Bán quyền kiểm soát tại OCH, Ocean Group còn gì khắc phục khoản lỗ 2.700 tỷ?

Nhật Minh Thứ hai, ngày 21/09/2020 07:51 AM (GMT+7)
Khoản đầu tư vào OCH giá trị 1.185 tỷ đồng được nhìn nhận là tài sản duy nhất và là mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - OGC). Với khoản lỗ lũy kế lên tới 2.700 tỷ đồng, khó khăn chồng chất, Ocean Group sẽ còn lại khi tự tay bán đi quyền kiểm soát tại OCH?
Bình luận 0

Báo cáo tài chính sau soát xét nửa đầu năm 2020 của Ocean Group công bố mới đây cho thấy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của OGC chỉ còn hơn 108 tỷ đồng. Kết quả này thấp hơn 11 tỷ đồng so với con số hơn 219 tỷ đồng lợi nhuận ghi nhận trên báo cáo tự lập của doanh nghiệp.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thuần của công ty cũng giảm gần 40%, từ mức 422 tỷ đồng xuống còn 263 tỷ đồng. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh khách sạn và dịch vụ của các đơn vị thành viên của OGC.

Lỗ lũy kế 2.700 tỷ, Ocean Group vẫn "chìm trong khủng hoảng"

Cũng theo bản Báo cáo tài chính này, các khoản phải thu của Ocean Group chiếm tới 37,98% tổng tài sản của công ty. Trong đó, có nhiều khoản nợ tồn đọng từ lâu. Theo ý kiến ngoại trừ, kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng để đánh giá khả năng thu hồi của những khoản nợ này. Tổng số tiền liên quan đến các khoản phải thu kiểm toán loại trừ về khả năng có thể thu hồi lên đến 424,1 tỷ đồng.

Được biết, Ocean Group là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm. Năm 2013 trước khi xảy ra biến cố về nhân sự cấp cao, tổng tài sản của Ocean Group đạt hơn 11.400 tỷ đồng với lợi nhuận chưa phân phối gần 100 tỷ đồng.

Bốn năm sau đó, tổng tài sản của OGC giảm hơn một nửa so với trước biến cố của cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm, với số lỗ lũy kế tăng lên gần 2.900 tỷ, ăn mòn gần 97% vốn điều lệ. Đến cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của OGC chỉ còn hơn 3.695 tỷ đồng, "bốc hơi" 13% so với cùng kỳ năm 2019

Ở thời kỳ "hậu Hà Văn Thắm", hoạt động của Ocean Group chỉ xoay quanh điệp khúc thua lỗ và bán tài sản. Kết thúc năm 2014, tập đoàn này lỗ sau thuế gần 2.548 tỷ đồng. Năm 2015, tập đoàn này đã ghi nhận lợi nhuận gần 700 tỷ nhưng là nhờ bán cổ phần công ty con liên quan đến một dự án bất động sản.

Hai năm 2016 và 2017, OGC báo lỗ lần lượt 728 tỷ và 465 tỷ đồng. Hai năm tiếp theo 2018 và 2019, Ocean Group lãi lần lượt 48 và 83 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty mẹ vẫn ghi nhận khoản lỗ ròng 23 tỷ và xấp xỉ 14 tỷ đồng trong hai năm này.

Lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2020 của công ty mẹ là 2.671 tỷ đồng và lỗ hợp nhất lũy kế trên 2.722 tỷ đồng. Chưa hết, đề cập tại Tờ trình số 55/2020/TTr-BTGD (Tờ trình 55), Ban Tổng giám đốc (TGĐ) của Ocean Group nhấn mạnh đến một số khoản công nợ cấp bách trong thời gian tới có thể dẫn tới việc cơ quan chức năng thi hành án cưỡng chế thi hành án, các đối tác khởi kiện OGC, giải chấp tài sản thế chấp, thu hồi dự án. Chẳng hạn như tiền thanh lý hợp đồng thuê văn phòng với Oceanbank (44 tỷ); Thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp (15 tỷ); tiền còn lại liên quan đến nhận góp vốn dự án SSG (28,4 tỷ đồng); Thần đồng (200 tỷ); NCB (37 tỷ)...

Chưa kể, Ocean Group còn được nhắc tên trong 10 vụ kiện lớn nhỏ trong thời gian vừa qua.

OCH là khoản đầu tư có giá trị nhất của Ocean group

Khó khăn chồng chất, nhưng các khoản đầu tư của Ocean group lại không mang lại hiệu quả kỳ vọng. Theo tờ trình 55, tính đến cuối tháng 6/2020, OGC có ghi nhận khoản đầu tư ngắn hạn PRV 50,4 tỷ đồng, đã dự phòng 43 tỷ đồng và khoản đầu tư Fafilm HCM 3,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, đầu tư dài hạn bao gồm khoản đầu tư OTL là 480 tỷ đồng, đã dự phòng 433 tỷ đồng. Tuy nhiên, bản chất OTL sau khi dự án HH được chia tách sang Công ty Ngôi sao Xanh để chuyện nhượng cổ phần cho Vingroup thì OTL cũng không còn các hoạt động khác, các tài sản cũng chưa được dự phòng đầy đủ tại OTL nên về bản chất khoản đầu tư này không mang lại giá trị cho OGC.

Khoản đầu tư tại ONRC là 11 tỷ đồng, đã dự phòng 5 tỷ đồng những về bản chất khoản này được lập dự phòng đầy đủ do cách thức hạch toán kế toán. Nếu lập dự phòng đầy đủ thì khoản đầu tư này sẽ giảm khoảng 6 tỷ đồng.

Khoản đầu tư tại Công ty BOT là 104 tỷ đồng nhưng chưa mang lại dòng tiền do công ty này đang phải trả nợ ngân hàng theo phương án đi vay. Công ty cũng đã có nghị quyết thoái vốn từ 9/2019 nhưng chưa thoái thành công do không được thoái vốn ra bên ngoài và các nhà đầu tư khác trong dự án không quan tâm đến việc nhận chuyển nhượng.

Khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH (59,85% cổ phần) giá trị 1.185 tỷ đồng, đã dự phòng 227 tỷ đồng và là khoản đầu tư có giá trị nhất đối với Ocean Group hiện nay. Nhiều cổ đông nhìn nhận, tài sản duy nhất và là mảng kinh doanh cốt lõi của OGC chính là cổ phiếu của OCH.

Bán quyền kiểm soát tại OCH, Ocean Group còn gì khắc phục khoản lỗ 2.700 tỷ? - Ảnh 2.

Theo báo cáo của Ban Tổng Giám Đốc, trên 90% các chỉ tiêu kinh tế hợp nhất của Ocean Group phụ thuộc vào hoạt động của OCH.

Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi những năm gần đây có đến trên 90% các chỉ tiêu kinh tế hợp nhất của Ocean Group phụ thuộc vào hoạt động của OCH. Hoạt động của OGC ghi nhận những đóng góp tích cực của lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm với hai thương hiệu đã trở thành di sản - Bánh Givral và Kem Tràng Tiền và ngành kinh doanh dịch vụ khách sạn với thương hiệu Sunrise và Starcity được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế.

Doanh thu trên báo cáo hợp nhất của Ocean Group và OCH (tỷ đồng)

Doanh thu trên báo cáo hợp nhất của Ocean Group và OCH (tỷ đồng)

Bán quyền kiểm soát tại OCH, Ocean Group còn lại gì?

Mới đây HĐQT Ocean Group đã thông qua Tờ trình 55/2020 với 4/5 thành viên HĐQT đồng ý, thể hiện tại Nghị quyết số 015/2020/NK/19-24/NQ-HĐQT-OGC (Nghị quyết 015/2020). Trong đó, đề xuất chuyển nhượng 20 triệu cổ phần tại OCH do Ocean Group sở hữu, qua đó giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của OGC từ 59,85% xuống còn 49,85%. Mục đích để tạo nguồn tiền thanh toán công nợ và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, để có tiền "trả nợ", ban lãnh đạo Ocean Group đang chủ động bán đi quyền kiểm soát OCH?

Điều đáng nói, nếu như mất quyền kiểm soát tại OCH, báo cáo tài chính của OCH không được hợp nhất vào Ocean Group do OGC chỉ còn sở hữu 49,85% cổ phần tại OCH sau chuyển nhượng. Điều này có thể sẽ khiến cho OGC và các cổ đông gánh chịu thiệt hại như: Tổng tài sản của OGC sẽ giảm 1.601 tỷ đồng, tương đương 43,3%; Tổng doanh thu sẽ giảm 1.146 tỷ đồng, tương đương 97,2% và lợi nhuận của OGC sẽ giảm 35 tỷ đồng tương đương 9,3% (dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020). Đây là con số không hề nhỏ đối với một doanh nghiệp đang loay hoay trong vòng xoáy nợ nần và gánh nặng hơn 2.700 tỷ lỗ lũy kế như Ocean group.

Lợi nhuận trên báo cáo hợp nhất của Ocean Group và OCH (tỷ đồng)

Lợi nhuận trên báo cáo hợp nhất của Ocean Group và OCH (tỷ đồng)

Mặt khác, Tại Nghị Quyết 01/2020 và Kế hoạch hoạt động của HĐQT năm 2020 tại Báo cáo số 02/2020/BC-HĐQT ngày 28/5/2020, ĐHĐCĐ OGC cũng chấp thuận rằng trong năm 2020, sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực là "bất động sản, kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng và chế biến thực phẩm".  Đây cũng chính là các hoạt động chủ yếu của OCH.

Đồng thời, tập trung các nguồn lực hiện có từ Công ty mẹ, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn và nguồn vốn huy động từ ngân hàng hoặc các đối tác hợp tác đầu tư để hoàn tất thủ tục pháp lý, công tác chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai thi công xây dựng các Dự án trong giai đoạn tới bao gồm 02 dự án tại OCH.

Nhìn một cách tổng thể, kế hoạch của Ocean Group (và ĐHĐCĐ OGC) là tiếp tục đẩy mạnh và tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh của OCH. Trong kế hoạch tạo dòng tiền cho OGC hoạt động cũng như chi trả cho các khoản nợ, OCH hoàn toàn không được xem là đối tượng dự định thoái vốn.

Vậy, việc thoái vốn gây mất kiểm soát ở OCH là quyết định trái với kế hoạch thoái vốn và đầu tư được Ban TGĐ đặt và và ĐHĐCĐ Ocean Group phê duyệt? Hơn nữa, với tình hình tài chính như hiện tại của Ocean Group, việc bán cổ phần tại một doanh nghiệp đang đóng góp 90% doanh thu cho OGC và mất đi quyền chi phối tại doanh nghiệp này thì OGC sẽ còn lại gì hay chỉ còn là "cái xác không hồn" được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán?

Cũng chính vì vấn đề này, mới đây nhóm cổ đông sở hữu trên 63 triệu cổ phần, tương đương với 21,5% vốn điều lệ của Ocean Group, đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan cảnh sát điều tra C03, Bộ Công An. Nhóm cổ đông này cho rằng nội dung của Tờ trình 55/2020 và Nghị quyết 015/2020 sẽ gây thiệt hại lớn cho Ocean Group và giá trị cổ phiếu OGC, từ đó gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông Ocean Group và giá trị của tài sản bị kê biên do Cục Thi hành án Dân sự (THADS) quản lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem