Bao nhiêu Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ được miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội tới?

PVCT Thứ tư, ngày 03/03/2021 12:05 PM (GMT+7)
Việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, chỉ bàn tính đến vị trí nào lãnh đạo không tái cử Trung ương hoặc tái cử nhưng thay đổi vị trí công tác.
Bình luận 0

Trong kết luận phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ: Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ và kiện toàn một số chức danh trong bộ máy nhà nước.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc 24/3/2021) có việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Chính vì thế bàn tính đến vị trí nào khuyết lãnh đạo (ý nói những lãnh đạo ở đó không tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII) hoặc lãnh đạo tái cử Trung ương nhưng thay đổi vị trí công tác.

Bao nhiêu Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ được miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội tới? - Ảnh 1.

Quốc hội tiến hành công tác nhân sự tại một kỳ họp (ảnh IT).

Tại Đại hội XIII của Đảng, trong danh sách Thủ tướng và 25 thành viên Chính phủ đương nhiệm có 9 trường hợp không tái cử Ban Chấp hành Trung ương (đều do hết tuổi so với quy định, chỉ có 1 trường hợp không trúng cử). Trong số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ này (2016-2021), có 2 Bộ trưởng lần đầu được bầu vào Bộ Chính trị là ông Trần Tuấn Anh và ông Đinh Tiến Dũng; có 2 Bộ trưởng, Trưởng ngành được bầu vào Ban Bí thư là ông Đỗ Văn Chiến và Lê Minh Khái.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, để kiện toàn nhân sự Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Chính trị giao Ban Cán sự đảng Chính phủ xây dựng phương án, giới thiệu nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm nhận chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành.

Tại kỳ họp Quốc hội, để kiện toàn nhân sự thành viên Chính phủ, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trước hết Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm theo tờ trình của Thủ tướng Chính phủ đối với các nhân sự sẽ nghỉ hoặc chuyển công tác. Sau đó, Quốc hội mới tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm đối với những nhân sự thay thế theo tờ trình của Thủ tướng Chính phủ. Nhân sự của Chính phủ sẽ được trình để Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm và phê chuẩn bổ nhiệm đang được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành. Số lượng cụ thể sẽ được trình tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.

Cách đây 5 năm, tại kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, khi tiến hành kiện toàn nhân sự thuộc Chính phủ, Quốc hội đã miễn nhiệm chức Thủ tướng với ông Nguyễn Tấn Dũng và bầu Thủ tướng mới là ông Nguyễn Xuân Phúc; Quốc hội cũng tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm với 20 thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016; sau đó phê chuẩn việc bổ nhiệm với 3 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng, Trưởng ngành mới.

Trong số 20 thành viên Chính phủ được miễn nhiệm cách đây 5 năm, có 5 trường hợp chuyển công tác lên vị trị lãnh đạo cao hơn, có 1 trường hợp sau đó vẫn là thành viên Chính phủ nhưng chuyển từ Bộ trưởng lên giữ chức Phó Thủ tướng (ông Trịnh Đình Dũng từ Bộ trưởng Bộ Xây dựng lên giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ); còn lại 14 trường hợp đến tuổi nghỉ công tác. 

Nếu so với Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 không tái cử Ban Chấp hành Trung ương ít hơn. 





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem