Bản đánh giá chi tiết của WWF: Cẩu thả

Thứ sáu, ngày 10/12/2010 13:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Tôi vô cùng buồn và thất vọng khi đọc xong bản đánh giá chi tiết của WWF, tôi không nghĩ đây là sản phẩm của một tổ chức uy tín trên thế giới" - ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) nói.
Bình luận 0

WWF lấy cơ sở đánh giá từ một bài báo?

WWF có 2 bản đánh giá về cá tra VN, một cho hệ thống nuôi trong ao, một cho hệ thống ven sông. Có 4 tiêu chí chính được WWF đưa ra là hệ thống sản xuất, ảnh hưởng đến vấn đề sinh thái, thức ăn, quản lý.

Để đánh giá 4 tiêu chí này, họ có 19 câu hỏi. Liên quan đến đánh giá hệ thống sản xuất có 4 câu, liên quan đến thức ăn có 5 câu, ảnh hưởng sinh thái có 6 câu, công tác quản lý có 4 câu.

 img
Bản đánh giá chi tiết của WWF về cá tra Việt Nam dựa trên một bài báo đăng năm 2009.

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho hay: “Chúng tôi đã nghiên cứu 2 bản đánh giá này và thực sự thất vọng vì 2 bản đánh giá này vô cùng nghèo nàn, rất nghèo nàn và có thể nói là cẩu thả. Bản đánh giá này về cơ bản chỉ dựa trên 2 tài liệu đã được công bố trước đây. Một là bài báo đăng trên tạp chí Aquaculture số 296 năm 2009 của Hội Nuôi trồng Thuỷ sản thế giới (xuất bản 6 số/năm).

Hai là, một bản đánh giá về tác động môi trường của hệ thống nuôi cũng công bố năm 2009 của Trường Đại học Wagenningen (Hà Lan)”.

Ông Tuấn bức xúc: “Cả bài báo và bản nghiên cứu đấy đều xuất bản từ năm 2009 và WWF lấy đó làm cơ sở để đánh giá cho năm 2010, đó là điều phi lý. Tôi là người đã từng làm phản biện cho tờ tạp chí đó, thường khi họ đăng năm 2009, thì các số liệu đó họ thu thập cách đó khoảng 1 -2 năm trở lên và bản nghiên cứu của Trường Đại học Wagenningen cũng tương tự”.

7/19 câu hỏi không có nguồn thông tin

Điều đáng lưu ý là trong 19 câu hỏi có 7 câu đều không có nguồn thông tin và WWF vẫn đánh giá, số câu hỏi còn lại có nguồn thông tin đều trích dẫn từ 2 nguồn tài liệu đó và vẫn sai lệch, không phản ánh đúng sự thực.

Ông Tuấn dẫn chứng, ở câu hỏi số 10 phục vụ cho tiêu chí đánh giá ảnh hưởng đến môi trường sinh thái: Phần lớn hệ thống sản xuất cá tra trong khu vực này dựa trên việc sử dụng hoá chất hay không? Họ đánh giá điểm -2, cho rằng chúng ta đã sử dụng các hoá chất bất hợp pháp, không có trong quy định. Điều đó là hoàn toàn sai lầm.

Vùng nuôi cá tra VN hoàn toàn có các chất chế phẩm sinh học được sử dụng trong môi trường thuỷ sản, có hẳn một danh mục được quốc tế cho phép. Câu hỏi thứ 14: Khi hệ thống nuôi này có các rủi ro, cá tra thoát ra ngoài có gây ra những ảnh hưởng xấu về mặt sinh thái hay không, đặc biệt là khía cạnh loài ngoại lai?

Câu này hoàn toàn máy móc bởi cá tra chúng ta không phải sinh vật ngoại lai, hoàn toàn là loài bản địa. Bởi vậy, bản thân ngoài tự nhiên cũng đã có rồi, nên khi cá thoát ra môi trường không hề làm sinh thái thay đổi. Vậy mà câu hỏi này họ đánh mình thang điểm -1”.

Tiếp tục đưa ra những phản biện cho bản đánh giá chi tiết, ở câu hỏi thứ 18 liên quan đến việc quản lý, ông Tuấn cho hay: “Họ cho rằng chúng ta không có biện pháp gì để đưa lại hiệu quả trong vấn đề làm giảm thiểu những ảnh hưởng xấu, cái này cũng không đúng sự thật.

Nuôi cá tra VN không phải tự phát, Nhà nước, Chính phủ VN đã có những sự đầu tư rất lớn để phát triển cá tra là sản phẩm chiến lược. Cụ thể chúng ta có quy hoạch vùng nuôi, có quy định các điều kiện nuôi để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và được quốc tế thừa nhận bằng các chứng chỉ thuỷ sản uy tín hàng đầu hiện nay”.

Trước sự việc này, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị đối thoại trực tiếp với lãnh đạo WWF quốc tế. Và lãnh đạo WWF quốc tế đã nhận lời sang VN đối thoại, buổi làm việc chính thức sẽ diễn ra ngày 14-12. Ông Tuấn cho biết, Tổng cục sẽ có những phản ứng thích hợp sau khi làm việc trực tiếp với WWF.

WWF Việt Nam: Việc đánh giá cần có đầy đủ các bên tham gia

Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí ngày 9- 12, WWF VN cho biết đã nhận được bảng câu hỏi và kết quả đánh giá cá tra và cá basa và gửi các thông tin này đến Tổng cục Thủy sản VN cùng VASEP. “WWF VN đồng ý với kiến nghị của Tổng cục Thuỷ sản trong lúc chờ đợi kết quả của đánh giá lại thì nên đưa con cá tra, cá basa nuôi tại VN ra khỏi danh sách “không nên mua”. Việc đánh giá trong tương lai cần được thực hiện với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan” - thông cáo viết.

WWF VN cho biết đã tích cực chuyển các thông điệp chính của Bộ NN&PTNT và VASEP đến văn phòng WWF quốc tế. Người đứng đầu chương trình Thủy hải sản toàn cầu, ông Mark Powell sẽ đến VN vào tuần tới để gặp gỡ các bên liên quan và trả lời các câu hỏi về kỹ thuật liên quan đến phương pháp và quy trình đánh giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem