dd/mm/yyyy

Bảo vệ, chăm chút môi trường ở ngoại thành TP. Hồ Chí Minh

Tại TP.HCM, vấn đề môi trường được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Qua hơn 3 năm triển khai Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, nhiều kết quả tích cực được ghi nhận.

Nhiều đột phá bảo vệ môi trường

Để nâng cao việc thu gom rác thải theo Chỉ thị 19, Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Bình Chánh cho biết, huyện đang triển khai xây dựng đề án "Nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Bình Chánh giai đoạn 2022-2025". 

Trong đó, tập trung chấn chỉnh công tác thu gom rác thải, đảm bảo tần suất thu gom và chất lượng vệ sinh môi trường trong và sau quá trình thu gom; chuẩn hóa các phương tiện thu gom chất thải sinh hoạt…

Bảo vệ, chăm chút môi trường ở ngoại thành  - Ảnh 1.

Người dân xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM) thu gom rác thải bảo vệ môi trường, cảnh quan địa bàn. Ảnh: Trần Đáng

Sau hơn 3 năm triển khai Chỉ thị 19-CT/TU, hơn 98% phường, xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí "sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch"; nhiều "điểm đen" về rác thải đã được khắc phục; ý thức của đại bộ phận người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên…

Cùng với Chỉ thị 19, thành phố đã có kế hoạch cụ thể hóa các chủ trương về môi trường bằng Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030. 

Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 nâng cao nhận thức của các bên liên quan về việc giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đề ra các giải pháp, như: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thay đổi thói quen của cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan. Giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom, phân loại từ nguồn, tái sử dụng, tái chế. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ liên quan đến quản lý rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản.

Hiện, tại xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) đã hình thành khu vực nuôi tôm công nghiệp chuyên canh rộng 196ha. Thời gian qua, Hội Nông dân xã Hiệp Phước đã thực hiện mô hình bảo vệ môi trường khu vực nuôi thủy sản. 

Theo đó, ngay đầu năm, cán bộ hội nông dân sẽ đến từng hộ nuôi tôm đề nghị ký cam kết không vứt bao bì, chai lọ thức ăn, thuốc thủy sản xuống kênh, rạch mà thực hiện tiêu hủy. Không những thế, cán bộ Hội Nông dân đến từng cơ sở bán thuốc thủy sản vận động hạn chế bán sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản có bao bì là chai, lọ dạng khó tiêu hủy sau sử dụng.

Bên cạnh đó, thành phố cũng có quyết định điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, khuyến khích các cơ sở sản xuất tiết kiệm hơn việc sử dụng nước sạch, tái sử dụng nước nhằm giảm lượng nước thải…

Phát triển theo hướng đô thị xanh

Tuy nhiên, trên thực tế, các vấn đề tồn tại của công tác môi trường vẫn còn không ít ở TP.HCM. Do đó, thành phố đã có định hướng tập trung phát triển xây dựng theo hướng đô thị xanh, văn minh; nâng cao năng lực thiết kế, thi công xây lắp với kỹ thuật cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách đặt ra, như: Giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, chất thải rắn, cung cấp và vận động 100% người dân thành phố sử dụng nước sạch, phát triển cây xanh...

Để tiếp tục cải thiện vấn đề môi trường, trong thời gian tới cả hệ thống chính trị tại TP.HCM cần phải thực sự xem trọng công tác bảo vệ môi trường từ trong nhận thức cho đến hành động. Trong đó, cần tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, các chỉ đạo về công tác môi trường… 


Trần Cửu Long