Bạn hàng lớn Mỹ, Trung Quốc đòi hỏi cao, Việt Nam gấp rút xây dựng chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 09/11/2021 10:46 AM (GMT+7)
Việc Trung Quốc và các thị trường liên tục có những yêu cầu mới trong kiểm soát nông sản, thực phẩm nhập khẩu cho thấy việc sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm đang là đòi hỏi tất yếu.
Bình luận 0

Khi Trung Quốc kiểm tra cả việc nuôi chó trong cơ sở sản xuất kinh doanh

Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 & 249) do Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970), Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoa Việt tỏ ra bất ngờ khi lần đầu tiên nghe được thông tin nếu trong cơ sở sản xuất, kinh doanh có nuôi chó thì vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc. 

Từ câu chuyện này cho thấy, những thay đổi trong quy định xuất nhập khẩu của các thị trường ngày càng chi tiết và khắt khe.

"Trung Quốc là thị trường cả thế giới thèm muốn chứ không chỉ riêng chúng ta", bà Hương nói và cho biết đang đặt mục tiêu xuất khẩu sầu riêng, khoai lang, ớt theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. 

Trong khi đó, bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu cho rằng, những quy định mới của thị trường Trung Quốc là tín hiệu khiến tư duy sản xuất nông sản của Việt Nam thay đổi.

Đại diện Công ty Chánh Thu đề xuất các cơ quan quản lý nên điều phối, thông báo cho Sở NNPTNT các tỉnh để khảo sát các doanh nghiệp, các cơ sở đã có mã số trước khi phía Trung Quốc thực hiện kiểm tra trực tuyến.

Cũng từ những thay đổi của thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc xây dựng mã số vùng trồng là một đòi hỏi tất yếu. Và muốn có mã số vùng trồng, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết. 

Bạn hàng lớn Mỹ, Trung Quốc đòi hỏi cao, Việt Nam gấp rút xây dựng chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Mỹ, Trung Quốc, EU,... ngày càng có những yêu cầu khắt khe với nông sản nhập khẩu, do vậy, sản xuất theo chuỗi giá trị là đòi hỏi tất yếu. Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết mới đạt 12,24%. Trong ảnh: Thương lái thu mua lúa của nông dân TP.Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây.

Trong câu chuyện của hạt gạo ST25 dù đã được công nhận "ngon nhất thế giới" nhưng theo kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua, trong công tác quản lý độ thuần của gạo, trong khi EU quản lý bằng DNA thì Việt Nam lại quản lý theo hạt thóc ngoài ruộng và "cái này là bất cập" bởi "qua đó rồi mới kiểm tra nếu có vấn đề gì thì làm cho chúng ta mất uy tín".

Nói về những thay đổi trong quy định nhập khẩu nông sản của thị trường Trung Quốc thông qua lệnh 248, 249, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, Lệnh 248 chỉ yêu cầu đăng ký với những doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc. Những doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu đầu vào không chịu áp dụng này.

Với Lệnh 249, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Từ thực tế đó, ông Hòa lưu ý các doanh nghiệp lựa chọn những đối tác đảm bảo, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng), bên cạnh các yếu tố như kho bãi, vận chuyển.

"Các doanh nghiệp phải đặc biệt chú ý các vấn đề về vệ sinh khi chế biến, đóng gói thực phẩm như: đi găng tay lúc sản xuất, có quy định rõ ràng với kho, nhà xưởng, chọn các nhà cung cấp nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, có thể truy xuất được nguồn gốc" - ông Hòa nhấn mạnh.

Có thể thấy, những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Do vậy, việc phát triển sản xuất theo chuỗi, đảm bảo an toàn thực phẩm là những đòi hỏi vô cùng thiết yếu lúc này.

Trung Quốc, Mỹ, EU đòi hỏi ngày càng cao nhưng các chuỗi liên kết còn khiêm tốn

Mặc dù việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm là một yêu cầu tất yếu để có thể xuất khẩu sang các thị trường nhưng cho đến nay việc phát triển các chuỗi liên kết vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, năm 2019, tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt 12,24%.

Trong đó, sản lượng lúa gạo sản xuất theo hình thức liên kết, hợp tác đạt 3,71 triệu tấn; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1 triệu tấn; rau quả đạt 1,7 triệu tấn; thịt lợn đạt 1 triệu tấn; cá tra đạt 818.900 tấn; cao su đạt 447.000 tấn; chè đạt 235.300 tấn; cà phê đạt 233.000 tấn...

Trong đó, cá tra là ngành hàng có tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo hình thức liên kết hợp tác lớn nhất, chiếm tới 76,8% tổng sản lượng cá tra của cả nước; theo sau là sản phẩm thịt và trứng gia cầm, cao su với tỷ lệ đạt lần lượt là 47,1% và 41,4%.

Đáng chú ý, đến năm 2020 đã có 241 tổ chức khoa học; 531.904 hộ nông dân; 3.219 hợp tác xã nông nghiệp và 1.594 doanh nghiệp tham gia liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Đối với các chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có 1.599 chuỗi an toàn thực phẩm; với 2.362 sản phẩm (chủ yếu sản phẩm tập trung vào các loại như rau, củ, quả các loại; lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, tôm, cá tra, các loại cá biển, các loại trái cây, trứng, nước mắm…).

Bạn hàng lớn Mỹ, Trung Quốc đòi hỏi cao, Việt Nam gấp rút xây dựng chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm - Ảnh 2.

Tỉnh Sơn La bước đầu hình thành các chuỗi liên kết đảm bảo an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng với các diện tích nhãn, xoài, chanh leo,... phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, EU,... Ảnh: Tuệ Linh.

Các chuỗi liên kết lớn đều đã xây dựng được nhiều điển hình như chuỗi liên kết cá tra 3 cấp ở An Giang và Đồng Tháp; chuỗi liên kết các ngành hàng lâm sản chủ lực với Công ty cổ phần Chế biến lâm sản Nam Định (NAFOCO), Công ty Woodsland ở Tuyên Quang hay Công ty Scansia Pacific ở Quảng Trị; chuỗi liên kết ngành hàng cà phê với mô hình liên kết chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao ở Đăk Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng và Sơn La; chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo với việc tổ chức ký kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo giữa 17 hợp tác xã trong vùng dự án với các chủ đơn vị xay sát (Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hiếu Nhân) và Công ty TNHH Olam Việt Nam đạt sản lượng lúa được thực hiện liên kết năm 2019 là 63.720 tấn lúa (tương đương 38.232 tấn gạo)… 

Theo Bộ NNPTNT, mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên, nội tại các tác nhân tham gia vào liên kết chuỗi giá trị còn nhiều điểm tồn tại, hạn chế cản trở sự phát triển của chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam một cách trách nhiệm, minh bạch và bền vững. 

Vai trò của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt và vận hành chuỗi giá trị mặc dù đã được củng cố, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. 

Số lượng doanh nghiệp có quy mô lớn có đủ năng lực dẫn dắt, vận hành chuỗi trong việc tăng cường liên kết, bao tiêu sản phẩm, mở rộng thị trường còn ít. 

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay đều là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, thiếu năng lực về quản trị kinh doanh. 

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, có tới 47,2% số doanh nghiệp trong nông nghiệp có quy mô lao động dưới 5 người, 22% số doanh nghiệp có lao động từ 10 đến 50 người. 

Đặc biệt, các vấn đề về minh bạch thông tin trong chuỗi giá trị còn chưa được đảm bảo.

Trong khi đó, vai trò các hiệp hội ngành hàng hiện nay ở Việt Nam còn tương đối mờ nhạt; các hoạt động của Hiệp hội vẫn chưa đạt được hiệu quả cao do tác động từ nhiều yếu tố như nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính… 

Theo các chuyên gia, hợp tác xã hiện nay được coi là mô hình phù hợp nhất để làm đầu mối tổ chức liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp. 

Mặc dù kinh tế tập thể, đặc biệt là mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp bước đầu đã có sự cải thiện cả về lượng và chất nhưng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền, địa phương, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa quy mô lớn và theo cơ chế thị trường. 

Năng lực nội tại của nhiều hợp tác xã còn yếu, chính vì sự hạn chế này mà nhiều hợp tác xã chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa nông dân, các thành viên của hợp tác với doanh nghiệp để gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Từ thực tế này cho thấy, việc hình thành các chuỗi liên kết đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu đang là một đòi hỏi bức thiết khi các thị trường ngày càng có những đòi hỏi cao và chi tiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem