Hàng hoá ồ ạt tăng theo giá xăng, người dân oằn vai gánh nặng chi tiêu (Bài 1)

Huyền Anh Thứ ba, ngày 15/03/2022 15:20 PM (GMT+7)
Sau khi giá xăng dầu tăng liên tiếp lên mức giá kỷ lục gần 30.000 đồng/lít, hàng loạt mặt hàng “tát nước theo mưa” đã tăng giá theo. Người nghèo càng nghèo đi trong cuộc khủng hoảng năng lượng này và lạm phát theo đó cũng tăng chóng mặt.
Bình luận 0

LTS: Sau khi giá xăng tăng kỷ lục, ghi nhận của phóng viên Dân Việt từ nhiều vùng miền cho thấy nhiều doanh nghiệp đã "trục lợi", "té nước theo mưa" để tăng giá. Điều này đã tác động tiêu cực tới đời sống người dân và đặc biệt gây ra ảnh hưởng nhất định tới chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Chính phủ. Trong bối cảnh người dân đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, việc hàng hóa tiêu dùng tăng cao khiến người dân thêm nặng gánh chi tiêu.
Loạt bài "Hàng hóa ồ ạt tăng theo giá xăng, người dân oằn vai gánh nặng chi tiêu" của Dân Việt sẽ ghi nhận tâm tư của người tiêu dùng trên toàn quốc trước việc hàng loạt mặt hàng tăng giá ồ ạt, giúp cho cơ quan quản lý có cái nhìn bao quát và đưa ra những giải pháp phù hợp để chấm dứt tình trạng này, cũng như có những biện pháp đủ sức răn đe các doanh nghiệp tìm cách trục lợi trong thời điểm hết sức nhạy cảm này.

Bài 1: "Trong cơn bão giá, người nghèo lại càng nghèo đi"

Trong bối cảnh thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, lạm phát cao càng gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Vì vậy, có hai việc Việt Nam cần làm ngày đó là hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và bổ sung thêm những giải pháp cụ thể và hiệu quả để làm giảm áp lực lạm phát ngay lúc này.

Người tiêu dùng bị "bão giá" bủa vây

Chị Minh Huế (nhân viên văn phòng – Hà Nội) cho biết, chị vẫn chưa hết "sốc" khi các khoản chi tiêu thiết yếu ngày càng đắt đỏ. 

Theo chia sẻ của chị Huế, nếu như trước kia gia đình chị chỉ phải dùng khoảng 6 triệu đồng/tháng để mua thực phẩm ăn uống như gạo, thịt, cá, dầu ăn... thì đến nay, khoản chi này đã "đội thêm" 50%.

"Trước đây, gia đình chị mua sắm thức ăn hàng ngày, gia vị nấu ăn bình quân 200.000 đồng/ngày. Nhưng mấy ngày gần đây, số lượng mua sắm cũng như thế, mức chi tiêu trên dưới 300.000 đồng, khoảng 9 triệu đồng/tháng. 

So với nhiều người, mức tăng 2 - 3 triệu đồng/tháng có lẽ không lớn nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch tài chính của gia đình tôi. Nếu giá cả cứ đắt đỏ như thế, tôi buộc phải "bóp mồm bóp miệng", thắt chặt chi tiêu", chị Huế ngậm ngùi chia sẻ.

"Bão giá bủa vây", người nghèo càng nghèo - Ảnh 1.

Giá xăng tăng kỷ lục, người tiêu dùng bị "bủa vây" bởi "cơn bão" giá. (Ảnh: TP)

Tương tự, chị Thanh Hoa - công nhân may tại một nhà máy đặt tại Sóc Sơn – Hà Nội cũng vô cùng "đau đầu" khi "lương không tăng nhưng các khoản chi tiêu tăng vùn vụt".

"Trước đây đổ đầy bình xăng chỉ 100.000, bây giờ gần 150.000 đồng, trong khi đó lương không tăng mà ra chợ giá mặt hàng nào cũng đắt đỏ hơn. Thậm chí các loại mì cũng rủ nhau tăng giá, như mì lẩu thái trước 5.000 đồng thì này cũng lên 6.000 đồng một gói. Nhà nước giảm thuế VAT từ ½ nhưng giá cả lại leo thang, người tiêu dùng như bọn tôi nào kịp hưởng lợi", chị Hoa cho hay.

Không riêng khách mua, người bán hàng cũng thấy bất ngờ với mặt bằng giá hiện nay. Ông Lê Đức Thực, chủ cửa hàng tạp hóa tại Thái Bình cho biết, từ đầu năm đến nay giá hàng hóa mà ông Thực nhập về bán không những không giảm do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút vì dịch bệnh, mà còn tăng “chóng mặt”, thậm chí có những sản phẩm điều chỉnh tăng lần thứ 3, thứ 4.

Chẳng hạn như giá mì ăn liền, giá tăng thêm 10% so với trước Tết. Tương tự, với đường, mỗi bao tăng thêm 80.000-100.000 đồng, giấy vệ sinh tăng thêm 18.000 đồng với bịch 12 cuộn. 

“Giá nhập tăng thì mình cũng phải tăng giá bán cho khách hàng, nhiều gia đình ở đây còn có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập “chắt bóp” mới đủ trang trải cuộc sống nên mua hàng vẫn phải ký sổ, sau 3 tháng trả nợ 1 lần. Nay giá tăng thế này, không biết có thu được hết nợ không”, ông Thực nói. 

Đối với những người làm vận chuyển, chạy xe ôm hay taxi, câu chuyện giá cả tăng như anh Tuấn Phong (chạy taxi tại Hà Nội) cũng rất thấm thía. Những ngày qua đã phải làm thêm giờ, tranh thủ chạy nhiều cuốc xe để bù vào chi phí xăng xe, chi phí sinh hoạt bị “đội lên” vì giá cả hàng hóa leo thang.

Người nghèo thêm khó và những cảnh báo về lạm phát

Theo các chuyên gia, việc giá cả tăng trên hầu hết mặt hàng do tác động của giá xăng dầu tăng cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, nguồn cung xăng dầu mất cân đối trên thế giới và trong nước. Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 6 lần tăng giá xăng, lên mức kỷ lục gần 30.000 đồng/lít.

Trao đổi với Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế thừa nhận, không thể xem nhẹ khủng hoảng về năng lượng, bởi người phần lớn những tác động đều "đánh lên" người nghèo.

"Giá xăng dầu tăng, chúng ta không thể xem nhẹ mà phải tính toán tới tác động của nó. Những thống kê cho thấy, giá xăng dầu tăng 10% thì lạm phát tăng lên 0,33%, đến khi tăng thêm 10% lần thứ 2 thì mức tăng của lạm phát giảm còn 0,27%, tăng 10% lần thứ 3 là 0,23%. Điều đáng nói, phần lớn những tác động tới giá cả, khủng hoảng kinh tế đều là tác động tới người nghèo, vì thu nhập của người giàu rất lớn. Trong cơn bão giá, người nghèo ngày càng nghèo đi", ông Nghĩa nhấn mạnh.

"Bão giá bủa vây", người nghèo càng nghèo - Ảnh 2.

TS. Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế lo ngại "bão giá" tác động tiêu cực tới người nghèo. (Ảnh: P.H)

Còn theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực, giá xăng tăng, các mặt hàng khác cũng tăng theo phong trào "té nước theo mưa", từ đó tác động tiêu cực đối với tiêu dùng của người dân.

"Do giá xăng dầu tăng, người dân phải chi tiêu nhiều hơn cho sinh hoạt hàng ngày, nhất là giao thông (chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình). Đồng thời, việc giá xăng dầu tăng cũng là áp lực khiến các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân", ông Lực nhấn mạnh.

Ngoài ra, giá xăng dầu tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp đến nhóm giao thông, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (các nhóm này chiếm đến 28,5% trong rổ hàng hóa tính CPI), đồng thời tác động vòng 2, vòng 3… đến các nhóm hàng hóa khác và gây áp lực lên CPI tổng thể.

Ông Lực ước tính, nếu giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 30-40% so với năm 2021, GDP sẽ giảm tốc độ tăng trưởng từ 1,2 – 1,5 điểm % năm 2022 và lạm phát sẽ đội lên từ 0,8 – 1 điểm %.

Các chuyên gia tại tổ chức quốc tế như HSBC cũng cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vẫn cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu. World Bank cũng cho rằng, Việt Nam cần theo dõi chặt diễn biến giá trong nước

Đồng tình, TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cho biết, mặc dù áp lực lạm phát đối với Việt Nam đã xuất hiện từ cuối năm 2021 nhưng bước sang năm nay, các yếu tố gây lạm phát đều đã có nhưng trở nên nghiêm trọng hơn trong năm nay. Điều này làm ông Thành lo ngại, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% là khó có thể đạt được.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, lạm phát cao càng gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Vì vậy, có hai việc Việt Nam cần làm ngày đó là hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và bổ sung thêm những giải pháp cụ thể và hiệu quả để làm giảm áp lực lạm phát ngay lúc này.

"Việt Nam đã lỡ nhịp khi đưa ra các gói hỗ trợ khá muộn mà lại gặp phải tình trạng này thì càng phải vào cuộc. Nếu không hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp thì không chỉ "cơm ăn áo mặc" của người lao động, câu chuyện sản xuất kinh doanh trước mắt của doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế trong ngắn hạn,... mà kể cả các kế hoạch vĩ mô dài 5 năm, 10 năm cũng có thể bị "đổ sông, đổ bể"", ông Thành nhấn mạnh.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, năm 2022 là năm Việt Nam cố gắng kích thích thúc đẩy kinh tế phục hồi, vì vậy hàng loạt các chương trình hỗ trợ đã được triển khai, chẳng hạn như việc giảm 2% thuế VAT nhằm khuyến khích tiêu dùng,... Do đó, nếu không cẩn trọng thì gần như mục tiêu đặt ra không đạt được và việc giảm thuế VAT 2% gần như không còn ý nghĩa.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem