Bánh trung thu handmade có đất sống?

Thứ bảy, ngày 19/09/2020 09:27 AM (GMT+7)
Cứ đến mùa Trung thu, những chiếc bánh nhỏ xíu xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong những giỏ quà biếu. Với hỗ trợ của quảng cáo trên Facebook, bánh trung thu handmade có "đất sống". Nhà nhà làm, người người làm…
Bình luận 0

"Sáng nay giao 25 hộp loanh quanh trong xóm, chiều giao thêm 20 hộp các quận nữa là xong đơn hàng của một ngày cuối tuần", bà Lê Gia (Bình Thạnh, TP.HCM) cười tươi rói. Xuất phát từ việc tự làm bánh cho gia đình ăn, bà Gia gắn với "sự nghiệp" làm bánh trung thu cả chục năm nay. 

"Mới đầu làm cho nhà ăn, có tặng cho vài người trong xóm. Người ăn khen ngon, giới thiệu khắp nơi. Cách đây 5 năm, năm nào cũng phải làm vì cứ gần Trung thu, khách gọi tới đặt bánh. Năm nay đã nhận khoảng 2.000 chiếc, giao rải rác từ hồi tháng 7 âm", bà Gia thủng thỉnh kể.

Bánh "handmade" có đất sống - Ảnh 1.

Bánh trung thu handmade hiện được rao bán nhiều qua facebook. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Năm ngoái, tranh thủ ngoài thời gian đi làm, bà Nhí Phạm (Q.9, TP.HCM) làm hơn 1.500 bánh giao cho khách, hầu hết là người quen. "Ba năm nay tôi chọn bánh handmade để cả nhà thưởng thức vào dịp Trung thu. Khi đặt bánh, mình lưu ý người làm tăng hay giảm lượng đường, lượng nhân phù hợp với sở thích. Điều tôi thích nhất khi chọn đặt bánh handmade là không có chất bảo quản, con trẻ trong nhà ăn an toàn. Người làm bánh đã quen biết nên hoàn toàn tin tưởng", bà Hương, khách mua bánh của bà Nhí Phạm cho biết.

Bà Mỹ Linh, chủ một spa trên đường Điện Biên Phủ (Q.10) cho biết, vì không có thời gian rảnh để làm bánh ăn và tặng bạn bè, khách hàng nên năm nay bà phải đặt bánh ở những mối quen. "Khách của spa toàn là kẻ thù của cân nặng nên sẽ tặng loại bánh ít đường, ngon và đẹp mắt", bà Linh nói.

Muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng, người làm bánh tại nhà phải lựa chọn kỹ nguyên liệu và đảm bảo vệ sinh. "Mình làm cho gia đình ăn như thế nào, làm bán như thế ấy. Nguyên tắc là không phẩm màu, không phụ gia làm mềm vỏ, không chất bảo quản để kéo dài thời gian lưu giữ bánh. Do đó bánh nhân ngọt chỉ để được 5 ngày, nhân mặn để được lâu hơn, chừng 10 ngày", bà Nhí Phạm chia sẻ.

Để làm được một chiếc bánh trung thu cần có các công đoạn như nhào bột làm vỏ, sên nhân, làm nhân mặn, tạo hình… rồi nướng bánh. "Nếu không có tay nghề, bánh không ngon, không đúng vị, thậm chí cháy xém", bà Linh bình luận.

Hiện nay, bánh trung thu handmade được bán qua facebook. Chủ nhà cứ đăng thông tin, giá cả lên trang Facebook cá nhân rồi ngồi đó nhận đơn hàng. Bánh không làm sẵn, chỉ làm khi có người đặt. Người mới làm, một mùa được vài trăm bánh. Người có thâm niên, uy tín, có thể lên tới vài ngàn bánh. Giá trung bình từ 30.000 - 80.000đ/chiếc. 

Bánh trung thu handmade có đất sống - Ảnh 2.

Bánh trung thu handmade có nhiều phân khúc, nhưng giá không hề rẻ

"Lượng khách đặt bánh trung thu theo công thức truyền thống vẫn nhiều hơn. Tuy nhiên năm nay, nhiều khách đặt các loại bánh Wagashi, bía, bía mặn, mochi, chay...", bà Trúc (Q. Bình Tân, TP.HCM) cho biết. Bà Trúc nổi danh với dòng bánh chay nhân thập cẩm làm từ nấm, rau củ và trứng muối được làm từ khoai và đậu có hương vị thật đến 90%. "Tui sống trong khu người Hoa từ hồi còn nhỏ. Đối với bánh trung thu, phải đúng hương vị truyền thống, đúng kiểu dáng… khách mới chịu mua hàng". Năm nay bà Trúc rao trên trang Facebook của mình là sẽ có 3 loại bánh mới: bánh ký ức (hương vị xưa cũ), bánh theo dòng thời gian (hương vị hôm nay) và bánh phá cỗ đêm trăng.

Đối với dòng bánh trung thu handmade cao cấp, có thể kể đến thương hiệu từ các khách sạn lớn như New World, Sheraton Saigon, Equatorial, Majestic Saigon, InterContinental Saigon, TCC… Mỗi khách sạn có kiểu làm khác nhau, nhưng đây là dòng bánh sang trọng, được làm thủ công từ chính các đầu bếp thượng hạng của họ.

Chỉ dân "nhà giàu" mới có thể thưởng thức các loại bánh này, với mức giá từ 900.000đ/hộp 4 bánh trở lên với đủ các loại như bánh dẻo, bánh nhân đậu xanh, hạt sen, bánh thập cẩm vi cá, yến sào, bào ngư… Ấn tượng của dòng sản phẩm này là thiết kế hộp sang trọng kèm theo các món quà phụ như rượu vang, trà…

Mùa bánh trung thu năm nay, bà Trúc thay đổi bao bì, từ nhựa và carton trước đây sang giấy kraft và hộp tre để "bảo vệ môi trường và tái sử dụng". "Mỗi một mùa bánh trung thu, tui làm gần 5.000 chiếc bán, tính ra lượng nilon nhiều lắm. Từ năm nay sẽ chuyển qua sử dụng nguyên vật liệu bằng tre, vừa thân thiết với môi trường, vừa đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng" bà Trúc bộc bạch.

Cũng theo bà Trúc, nếu sản phẩm bánh "handmade" của bà nhận được ủng hộ của khách hàng như hiện nay, sắp tới sẽ phát triển thành thương hiệu bánh sạch, phân phối rộng rãi. Còn bà Lê Gia dự tính, sắp tới sẽ mở một cửa hàng làm và bán dụng cụ làm bánh. Khi tới tiệm bánh này, khách sẽ có bánh tươi sử dụng trong ngày và trực tiếp làm bánh.

Thế giới tiếp thị ( )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem