Băn khoăn đề xuất tách Luật giao thông đường bộ

Quang Minh Thứ ba, ngày 15/02/2022 09:20 AM (GMT+7)
Nhiều ý kiến chuyên gia, người dân đã bày tỏ băn khoăn về dự thảo tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bình luận 0

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có báo cáo Chính phủ về dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi. Trong đó, Bộ này cho biết việc tách luật trên thành Luật đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Không nên tách Luật giao thông đường bộ

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam không đồng tình với dự thảo tách Luật giao thông đường bộ thành 2 luật khác nhau. 

Ông Quyền cho rằng, hiện nay Luật giao thông đường bộ đang là một thể thống nhất, nếu tách ra thành Luật đường bộ thì cái tên của Luật đường bộ và nội hàm bên trong của luật này không đầy đủ.

Ngoài ra, phần quan trọng nhất là phần quy tắc giao thông nằm ở Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Như vậy, tên của Luật đường bộ và nội hàm bên trong không khớp nhau và ngược lại Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và nội hàm bên trong cũng không khớp.

Chuyên gia: Tách Luật giao thông đường bộ dễ khiến cả 2 luật thành “khuyết tật” - Ảnh 1.

Lực lượng CSGT kiểm soát, phân luồng giao thông trên đường phố TP.Hà Nội. Ảnh: Viết Niệm

"Công tác đảm bảo an toàn giao thông rất rộng, nó bao gồm việc quản lý kết cấu hạ tầng; quản lý hoạt động vận tải thông qua các điều kiện kinh doanh; rồi các hoạt động khác, như công tác tuyên truyền…Tất cả những nội dung này đều nhắm đến mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Như vậy, việc đảm bảo an toàn giao thông nó nằm ở trong tất cả các khâu quản lý của ngành đường bộ chứ không phải chỉ có ở trong công tác tuần tra kiểm soát, đào tạo sát hạch lái xe. 

Chính vì vậy, nếu tách ra thành hai luật khác nhau, cái tên của hai luật và nội hàm bên trong ở hai luật này không khớp với nhau. Và thành ra cả 2 luật đều bị khuyết tật", ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, các nội dung nêu trên phải để chung vào trong một luật, đó là Luật giao thông đường bộ hiện nay. Có như vậy, các nội dung trong luật sẽ bao trùm, khớp nhau, bên trong luật sẽ có từng chương, mục cụ thể…

Về việc quản lý đào tạo sát hạch lái xe, theo ông Quyền nên giữ nguyên như hiện nay, bởi vì trong 27 năm qua, kể từ khi chuyển nội dung đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe từ ngành công an sang ngành giao thông, đến nay việc đào tạo đã có bước chuyển cơ bản, các nội dung đào tạo được hoàn thiện, đã hiện đại hóa trong khâu sát hạch. Rồi giấy phép lái xe của Việt Nam đã hội nhập với Quốc tế, người Việt Nam ra nước ngoài có thể sử dụng giấy phép lái xe cấp ở Việt Nam và ngược lại.

"Nếu như bây giờ lại chuyển việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cho ngành công an thì sẽ làm giảm đi vai trò giám sát của ngành công an đối với nội dung này. Nếu như để Bộ giao thông thực hiện thì hiệu lực giám sát sẽ khách quan, hiệu quả. Một ngành làm, một ngành giám sát và cũng đúng với chức năng giám sát của ngành công an", ông Quyền bày tỏ.

Chuyên gia: Tách Luật giao thông đường bộ dễ khiến cả 2 luật thành “khuyết tật” - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Ảnh: Khánh Linh

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, nếu như tách Luật giao thông thành 2 luật khác nhau sẽ không phù hợp, sẽ phát sinh nhiều bất cập. 

Ngoài ra, đối với việc quản lý, đào tạo sát hạch lái xe, nếu như giao về ngành công an lại phải đầu tư trang thiết bị, hệ thống máy móc, rồi chi phí cho bộ máy, các khoản tiền lương cho lực lượng vũ trang cũng sẽ cao hơn so với dân sự.

Chỉ cần chỉnh sửa một số nội dung trong luật cho phù hợp với thực tế

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) không đồng tình với đề xuất tách Luật giao thông đường bộ (GTĐB) thành 2 luật khác nhau.  Bởi theo ông Tùng, hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam rất đồ sộ, thậm chí, một số Nghị định hiện đang chồng chéo chưa thống nhất với nhau.

Do vậy, việc tách luật cần nghiên cứu và đánh giá, tiên liệu một cách kỹ càng, chuyên sâu và bao trùm những mục tiêu đề ra. Ngoài ra, những nội dung để đưa ra đề xuất đều không mới, là vấn đề đã tồn tại nhưng chưa khắc phục được.

"Theo quan điểm của tôi, những tồn tại không đến từ các quy định pháp luật mà thường đến từ ý thức pháp luật. Pháp luật chặt chẽ sẽ, đầy đủ sẽ giáo dục và phát triển ý thức pháp luật của người dân. Nên giữ nguyên Luật giao thông đường bộ và chỉ chỉnh sửa một số nội dung trong luật cho phù hợp thực tế. Điều này cần sự thống nhất và đồng lòng từ tất cả các cơ quan chức năng, đoàn thể và mọi người cùng hướng về mục tiêu chung, thống nhất, tiếp thu để đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất", luật sư Tùng nói.

Luật sư Tùng cho hay, cơ quan quản lý sát hạch, đào tạo, cấp giấy phép lái xe vẫn nên do Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước.

Chuyên gia: Tách Luật giao thông đường bộ dễ khiến cả 2 luật thành “khuyết tật” - Ảnh 4.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

"Nếu có sự thay đổi ở đây, theo tôi chính là bổ sung những quy định mới điều chỉnh Luật để đáp ứng những đòi hỏi thực tế từ sự phát triển của hệ thống giao thông đường bộ, từ thực tiễn thay đổi trong thói quen, ý thức của người dân khi tham gia giao thông", ông Tùng nói.

Đồng quan điểm, anh Đặng Văn Tâm, lái xe taxi ở Hà Nội cũng cho rằng, không nhất thiết phải tách Luật giao thông đường bộ thành 2 luật khác nhau. Bởi anh Tâm cho rằng, việc tách luật chỉ giải quyết phần ngọn mà không giải quyết được phần gốc.

Việc tách luật, trong đó có sự thay đổi về cơ quan quản lý sát, hạch, đào tạo, cấp giấy phép lái xe có thể sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề liên quan đếm cải cách hành chính, dẫn tới lãng phí ngân sách và phát sinh vấn đề liên quan nhân lực.

"Tôi cho rằng, hiện nay chỉ cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung trong Luật giao thông đường bộ cho phù hợp với thực tiễn là hợp lý. Còn việc tác luật này ra có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy, bất cập, cụ thể nhất ở đây, là việc phải thay đổi bộ máy giám sát, vận hành…", anh Tâm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem