.800 tỷ đồng.

Đồng thời, trong chi phí bán hàng, phần chi cho nhân công cũng sụt tới 38% còn 436 tỷ đồng. Trong chi phí quản lý doanh nghiệp, chi cho nhân công giảm 58% còn gần 500 tỷ đồng.

Trái ngược với kết quả kinh doanh ảm đạm và tài chính khó khăn của Hãng hàng không quốc gia, CP Hàng không Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết là thuộc trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020.

Ngoài ra, tại báo cáo tài chính nói trên, Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam nhấn mạnh một số vấn đề của Vietnam Airlines.

Theo đó, tại ngày 31/12/2020, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 24.456 tỷ đồng, bên cạnh đó còn khoản phải trả quá hạn 6.640 tỷ đồng. Cả năm 2020, Tổng công ty lỗ sau thuế hợp nhất 11.178 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần âm 6.456 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines. Khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch Covid-19.

"Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines". Deloitte Việt Nam nhận định.

Bamboo và Vietjet không sa thải nhân viên, Vietnam Airlines cắt giảm gần 1.500 người vì Covid-19 - Ảnh 3.

Nguồn BCTC Hợp nhất Kiểm toán năm 2020 của HVN

Thanh lý máy bay để trả nợ

Liên quan đến giả định hoạt động liên tục, Hãng hàng không quốc gia cho biết, công ty đã và đang thường xuyên đánh giá ảnh hưởng và quyết liệt triển khai các kế hoạch đối phó với khủng hoảng để Vietnam Airlines có thể duy trì tối đa khả năng hoạt động liên tục trong ngắn hạn.

Cụ thể, Vietnam Airlines đã điều chỉnh lại lịch bay và các chặng bay theo diễn biến kiểm soát dịch. Từ tháng 5 đến hết tháng 12/2020, Tổng công ty đã mở thêm 21 đường bay, nâng mạng bay nội địa lên 61 đường.

Doanh nghiệp cơ cấu lại dịch vụ vận tải, tăng các chuyến bay chở hàng hóa trong giai đoạn suy giảm nhu cầu vận tải hành khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, thực hiện quyết liệt các biện pháp cắt giảm chi phí; đàm phán giảm giá, giảm lãi suất, hoãn thời hạn thanh toán cho các đối tác là nhà cung cấp, tổ chức tín dụng, … 

"Hầu hết các ngân hàng đã đồng ý giãn thanh toán nợ vay cho các khoản vay đến hạn hoặc giãn các khoản dư nợ vay gốc đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư số 01" của NHNN ngày 13/3/2020, Vietnam Airlines cho hay.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng đã và đang đàm phán lùi lịch nhận máy bay thuê hoạt động. Trong đó, 6 tàu thân rộng Boeing 787-10 và thân hẹp A320Neo đã được gia hạn nhận tới cuối năm 2021 và trong năm 2022, 2023 thay vì nhận trong năm 2020 theo thỏa thuận ban đầu.

Bamboo và Vietjet không sa thải nhân viên, Vietnam Airlines cắt giảm gần 1.500 người vì Covid-19 - Ảnh 4.

Tổng Công ty còn tìm kiếm các nguồn thu khác như thanh lý máy bay, bán và thuê lại máy bay, thanh lý các khoản đầu tư

Tổng Công ty còn tìm kiếm các nguồn thu khác như thanh lý máy bay, bán và thuê lại máy bay, thanh lý các khoản đầu tư. Trong năm 2020, Vietnam Airlines đã bàn giao 3/5 máy bay A321 thuộc hợp đồng thanh lý 5 máy bay đã ký từ năm 2019 và thu được toàn bộ số tiền là 365 tỷ đồng.

Với hai máy bay còn lại, khách đã thanh lý hợp đồng và thanh toán khoản phạt 23,5 tỷ đồng. Trong năm 2021, Vietnam Airlines dự tính tiếp tục bán 2 tàu bay nói trên và 9 máy bay A321 khác.

Đồng thời, Hãng hàng không quốc gia tiếp tục báo cáo và kêu gọi sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và các cơ quan nhà nước để có thể duy trì khả năng hoạt động liên tục.

Trong cuộc họp với Cục Hàng không đầu tuần trước, Vietnam Airlines đề nghị Cục Hàng không dành 50 - 70% slot bay nội địa cho và 100% slot quốc tế đợt bay quốc tế sắp tới. Thậm chí, Vietnam Airlines còn đề nghị Cục Hàng không chỉ cho Bamboo Airways bay 1 chuyến/ngày ở một đường bay có nhiều lợi nhuận nhưng VNA đang bị Bamboo chiếm thị phần.

Vietnam Airlines cũng đề nghị tăng giá vé máy bay và ban hành giá sàn vé bay. Hãng bay này cũng đề nghị Cục Hàng không không cho các hãng tăng số lượng tàu bay thuê và mua mới trong năm nay, ngược lại Vietnam Airlines được quyền tăng số lượng tàu bay để hãng này chiếm trên 50% tổng số tàu bay ở Việt Nam.

Lý do của đề nghị này là nhằm giúp Vietnam Airlines bớt lỗ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, gây thiệt hại nặng cho kinh tế và đời sống toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng cho ngành hàng không.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem