Bảo tàng nông cụ với hơn 4.000 hiện vật của Tiến sĩ văn học tại Hà Tĩnh

Thứ sáu, ngày 25/06/2021 09:41 AM (GMT+7)
Mong muốn lưu giữ những kỷ vật gắn bó với cuộc sống người nông dân, nông thôn từ bao đời nay, hơn 50 năm qua, Tiến sĩ văn học Nguyễn Quang Cương (SN 1957) đã sưu tầm hơn 4.000 hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng nông cụ Hoa Cương (thôn Chân Thành, xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Sinh ra tại mảnh đất Lộc Hà (Hà Tĩnh), lớn lên ông làm giảng viên tại trường Đại học Quy Nhơn. Trong quá trình công tác, ông luôn muốn xây dựng một bảo tàng của riêng mình tại quê hương để trưng bày những nông, ngư cụ, những vật dụng đã gắn bó với cuộc sống của người dân từ xưa đến nay. Những hiện vật trên được trưng bày trong không gian rộng 1.000m2, tại thôn Chân Thành, xã Bình Anh, huyện Lộc Hà.

Bảo tàng nông cụ của tiến sỹ văn học tại Hà Tĩnh có gì? - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương giới thiệu những vật dụng được trưng bày trong bảo tàng của mình.

Ông Cương chia sẻ với phóng viên DANVIET.VN: "Tôi ấp ủ ý tưởng sưu tầm những nông cụ để xây dựng một bảo tàng bảo tồn, gìn giữ những kỷ vật này từ lâu lắm rồi. Sau 50 năm ấp ủ, sưu tầm và 3 năm chuẩn bị thì nay tôi đã mở được bảo tàng này".

Cứ mỗi chuyến đi ông lại sưu tầm được một vài món đồ. Sưu tầm được một món đồ cổ đã khó, sưu tầm hơn 4.000 món đồ các loại thì gian nan và vất vả gấp ngàn lần.

Bảo tàng nông cụ của Tiến sỹ văn học tại Hà Tĩnh có gì? - Ảnh 2.

Những khách tham quan thích thú với những kỷ vật được trưng bày tại bảo tàng này.

Tháng 7/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định đồng ý cho ông mở bảo tàng ngay tại quê hương mang tên Bảo tàng Hoa Cương.

Trước đó, năm 2004, ông bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng Nhà Khuyến học Hoa Cương ở thôn Chân Thành, xã Bình An. Đến nay, địa điểm này lại là nơi trưng bày những kỷ vật trong đời sống xưa và nay. Địa điểm này đã trở thành không gian văn hóa cho cả vùng quê Hà Tĩnh.

Bảo tàng nông cụ của Tiến sỹ văn học tại Hà Tĩnh có gì? - Ảnh 3.

Những vật dụng được sử dụng trong mỗi bữa ăn.

Trong số 4.000 hiện vật đã được lập hồ sơ, Bảo tàng Hoa Cương còn là bảo tàng có nhiều kỷ vật đặc biệt quý hiếm như: Khối mộc hóa thạch 300 triệu năm, bộ dụng cụ bằng đá thời tiền sử có niên đại trên 4.000 năm cùng hàng ngàn hiện vật cổ xưa có từ thời Lý - Trần - Lê, thời nhà Nguyễn, thời chiến tranh và bao cấp sau này... 

Bảo tàng nông cụ của Tiến sỹ văn học tại Hà Tĩnh có gì? - Ảnh 4.

Vật dụng dùng để thắp sáng trước khi có điện.

Bà Hà Thạch (65 tuổi, thôn Chân Thành, xã Bình An, huyện Lộc Hà) cho biết: "Những dụng cụ trong sản xuất sinh hoạt của chúng tôi ngày xưa đều có đầy đủ cả. Ông Cương cũng rất tài tìm, những đồng tiền âm dương mà ông vẫn sưu tầm được. Những đồ vật có cách đây hơn 300 năm mà ông ấy cũng tìm tòi ra."

Bảo tàng nông cụ của Tiến sỹ văn học tại Hà Tĩnh có gì? - Ảnh 5.

Những chiếc nồi dùng để nấu ăn người người xưa.

Khi về quê thực hiện ý tưởng, được sự giúp đỡ của Bảo tàng Hà Tĩnh, và sự đồng hành của vợ là Trần Thị Nguyệt, ông bắt tay cải tạo Bảo tàng Hoa Cương từ nhà khuyến học cũ. Đến nay, công trình tâm huyết đã hoàn thành sau hành trình 50 năm tìm kiếm, lưu giữ hiện vật và xây dựng theo các quy định, nghiệp vụ của bảo tàng.

Bảo tàng nông cụ của Tiến sỹ văn học tại Hà Tĩnh có gì? - Ảnh 6.

Những nông cụ của cha ông xưa.

Trung tâm bảo tàng với diện tích 1.000m2, trưng bày 4.000 hiện vật và 3.700 đầu sách, tài liệu, bút tích, hình ảnh quý hiếm theo 13 chủ đề, phản ánh khá đa diện về truyền thống của người Việt.

Bảo tàng nông cụ của Tiến sỹ văn học tại Hà Tĩnh có gì? - Ảnh 7.

Những vật dụng được trưng bày trong bảo tàng khá bắt mắt, dễ xem tìm hiểu.

Ngoài trưng bày về các nông, ngư cụ, TS. Cương cũng đã dành riêng một chủ đề về biển đảo để trưng bày các ngư cụ truyền thống, biểu tượng Hoàng Sa, Trường Sa...

Bảo tàng nông cụ của Tiến sỹ văn học tại Hà Tĩnh có gì? - Ảnh 8.

Mộc hóa thạch hơn 300 năm được ông Cương trưng bày tại bảo tàng.

Bảo tàng nông cụ của Tiến sỹ văn học tại Hà Tĩnh có gì? - Ảnh 9.

Con rùa đá có niên hiệu hàng trăm năm.

Hiện tại, để duy trì hoạt động, bảo tàng có 5 cán bộ của bảo tàng Hà Tĩnh về hỗ trợ, chính Tiến sĩ Cương là người thuyết trình chủ đạo, đồng thời phối hợp với các giáo viên dạy các môn sử, địa của các trường về hướng dẫn, giới thiệu với khách tham quan. Sau khi khai trương, bảo tảng mở cửa hàng ngày để đón khách tới thăm.

Nguyễn Duyên - Mỹ Hà
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem