Thêm nguồn lực, xóa bất cập sau sáp nhập cơ sở dạy nghề

Thùy Anh Thứ ba, ngày 11/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Sau một thời gian dài nghiên cứu, tỉnh Lào Cai đã triển khai sáp nhập các đơn vị giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ sáp nhập mà giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển, tuy nhiên khó khăn vẫn còn không ít.
Bình luận 0

Tập trung nguồn lực cho việc đào tạo

Buổi làm việc và khảo sát tình hình giáo dục nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng Lào Cai mới đây đã cho thấy nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động của trường sau khi thực hiện sáp nhập giáo dục trên địa bàn.

Bất cập sau sáp nhập cơ sở dạy nghề  - Ảnh 1.

Một buổi học thực hành ngành chăn nuôi thú y tại Trường Cao đẳng Lào Cai. Ảnh: T.N

Năm 2019 Trường Cao đẳng Lào Cai tuyển sinh được 6.813 học sinh, trong đó đào tạo thường xuyên nhiều nhất với 3.000 học sinh. Năm 2020 dự kiến tuyển sinh 7.235 học sinh, trong đó đào tạo thường xuyên là 3.100 học sinh; sơ cấp là gần 2.000 học sinh.

Ông Hoàng Xuân Đạt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thực hiện Quyết định số 1522 của Bộ LĐTBXH về sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉnh đã cho sáp nhập Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Trung học Y tế vào Trường Cao đẳng Lào Cai. Đồng thời thực hiện các quyết định của UBND tỉnh, Trường Cao đẳng Lào Cai tiếp nhận thêm Trung tâm đào tạo Hán ngữ, Trung tâm thực nghiệm và biểu diễn, và một phần của Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai.

Kết quả, sau một thời gian sáp nhập, tỉnh đã tập trung được nguồn lực đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Công tác tuyển sinh được làm liên tục, đa dạng, bằng nhiều hình thức. Công tác mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp để dự báo nhu cầu đào tạo, giải quyết việc làm cho người học được đẩy mạnh. Trường đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh theo quy định của Nhà nước; ngoài ra tích cực hỗ trợ học sinh sinh viên thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn trong học tập…

Bên cạnh những thuận lợi vì được tập trung nguồn lực, hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tồn tại nhiều bất cập. "Việc phân luồng còn gặp khó khăn, do sự cạnh tranh gay gắt với các trường đại học trên địa bàn. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho giáo dục đào tạo còn hạn chế. Cơ sở phòng ốc đào tạo ở một số ngành như du lịch, nông nghiệp còn sơ sài, chưa được đầu tư hiện đại" - ông Đạt nói.

Ngoài ra, phía nhà trường cũng cho biết, các trường dạy nghề chưa được tự tổ chức dạy văn hóa phổ thông mà vẫn phải phụ thuộc vào trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện nên gặp nhiều khó khăn trong đào tạo.

Đề nghị hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất

Là trường đóng trên địa bàn miền núi, có hơn 70% là học sinh người dân tộc thuộc diện hộ nghèo, chính bởi vậy, để động viên được các em đi học là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, vì thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu chỗ ở trong ký túc xá mà nhiều em phải ra ngoài thuê phòng ở giá đắt. Một số em chán nản bỏ học, thậm chí có học sinh nữ còn bị gia đình ép bỏ học để lập gia đình.

Trước tình hình đó, Trường Cao đẳng Lào Cai kiến nghị Trung ương và tỉnh Lào Cai bố trí ngân sách để hỗ trợ xây dựng nhà ở nội trú cho học sinh, đồng thời đầu tư xây dựng thêm hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ học thực hành ở một số ngành nghề. Bàn về thực hiện tự chủ, ông Đạt cho rằng: "Vấn đề tự chủ cần phải được xem xét lại, tùy thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Trường Cao đẳng Lào Cai có tới 72% học sinh thuộc diện nghèo, thu học phí cao là không thể. Học sinh đi học còn hỏi có tiền không mới học thì làm sao mà tự chủ được. Nếu không cẩn trọng, tự chủ sẽ làm vỡ tan hệ thống giáo dục nghề nghiệp của trường".

Cô Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng Khoa Nông lâm - Xây dựng (Trường Cao đẳng Lào Cai) cũng cho biết, dù khoa được giao thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ nhưng thực tế hiện nay cơ sở vật chất không có. Đến cả khu nhà lưới, phòng nuôi cấy mô cũng không có nên phải học chay.

Bà Nguyễn Xuân Linh - Phó Trưởng phòng Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai) cho biết, thời gian qua chủ trương sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tỉnh Lào Cai thực hiện quyết liệt. Về căn bản chủ trương đã mang lại hiệu quả tốt, góp phần kết nối nguồn lực để phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

"Tuy nhiên, thực tế hoạt động gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề chưa được làm tốt. Việc giải quyết việc làm sau đào tạo cũng còn hạn chế. Nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này cũng tác động không nhỏ tới việc hoạch định chiến lược nguồn nhân lực nghề nghiệp trong tương lai trên địa bàn tỉnh" - bà Linh nói.

Tổng kết buổi khảo sát, ông Đào Trọng Độ - Vụ phó Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết sẽ tiếp thu các kiến nghị để có căn cứ đề xuất trong quá trình triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Giáo dục và Đào tạo dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương, cũng ghi nhận thực trạng, và tiếp nhận các kiến nghị của Trường Cao đẳng Lào Cai để chuyển các nội dung này tới các đơn vị có liên quan xem xét xử lý. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem