Báo động "cạm bẫy" khó lường khi nông dân đào ruộng biến thành ao nuôi cá tra giống ở miền Tây

Thứ ba, ngày 22/09/2020 09:15 AM (GMT+7)
Câu chuyện cá tra ở ĐBSCL đang nóng lên từng ngày. Giữa tháng 5-2018, giá cá tra vẫn ở ngưỡng cao ngất từ 30.000-33.000 đồng/kg. Khi giá cá tra thịt, cá giống tăng như “lên đồng” trong nhiều tháng qua, diện tích nuôi cá tra giống ở tỉnh Long An, tỉnh Đồng Tháp cũng đột biến tăng gần 1.000ha
Bình luận 0

Câu chuyện đào ruộng thành ao nuôi cá tra giống bộc phát này đang tiềm ẩn những hệ lụy khó lường vùng nuôi cá tra.

Báo động "cạm bẫy" khó lường khi nông dân đào ruộng biến thành ao nuôi cá tra giống ở miền Tây - Ảnh 1.

Giá cá tra đang tăng kéo theo nhiều người thả nuôi.

Nóng vì đơn “đặt hàng” ?

Nóng vì giá! Lâu nay diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL dao động từ 4.500-5.000ha (tùy theo giá cá tăng hay giảm). Chuyện diện tích nuôi cá tra giống tăng 1.000ha (chiếm gầm 20% diện tích nuôi nguyên liệu) thật sự là điều ngoài tưởng tượng! Vì sao có sự gia tăng bộc phát này?

Không phải Đồng Tháp, An Giang hay Bến Tre (3 địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất trong vùng) mà Long An chính là địa phương đang “nóng” chuyện đào ao nuôi cá tra giống. 

Con đường cặp kênh KT9 từ xã Hưng Hà qua xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, đang trở nên ồn ào hơn, bởi những chuyến xe tải ngược xuôi chở thức ăn nuôi cá cũng như chở cá tra giống từ đây về các tỉnh miền Tây. 

Báo động "cạm bẫy" khó lường khi nông dân đào ruộng biến thành ao nuôi cá tra giống ở miền Tây - Ảnh 2.

Đào ruộng thành ao nuôi cá tra giống đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nông dân một số tỉnh miền Tây. Ảnh: minh họa.

Dưới đất ruộng (đất trồng lúa lâu năm) cảnh các cần kobe đào tung từng thửa ruộng không còn xa lạ. Đây là những người dân đang chạy theo phong trào nuôi cá tra giống.

“Một héc-ta nuôi cá tra giống trúng có thể cao gấp 10 lần trồng lúa. Vụ rồi, gia đình tôi thu hoạch được hơn 1ha, bán giá 71.000 đồng/kg (loại 35 con/kg), thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ha. Hiện gia đình tôi mở rộng diện tích nuôi cá tra lên 3,5ha”, bà Diệp Thị Nguơn, một trong gần 10 hộ nuôi cá tra giống ở ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (tỉnh Long An), cho biết. 

Nghề nuôi cá tra giống mới rộ lên hơn một năm qua ở đây. Bà Nguơn thừa nhận, việc nuôi cá tra giống tuy không khó nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Thường chu kỳ nuôi cá tra giống trong khoảng thời gian từ 60-70 ngày. Giai đoạn đầu, cá dễ nhiễm bệnh, nếu không biết cách phòng bệnh nguy cơ thất bại rất lớn. 

Số vốn bỏ ra đầu tư trên 1ha nuôi cá cũng không hề nhỏ. Nếu tính cả tiền đào ao, tiền cá giống, tiền thuốc, tiền thức ăn… thì trung bình 1ha phải đầu tư gần 200 triệu đồng. Và trong số rất nhiều người nuôi cá tra giống hiện nay không phải ai cũng thành công.

Báo động "cạm bẫy" khó lường khi nông dân đào ruộng biến thành ao nuôi cá tra giống ở miền Tây - Ảnh 4.

Đào ao nuôi cá tra giống đang như một phong trào hơn là xu hướng có kiểm soát và dự báo tốt. Ảnh: minh họa.

Thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp tỉnh Long An, diện tích nuôi cá tra bột đã lên đến gần 1.000ha, trên 80% số diện tích này tập trung tại huyện Tân Hưng và nhiều nhất tại xã Hưng Điền B.

“Nuôi cá tra giống mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nhưng địa phương không khuyến khích! Người dân nuôi ồ ạt sẽ gặp khó về đầu ra. Hiện chúng tôi chủ yếu tập trung tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, không nên tự ý chuyển mục đích đất ruộng lúa thành ao nuôi cá. Vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên”, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B Nguyễn Vũ Linh cho biết.

Sau một thời gian cả người nuôi cá tra thương phẩm và cá giống “treo ao” vì cá tra rớt giá dài, chuyện sốt con giống cá tra xuất hiện từ đầu năm 2017. Nguyên nhân do giá cá tra tăng lại, người nuôi thiếu con giống để thả nuôi. 

Thời điểm này, có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn nhận ra chuyện thiếu con giống trầm trọng. Một vài doanh nghiệp đã “đặt hàng” nông dân nuôi cá tra giống để mua lại cung cấp cho thị trường. Và câu chuyện bộc phát nuôi cá tra giống bắt đầu.

Bộc phát vì quy hoạch đi sau

Có thể nói qua bao “thăng trầm” vùng nguyên liệu nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro rất cao. Một thời người ta cảnh báo về: nguy cơ các nhà máy chế biến thủy sản mọc lên như nấm (vượt sản lượng) sẽ phá sản. 

Nhưng bất chấp, tâm lý kinh doanh “ăn xổi ở thì”, chạy theo “đuôi thị trường”, gần như cả doanh nghiệp và nông dân không tuân theo quy hoạch và yếu tố thị trường giữa cung - cầu đua nhau nuôi. Hệ lụy ĐBSCL khủng hoảng thừa nguyên liệu, Chính phủ phải can thiệp để mua cá tra tồn đọng. 

Báo động "cạm bẫy" khó lường khi nông dân đào ruộng biến thành ao nuôi cá tra giống ở miền Tây - Ảnh 6.

Phong trào nuôi cá tra giống chưa tương xứng với sự phát triển của ngành chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá tra. Ảnh: minh họa.

Các nhà máy chế biến cạnh tranh khốc liệt ở các thị trường tiêu thụ nước ngoài, tung ra không ít chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh. 10 năm qua, câu chuyện cá tra rơi vào cảnh lo nhiều hơn mừng. 

Thế nhưng mọi chuyện bắt đầu có “gam sáng” từ năm 2017, khi thị trường Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh tiêu thụ cá tra ở khu vực ĐBSCL. Từ đó, giá cá tra ở ĐBSCL chuyển biến theo hướng có lợi cho nông dân.

Điều nhiều người đang lo lắng trong bối cảnh bộc phát nuôi cá tra giống hiện nay là: Những hộ có điều kiện kinh tế có thể trụ lại với nghề nuôi cá tra giống nhưng những hộ nghèo dám “đánh cược” cả tài sản để vay mượn đào ao thả cá rất dễ dẫn đến nguy cơ rủi ro, thiệt hại. 

Khi thất bại, người dân muốn trồng lúa lại là một chuyện hết sức khó khăn. Người nông dân cần thận trọng trước khi quyết định đầu tư nuôi cá tra giống.

Chuyện bộc phát diện tích nuôi cá tra giống buộc chính quyền địa phương phải vào cuộc. Vì tỉnh Long An cho rằng: Người dân tự ý đào ruộng lúa để nuôi cá tra giống sẽ tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch, đầu ra không ổn định.

UBND tỉnh Long An có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, tuyên truyền và xử phạt hành chính đối với các hộ dân tự ý đào ao nuôi cá tra giống trên đất lúa tại các huyện Đồng Tháp Mười. Đây là việc làm cần thiết để tránh những hệ lụy nhãn tiền.

Có một chuyện khá “trái khoáy” nằm ở vùng nuôi cá tra ĐBSCL: thời điểm nông dân bộc phát đào đất ruộng nuôi cá tra giống cũng là lúc Bộ NNPTNT công bố Quyết định 987 về việc phê duyệt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. 

Theo đề án này, từ nay đến năm 2025, Nhà  nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra 770ha tập trung gồm: 3 vùng tại tỉnh An Giang (huyện Châu Phú, thị xã Tân Châu và TP.Long Xuyên) với tổng diện tích 350ha; 3 vùng tại tỉnh Đồng Tháp (huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành) với tổng diện tích 400ha. 

Tổng nguồn vốn thực hiện đề án cá tra giống này là 592 tỉ đồng. Có thể nói, Quyết định 987 về Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL của Bộ NNPTNT đang rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.

Vì khi đề án mới triển khai, ngoài có 770ha nuôi cá tra giống ở tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp thì nông dân “ngoài vùng quy hoạch” ở tỉnh Long An đã tăng tốc gần 1.000ha. Câu chuyện người nuôi cá tra giống theo đề án và người nuôi ngoài vùng “giẫm chân” nhau là khó tránh khỏi.


Vĩnh Tường (Báo Hậu Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem