Báo chí phát hiện tiêu cực, nhưng cơ quan chức năng có xử lý không?

Lương Kết Thứ sáu, ngày 28/04/2017 13:10 PM (GMT+7)
"Với đà này báo chí còn phát hiện các vụ việc tiêu cực, tham nhũng nhiều hơn nữa. Vấn đề là các cơ quan chức năng xử lý thế nào với những vụ việc tiêu cực mà báo chí đã nêu? Nếu xử lý không hiệu quả anh em báo chí chưa vui" - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.
Bình luận 0

img

Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc VN  Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo.

Sáng 28.4, tại Hà Nội, báo Nhân dân, Ban thường trực Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tới dự.

Phát biểu định hướng hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, lâu nay chúng ta có hạn chế là cơ quan Nhà nước phát hiện ít tham nhũng, không phải như vậy để không có đầu vào để làm việc. Thời gian qua, báo chí phát hiện nhiều các vụ tiêu cực, tham nhũng đó là đầu vào rất tốt.

"Với đà này báo chí còn phát hiện nhiều hơn nữa các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Vấn đề là các cơ quan chức năng xử lý thế nào với những vụ việc tiêu cực mà báo chí đã nêu, nếu xử lý không hiệu quả anh em báo chí chưa vui" - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề, trong việc phát hiện tiêu cực, tham nhũng phóng viên giữ vai trò thế nào? Ông cho rằng, nếu nhà báo chỉ ở vai trò là người quan sát, thu thập phản ánh ý kiến của nhân dân thì tương đối thuận lợi.

Từ đó, ông đặt câu hỏi: Trong việc nghiên cứu phát hiện tiêu cực, tham nhũng có bao giờ phóng viên làm như điều tra viên không? Nếu có thì các phóng viên phải được hỗ trợ về nghiệp vụ, thực hiện khuôn khổ pháp luật thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ khi đọc qua một bài tham luận có nêu việc nhà báo đi xin một tài liệu công khai mà đến cơ quan đó 5 -6 lần không xin được.

"Đặc thù của tác nghiệp của báo chí trong điều tra phát hiện tiêu cực, tham nhũng, cái nào là truyền thống, cái nào mới. Chúng ta phải làm gì để các nhà báo hoàn thành tốt trách nhiệm của mình theo đúng khuôn khổ pháp luật?"- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói và đề nghị hội thảo cùng bàn luận.

Nói về khó khăn, vướng mắc đối với phóng viên khi điều tra chống tiêu cực, tham nhũng, luật sư -TS Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN đề cập đến câu chuyện khi ông bào chữa cho một nhà báo của báo Tuổi trẻ TP.HCM.

Vụ án đó xuyên suốt từ giai đoạn điều tra, truy tố, đến xét xử sơ thẩm, phúc thẩm có một vấn đề duy nhất là làm thế nào xác định ranh giới giữa tác nghiệp của báo chí với hành vi vi phạm pháp luật.

img

Luật sư - tiến sĩ Phan Trung Hoài.

"Ví dụ anh phóng viên nhập vai để tham gia vào một quá trình nhằm chứng minh nạn vi mãi lộ, vậy anh có trở thành người đưa hối lộ không? Trong quá trình xử lý, hướng dẫn, ở góc độ báo chí tôi thấy điểm này chưa rõ, chưa giúp được cho các phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Ranh giới này rất mỏng manh, chỉ cần nhận thức không đúng hoặc quy trình tác nghiệp không đúng anh phóng viên đang từ người đấu tranh chống vi phạm pháp luật lại bị biến thành vi phạm pháp luật. Đây là điều đau lòng" - luật sư Phan Trung Hoài nói.

Trong tham luận, nhà báo Duy Thanh - Phó Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết cho rằng: Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí hiện nay nhà báo và cơ quan báo chí không thể tự thân và đơn phương.

"Thiếu sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bài báo sẽ rơi vào im lặng. Cơ quan báo chí, nhà báo không có quyền xử lý vi phạm. Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng sợ nhất là "alo, vỗ vai". Chỉ có sự minh bạch, sự vào cuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng mới làm cho các thông tin báo chí trở thành căn cứ, chứng cứ đưa ra ánh sáng các vụ việc tiêu cực, tham nhũng..." - nhà báo Duy Thanh bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem