Bão số 1 gây hậu quả ngoài sức tưởng tượng vì dự báo sai?

Triệu Quang Thứ bảy, ngày 30/07/2016 00:00 AM (GMT+7)
Được dự báo không quá lớn nhưng sau khi đổ bộ vào đất liền, cơn bão số 1 (tên quốc tế là Mirinae) đã gây ra thiệt hại rất lớn cho nhiều tỉnh, thành.
Bình luận 0

img

Cây đổ đè lên ô tô ở phố Trần Thánh Tông (Hà Nội) trong cơn bão số 1. Ảnh: Đức Luyện

Bão nhỏ, hậu quả lớn

Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương nhận định bão Mirinae được hình thành và lớn mạnh từ một vùng áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông từ ngày 26/7 với dự báo cấp 8, mạnh lên cấp 9, gây mưa to ở nhiều khu vực Bắc Bộ. Tâm mưa được xác định là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang... với tổng lượng mưa cả đợt 200-300 mm, có nơi 400 mm.

Trung tâm Dự báo KTTVTƯ đưa ra hai khả năng, trong đó khả năng cao nhất là bão đi vào Quảng Ninh - Hải Phòng với cường độ 60-75 km/h, tương đương cấp 8, gió giật cấp 9-10. Phương án 2 ít xảy ra là bão đổ bộ đồng bằng Bắc Bộ cũng với cấp 8. Trong cả hai khả năng, bão đều suy yếu nhanh và tan ở vùng núi phía bắc.

Tuy nhiên, đến đêm 27/7, bão đã đổ bộ vào đất liền với tâm bão là các tỉnh từ Thái Bình đến Ninh Bình. Bão mạnh hơn dự kiến, lên cấp 9, gió giật cấp 10-13. Bão di chuyển chậm chính vì thế, nhiều địa phương trở tay không kịp khi cơn bão đổ bộ.

Báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, bão số 1 đã làm chết 2 người, 1 người mất tích, 9 người bị thương ở các tỉnh thành Nam Định, Thái Bình, Hà Nội.

Bão làm sập 38 căn nhà; 2.355 nhà bị hỏng, tốc mái; nhấn chìm 59 tàu thuyền, hư hỏng 13 ô tô; hư hại 190.202 ha lúa và hoa màu; đổ 38.375 cây xanh.

Dự báo bão sai?

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn trung ương cho biết, thực tế khoảng 21-22h ngày 27/7 bão đã đi vào đất liền thuộc địa phận tỉnh Nam Định, sau đó chuyển hướng lên phía tây bắc, hướng về các tỉnh phía Tây Bắc Bộ.

“Ban đầu, chúng tôi nhận định khoảng 70% bão vào Quảng Ninh-Hải Phòng, còn 30% đi vào các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ. Nhưng sau đó, bão thay đổi hướng đi nên chúng tôi đã nhận định ngược lại, 70% là bão đi lệch về phía Nam, vùng Hải Phòng-Nam Định; sau đó thu hẹp vào khu vực Thái Bình-Ninh Bình. Còn khu vực ảnh hưởng bão, đã được cảnh báo từ đầu là từ Hải Phòng đến Thanh Hoá”, ông Cường nói.

Dự báo ban đầu, bão mạnh cấp 8, gió giật cấp 9-10 nhưng sau mạnh lên cấp 9, gió giật cấp 10-13, ông Cường giải thích, đây là cơn bão đầu tiên trong trong năm khi điều kiện khí quyển chưa ổn định. Có một số thời điểm gió mạnh hơn 1 cấp so với dự báo như: dự báo gió mạnh cấp 8-9, sau lên cấp 9-10, một số nơi ven biển gió mạnh cấp 10-13.

"Cơ bản, cơn bão số 1 vừa qua chúng tôi dự báo sát với thực tế, khu vực đổ bộ có sự dịch chuyển nhưng đã được dự báo tương đối sớm", ông Cường khẳng định.

Lý giải về việc Trung tâm đã không ít lần dự báo không chính xác về cường độ và thời gian đổ bộ của những cơn bão khiến hậu quả lớn, ông Cường cho hay, đường đi của bão khi ở ngoài biển là hết sức khó lường. Khi vào gần bờ, nếu gặp điều kiện thuận lợi bão có thể tăng cấp nhanh chóng. Nhiều khi bão thay đổi hướng đi liên tục nên việc dự báo cũng gặp nhiều khó khăn.

Sau khi bão số 1 đi qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu các địa phương chịu ảnh hưởng nhanh chóng triển khai phương án khắc phục hậu quả sau bão để ổn định đời sống người dân.

Hiện trên vùng biển phía Đông Philippines đang xuất hiện một vùng áp thấp nhiệt đới. Nhiều khả năng, vùng áp thấp nhiệt đới này có thể mạnh lên thành bão và hướng về phía Biển Đông. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương khuyến cáo, các địa phương cần theo dõi các bản tin tiếp theo để có phương án đề phòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem