Báo cáo của Mỹ chỉ ra quân đội Nga và Trung Quốc có chung một 'điểm yếu'

Lê Phương (CNN) Chủ nhật, ngày 18/09/2022 07:02 AM (GMT+7)
Báo cáo của Đại học Quốc phòng Mỹ cho rằng các nhà lãnh đạo quân sự của Trung Quốc có chung một 'điểm yếu tiềm ẩn' với những người đồng cấp Nga. Tuy nhiên chuyên gia Mỹ cũng cảnh báo không nên đánh giá thấp đối phương.
Bình luận 0
Báo cáo của Mỹ chỉ ra quân đội Nga và Trung Quốc có chung một 'điểm yếu' - Ảnh 1.

Theo báo cáo của Đại học Quốc phòng Mỹ, quân đội Trung Quốc dường như thiếu 'đào tạo chéo'. Ảnh: Getty

Báo cáo đã đi sâu vào lý lịch của hơn 300 sĩ quan hàng đầu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong 5 quân chủng - lục quân, hải quân, không quân, lực lượng tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược - trong 6 năm tính đến năm 2021. Báo cáo nhận thấy rằng trong mỗi quân chủng các lãnh đạo đều không có kinh nghiệm hoạt động trong bất kỳ chi nhánh nào khác với chi nhánh mà họ đã bắt đầu sự nghiệp.

Nói cách khác, bộ binh PLA vẫn ở lại lính, thủy thủ tiếp tục làm thủy thủ, phi công ở lại không quân. Báo cáo cho biết, hiếm khi quân đội PLA thay đổi lĩnh vực của mình, trái ngược với quân đội Mỹ, nơi huấn luyện chéo đã được đưa vào quy định kể từ năm 1986.

Báo cáo dài 73 trang tiếp tục: "Sự cứng nhắc này có thể làm giảm hiệu quả của Trung Quốc trong các cuộc xung đột trong tương lai", đặc biệt là trong các cuộc xung đột đòi hỏi khả năng đa nhiệm. Đây cũng là vấn đề của Nga tại Ukraine, nơi các lực lượng Moscow không có nhiều sự gắn kết.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng cách đây 7 tháng, các chuyên gia đã chỉ ra những khiếm khuyết trong cơ cấu quân sự của Moscow.

Các nhà phân tích cho biết, đối phó với cuộc phản công của Ukraine, các lực lượng mặt đất của Moscow thiếu đi sự bảo vệ trên không, trong khi các vấn đề hậu cần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp tế lực lượng - xe tải của Nga thiếu lốp phù hợp với địa hình và bị hỏng do thiếu bảo trì.

Theo tác giả của báo cáo Joel Wuthnow, các lãnh đạo cấp cao của PLA có thể gặp phải những vấn đề tương tự do họ không được đào tạo chéo.

Báo cáo của Wuthnow, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc của trường đại học cho biết: "Chẳng hạn, các chỉ huy tác chiến hiếm khi mở rộng kinh nghiệm nghề nghiệp trong lĩnh vực hậu cần và ngược lại".

"Các chỉ huy tác chiến, những người không bao giờ nắm rõ về hậu cần hoặc bảo trì chắc chắn sẽ không sử dụng các lực lượng đó một cách tối ưu", ông nhấn mạnh.

Ông Wuthnow chỉ ra điểm khác biệt: "Ở Mỹ, hầu hết tất cả các chỉ huy bốn sao đều có kinh nghiệm hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau".

Không nên đánh giá thấp PLA

Carl Schuster, cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, cho biết báo cáo mới "là đánh giá tốt nhất về khả năng và phương pháp của Trung Quốc mà ông từng thấy".

Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên sử dụng báo cáo như một dự đoán về cách PLA sẽ chiến đấu trong một cuộc xung đột giống Ukraine vì lực lượng này có nhiều lợi thế khác so với quân đội Nga.

Ông nói, Trung Quốc đào tạo tân binh tốt hơn và không còn dựa vào lính nghĩa vụ, trong khi quân đội Nga "dựa vào 80-85% lính nghĩa vụ trong 7 tháng".

Và, không giống như Nga, Trung Quốc có một quân đoàn hạ sĩ quan chuyên nghiệp, ông nói thêm.

Schuster, hiện đang giảng dạy tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, ước tính rằng Trung Quốc kém Mỹ khoảng 4 hoặc 5 năm về khả năng hoạt động chung - nhưng cảnh báo các cuộc tập trận gần đây "cho thấy Bắc Kinh đang dần bắt kịp Washington".

Ông trích dẫn các động thái gần đây của Trung Quốc, chẳng hạn như những hoạt động xung quanh Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo này vào đầu tháng 8.

Báo cáo của Wuthnow, đồng thời là trợ giảng tại Đại học Georgetown ở Washington, cũng cho thấy sự khác biệt giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ.

Báo cáo cho biết: "Các sĩ quan cao cấp Trung Quốc đồng nhất về tuổi tác, học vấn, giới tính và dân tộc".

Đối với cấp bậc 4 sao, các sĩ quan Trung Quốc trung bình lớn tuổi hơn các đồng nghiệp Mỹ (64 so với 60) và có nhiều năm trong quân đội hơn (46 so với 40).

"Ban lãnh đạo của Mỹ đa dạng hơn, với hai phụ nữ và ba người Mỹ gốc Phi, trong khi ban lãnh đạo PLA lại vô cùng đồng nhất (hoàn toàn là nam và 99% là người Hán)", báo cáo cho biết.

Một sự khác biệt rõ ràng nữa: 58% sĩ quan Mỹ đã từng phục vụ ở nước ngoài trong khi không có sĩ quan Trung Quốc nào có kinh nghiệm ở nước ngoài.

Báo cáo cũng lưu ý: Thông qua vai trò là Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tham gia vào việc lựa chọn các sĩ quan cấp cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem