Báo nước ngoài nói gì về "cà phê đường tàu" bị đóng cửa?

Thứ sáu, ngày 16/09/2022 07:34 AM (GMT+7)
Theo Nikkei, tuyến phố "cà phê đường tàu" là một điểm dừng chân "bắt buộc" với du khách nước ngoài.
Bình luận 0

Mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu.

Các hàng quán mọc lên hai bên đường sắt khu vực phía Bắc ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) để bán đồ uống cho khách ngay trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt. Quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ tạm đóng cửa "phố cà phê đường tàu", đồng thời thu hồi giấy phép các hộ kinh doanh vi phạm an toàn hành lang an toàn đường sắt. 

Theo CNN, con phố tại Hà Nội, nơi các đoàn tàu chạy dọc theo, chỉ cách nhà ở và các cơ sở kinh doanh ở thủ đô Việt Nam vài chục centimet, từ lâu đã trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Hà Nội và được yêu thích trên mạng xã hội.

Báo nước ngoài nói gì về "cà phê đường tàu" bị đóng cửa - Ảnh 1.

Phố "cà phê đường tàu" thu hút khách du lịch. (Ảnh: CNN).

Báo nước ngoài nói gì về "cà phê đường tàu" bị đóng cửa

Tuy nhiên, tờ báo cho hay địa điểm này cũng ẩn chứa những nguy hiểm, đường ray xe lửa vẫn đang hoạt động và có vấn đề về an ninh khi du khách thích ngồi, nằm và tạo dáng trên đường ray.

Mặc dù đã có những phản đối chính thức trong quá khứ - đáng chú ý nhất là vào năm 2019 - chính quyền khu vực Hà Nội hiện đang thực hiện một biện pháp cứng rắn bằng cách thu hồi tất cả giấy phép của các quán cà phê và các cơ sở kinh doanh khác trên phố.

Tờ Nikkei cho hay các quán cà phê nằm san sát dọc theo đường tàu đẹp như tranh vẽ ở Hà Nội từng là điểm nóng du lịch dành cho du khách nước ngoài khi tới Hà Nội.

Với sự gia tăng khách du lịch dọc theo "phố đường tàu", khu vực này đang bắt đầu hồi sinh sau khoảng hai năm gián đoạn.

"Nơi này thật tuyệt vời. Tôi đã muốn đến đây sau khi nhìn thấy nó trên mạng xã hội", Romain, 27 tuổi, người Pháp tới từ Hồng Kồng, cho biết. Du khách có thể đi dạo dọc theo đường ray khi không có tàu nào ở gần, chụp ảnh selfie bằng điện thoại thông minh của mình.

Các quán cà phê bắt đầu mở cửa vào khoảng năm 2017. Đoạn đường dài 300 mét có nhiều ngôi nhà cổ kính và cơ sở kinh doanh được xây dựng cách đây hơn 100 năm khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp. Kể từ đó, cảnh quan thay đổi đáng kể khi cư dân biến ngôi nhà của họ thành các quán cà phê thời trang và cửa hàng lưu niệm. Nhiều tour du lịch địa phương bao gồm một điểm dừng ở đây.

Báo nước ngoài nói gì về "cà phê đường tàu" bị đóng cửa - Ảnh 2.

Du khách tạo dáng trên đường tàu tại phố "cà phê đường tàu". (Ảnh: Nikkei).

Sau khi Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020, các nhà chức trách đã yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Khi nguồn thu từ du lịch trong và ngoài nước cạn kiệt, nhiều quán cà phê buộc phải đóng cửa hoạt động kinh doanh của họ trong một thời gian không xác định.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi Việt Nam mở cửa trở lại du lịch quốc tế vào giữa tháng 3 lần đầu tiên sau khoảng hai năm. Yêu cầu kiểm tra Covid-19 đối với khách đến Việt Nam sau đó đã được gỡ bỏ và khi khách du lịch nước ngoài bắt đầu xuất hiện vào khoảng tháng 4, các quán cà phê từ từ mở cửa trở lại.

Trọng Hà (CNN & Nikkei)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem