Bảo đảm an toàn sản phẩm thịt tại Hà Nội: Tăng cơ sở giết mổ tập trung, siết điểm nhỏ lẻ

Ngọc Quỳnh Thứ năm, ngày 25/06/2020 12:17 PM (GMT+7)
Tại Hà Nội, các ngành chức năng mới kiểm soát được hơn 60% sản phẩm thịt giết mổ ở các cơ sở công nghiệp, bán công nghiệp; số còn lại được cung cấp bởi các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa được kiểm soát.
Bình luận 0

Trong bối cảnh dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát thì việc kiểm soát nguồn thực phẩm này hết sức quan trọng...

Gần 40% sản phẩm thịt chưa được kiểm soát

Theo thông tin mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 749 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 46 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; còn lại là 696 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công.

Hiện, mỗi ngày các ngành chức năng mới kiểm soát khoảng 650 tấn thịt gia súc, gia cầm, đáp ứng hơn 60% nhu cầu tiêu thụ. Phần còn lại được cung cấp bởi các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư.

Thực tế, do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi lực lượng cán bộ thú y mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ. Hơn nữa, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công hầu hết không có địa điểm cố định mà nằm rải rác trong các khu dân cư của các huyện, thị xã.

Bảo đảm an toàn sản phẩm thịt tại Hà Nội:  Tăng cơ sở giết mổ tập trung, siết điểm nhỏ lẻ  - Ảnh 1.

Còn nhiều hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. ảnh Ngọc Quỳnh

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hồng Thái - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đông Anh cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 10 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì mới có 1 cơ sở giết mổ công nghiệp, còn lại đều là quy mô nhỏ lẻ trong khu dân cư, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đây là nguồn lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm...

Còn trên địa bàn huyện Thạch Thất, theo ông Nguyễn Duy Đáng - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho hay, hiện có 10 cơ sở giết mổ được cấp giấy phép hoạt động, trong khi có tới 60 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép, do không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y. Đặc biệt, với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (2-10 con/ngày), các chủ lò mổ thường mua lợn trực tiếp của các hộ chăn nuôi nên gây không ít khó khăn cho đơn vị trong việc xác định nguồn gốc sản phẩm...

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Hiện thành phố có 220 cơ sở giết mổ lợn, nhưng chỉ có 47 cơ sở (chiếm 22%) có quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, còn lại là nhỏ lẻ. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thu mua lợn từ nhiều nơi, trong đó có những cơ sở không được cấp giấy phép nhưng lén lút hoạt động, gây khó khăn trong việc kiểm dịch".

Ông Nguyễn Ngọc Sơn

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, do ý thức của một số hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm còn hạn chế, không muốn vào các khu giết mổ tập trung. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ công nghiệp không có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, thiếu hệ thống phân phối sản phẩm và hỗ trợ của khâu chế biến sau giết mổ, chi phí giết mổ cao nên giảm tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm đa số, thiếu cơ sở giết mổ tập trung là nguyên nhân chính cho sự tồn tại của phương thức giết mổ nhỏ lẻ, thậm chí giết mổ tại hộ chăn nuôi. Ông Sơn cũng biết thêm, thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm dịch để kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm.

Để tháo gỡ khó khăn, từng bước kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nguyễn Huy Đăng, ngành nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ hình thành các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn.

"Các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ đất sạch cho việc triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn theo quy hoạch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm; có lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường vào các cơ sở giết mổ tập trung đã được thành phố quy hoạch" - ông Đăng nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem