Báo điện tử Dân Việt ra mắt chuyên mục Tâm hồn làng Việt

Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt Thứ năm, ngày 01/04/2021 05:47 AM (GMT+7)
Hôm nay, ngày 1/4/2021, Báo điện tử Dân Việt chính thức ra mắt chuyên mục: Tâm hồn làng Việt. Tâm hồn làng Việt là chuyên mục giới thiệu làng quê Việt Nam một cách sinh động về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội...cho tới đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người nông dân làm nông nghiệp, sinh sống ở nông thôn...
Bình luận 0

Chuyên mục Tâm hồn làng Việt của Báo điện tử Dân Việt nhằm mục đích cung cấp thông tin tới bạn đọc trong và ngoài nước về hình ảnh, phong tục, tập quán, lễ hội văn hóa, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của cư dân trong ngôi làng Việt Nam, đặc biệt là các làng quê Việt Nam vùng dân tộc và tôn giáo…

Báo điện tử Dân Việt ra mắt chuyên mục: Tâm hồn làng Việt - Ảnh 1.

Làng quê Việt Nam với những thiết chế văn hóa quan trọng như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ, nhà rông...gắn với đời sống sinh hoạt, đời sống sản xuất, đời sống tinh thần của cư dân nông thôn-nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống được chắt lọc, nuôi dưỡng qua bao thế hệ...

Chuyên mục Tâm hồn làng Việt ra đời với mục đích đưa tới quý bạn đọc những hình ảnh, thông tin gần gũi về ngôi làng mà ở đó có thể là quê hương, bản quán của bạn đọc, là nơi bạn đọc đang sinh sống với trải nghiệm đầy đủ của của một người nông dân làm nông nghiệp và sống ở nông thôn.

Làng (và các hình thức tổ chức xã hội tương đương như thôn, ấp, bản, phum, sóc…) là một hình thức tổ chức xã hội truyền thống quan trọng bậc nhất của nông thôn Việt Nam. 

Theo sử sách, hình thức tổ chức làng có từ thời Hùng Vương và được gọi là chạ. Làng vẫn là hình thức tổ chức truyền thống lâu đời của người Việt Nam trong suốt hành trình hàng ngàn năm lịch sử mặc dù đơn vị hành chính các cấp có thể thay đổi và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh hay chậm.

Làng chính là nơi chắt lọc, ấp ủ, lưu giữ những nếp sống, phong tục, tập quán ngàn đời của cha ông ta. Làng không chỉ là hình thức tổ chức truyền thống quan trọng của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước mà còn là nơi có sức mạnh bảo tồn những giá trị văn hóa trước sức mạnh của ngoại xâm.

Các thiết chế văn hóa truyền thống của làng Việt như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ, nhà rông…cùng với cảnh quan như cây đa, bến nước, sân đình, cánh đồng, dòng sông, bãi biển, khu rừng…đã tạo nên không gian sinh tồn của người Việt Nam qua bao đời.

Và hiện nay, có thể bạn đọc đang sinh sống ở một thành phố sầm uất bậc nhất của Việt Nam thì mỗi khi nhắc tới các thiết chế văn hóa và truyền thống tốt đẹp của làng Việt vẫn gợi một cảm xúc tự hào, thân thương, trìu mến và gợi nhiều liên tưởng về một miền ký ức bình yên, đẹp đẽ.

Tinh thần dựng nước, yêu nước, giữ nước và xây dựng và phát triển đất nước phản ánh rất rõ nét qua từng ngôi làng Việt. Tinh thần ấy đến nay và trong cả tương lai vẫn là tài sản vô giá của lịch sử dân tộc Việt Nam. Tinh thần ấy đang được phát huy mạnh mẽ hiện nay khi thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có và nông thôn văn minh, hiện đại.

Giới thiệu về làng Việt với chiều sâu về lịch sử, với bức tranh hiện tại và cái nhìn về tương lai sẽ là mục đích hướng tới của chuyên mục Tâm hồn làng Việt.

Báo điện tử Dân Việt, chuyên mục Tâm hồn làng Việt rất mong nhận được sự quan tâm, phản hồi, góp ý tích cực của bạn đọc để ngõ hầu phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu về làng Việt ở góc nhìn sinh động, đơn giản, dễ hiểu của đông đảo độc giả.

Mọi tin bài và góp ý mong được gửi về:

Hòm thư tamhonlangviet.vn@gmail.com.

Nhóm facebook: LÀNG QUÊ VIỆT NAM

Điện thoại: 086 993 8874

Nếu quan tâm, bạn đọc gửi bình luận của mình ngay dưới mỗi bài viết.

Xin trân trọng giới thiệu chuyên mục Tâm hồn làng Việt tới bạn đọc!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem