Báo Trung: làn sóng nhà máy rời Trung Quốc sau dịch bệnh, Việt Nam hưởng lợi
Tờ SCMP nhắc đến Việt Nam như một quốc gia từng hưởng lợi lớn từ làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc hồi thương chiến Mỹ Trung. Khi đó, hàng loạt doanh nghiệp như Samsung, Apple và các nhà cung cấp công nghệ đã rời thị trường tỷ dân để tránh mức thuế quan trừng phạt lên đến 25% của Tổng thống Donald Trump với hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Là quốc gia có đường biên giới sát Trung Quốc, lại có lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ, trẻ, dồi dào; Việt Nam nhanh chóng trở thành lựa chọn dừng chân khả quan.
Theo tờ SCMP, các nhà phân tích kinh tế tin rằng sau sự bùng phát đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rạn nứt, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển tiếp theo.
Cụ thể, tờ báo này phân tích dịch Covid-19 bùng phát đang khiến nhiều doanh nghiệp toàn cầu đánh giá lại chiến lược đưa chuỗi cung ứng rời thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và nhiều cường quốc kinh tế khác leo thang sau đại dịch cũng là mối quan ngại khiến thị trường Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn.
Theo tập đoàn Tư vấn Đầu tư bất động sản hàng đầu tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương JLL, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở phía Bắc Việt Nam, bao gồm Hà Nội và Hải Phòng đã tăng mạnh 2% lên 72% trong quý I/2020 so với quý IV/2019.
PropertyGuru thì nhận định làn sóng dịch chuyển các nhà máy sẽ tạo nên động lực kinh tế cho các địa phương tại Việt Nam khi lượng việc làm tạo ra trong nền kinh tế được kỳ vọng gia tăng. Trước đó, trong quý I/2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 3,82%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do sự bùng phát đại dịch Covid-19 làm trì trệ một phần các hoạt động kinh tế.
Jeremy Williams, giám đốc kinh doanh tại PropertyGuru, đơn vị điều hành trang web Batdongsan.com.vn cho hay sự gia tăng các nhà máy sản xuất công nghiệp đến Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu chỗ ở và sinh hoạt cho nhân viên nước ngoài công tác tại Việt Nam cũng như công nhân, người lao động địa phương. Từ đó, các phân khúc bất động sản dân cư sẽ chứng kiến sự gia tăng nhu cầu.
Hồi tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tung gói hỗ trợ trị giá 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các nhà máy dịch chuyển khỏi Trung Quốc, trở về nước hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các thị trường tiềm năng khác để tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường tỷ dân. Các nhà phân tích cho hay lời kêu gọi này đang tiên phong cho một làn sóng dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc, mà Việt Nam là một điểm đến tiềm năng.
Không riêng Nhật Bản, nhiều chính phủ bao gồm Mỹ và các nước Châu Âu cũng đang kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Apple hiện đã tăng cường sản xuất hàng triệu chiếc AirPods tại Việt Nam trong quý I/2020; Samsung cũng dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam từ lâu.
Ông Jeremy Williams cho biết thêm: “Tư duy về đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường duy nhất (Trung Quốc) sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển. Việt Nam có khả năng được hưởng lợi do vị trí địa lý gần gũi với Trung Quốc cũng như lực lượng lao động lành nghề, kỷ luật tốt, giá rẻ”.
Bên cạnh đó, phản ứng của chính phủ Việt Nam trong cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 cũng được đánh giá là đặc biệt thành công và là hình mẫu thực tiễn lý tưởng cho việc kiểm soát sự lây lan dịch bệnh. Cho đến nay, Việt Nam ghi nhận 324 ca nhiễm Covid-19 với 0 ca tử vong. Sau thời gian cách ly xã hội kéo dài gần 1 tháng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khởi động lại các hoạt động kinh tế. Đó là lý do vì sao các nhà phát triển, quỹ đầu tư tư nhân và các chuyên gia phân tích vẫn đang đặt cược vào triển vọng to lớn của thị trường bất động sản Việt Nam sau cuộc khủng hoảng đại dịch.