Bất cập từ những dự án BT: Vì đâu nên nỗi?

Quang Phương - CTV Thứ năm, ngày 24/09/2020 07:17 AM (GMT+7)
Mấu chốt của các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (dự án BT) là chính quyền và doanh nghiệp thực hiện việc trao đổi qua lại: đổi đất, tài sản công lấy hạ tầng. Các doanh nghiệp đầu tư dự án BT luôn “mặn mà” vì sẽ đổi được đất, tài sản công.
Bình luận 0

Vì thế các sai phạm dự án BT hầu như tập trung trong vấn đề thanh toán giá trị khu đất đối ứng, tài sản công đối ứng nên dễ xảy ra thất thoát tài sản công.

Hậu kiểm hợp đồng BT, truy thu tiền chi sai

Tại dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ, Kiểm toán Nhà nước kết luận và kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành, chủ đầu tư nộp ngân sách 355 tỷ đồng. Thực hiện kiến nghị này, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ đã nộp ngân sách Nhà nước 5 tỷ đồng, đồng thời sẽ làm việc với các tổ chức tín dụng để cơ cấu lại các khoản vay phù hợp với tình hình thực tế, cam kết từ quý 4/2020 và đều đặn hàng quý tiếp theo sẽ nộp ngân sách Nhà nước số tiền 355 tỷ đồng theo 10 đợt thanh toán, thời gian từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2021.

Bất cập từ những dự án BT: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Một đoạn đường dẫn trong dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ - ảnh: Quang Phương.

Cũng tại dự án trên, đối với việc rà soát quyết toán giá trị 646,58 tỷ đồng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, UBND TP.HCM giao Sở Xây Dựng TP chủ trì, phối hợp với Sở GTVT TP.HCM và các sở ngành liên quan rà soát hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết, có ý kiến chuyên ngành, đề xuất kiến nghị.

Thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, UBND TP.HCM đã giao Sở Tư Pháp TP.HCM chủ trì, phối hợp với Sở Tài Chính và các sở ngành liên quan rà soát lại các hợp đồng BT khác đã ký kết để đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định. Sở KH-ĐT TP.HCM xem xét, thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, trong đó có việc điều chỉnh hợp đồng BT dự án đầu tư xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ đến đường Vành đai 2.

UBND TP.HCM cũng giao Sở TN-MT TP.HCM chủ trì, phối hợp với UBND quận Thủ Đức, UBND quận 2 xem xét thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án dự án đầu tư xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ đến đường Vành đai 2 và dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - quốc lộ 1.

UBND TP cũng đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Nguyên Phương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông thực hiện theo đúng kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Riêng đối với dự án đường song hành từ đường Mai chí Thọ đến Vành đai 2, UBND TP.HCM đã tạm dừng thực hiện và thu hồi 14,8 ha khu đất thanh toán cho dự án BT, đề xuất các khu đất phù hợp khác để thanh toán cho nhà đầu tư.

Không phát sinh dự án BT mới

Vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ngưng thực hiện loại hình hợp đồng BT, không phát sinh dự án BT mới. 

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư công, việc dừng triển khai, dừng thực hiện dự án BT là rất cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên nên giới hạn trong khoảng năm 2020 - 2022, để có thời gian xem xét, rà soát, xây dựng đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, nhằm bịt kín các lỗ hổng, đủ điều kiện để khởi động lại các dự án BT, để vừa đảm bảo tính khả thi, chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích công cộng.

Bất cập từ những dự án BT: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Dự án BT kết nối đường Phạm Văn Đồng và nút giao Gò Dưa đang bị tạm ngưng thi công - Ảnh: Quang Phương.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng: "Xảy ra tình trạng thất thoát tài sản công trong các dự án BT vì hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán dự án BT; quy định pháp luật về sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT. Để hạn chế điều này cần đấu thầu (hoặc đấu giá) đồng thời quỹ đất, trụ sở làm việc dùng để thanh toán dự án BT để lựa chọn nhà đầu tư. Vấn đề là phải quản lý, kiểm soát, không để xảy ra "đấu thầu cuội, đấu thầu chân gỗ", hoặc trong đấu giá có "quân xanh, quân đỏ".

Dưới góc độ địa phương, từ thực tiễn phát sinh tại các dự án BT đã và đang được đầu tư trên địa bàn, UBND TP.HCM giao sở ngành liên quan rà soát các khu đất đã có chủ trương sử dụng thanh toán cho hợp đồng BT, xin ý kiến của Ban Chỉ đạo 167 thành phố (Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP) về chủ trương tiếp tục thực hiện việc thanh toán cho hợp đồng BT dự án đã được ký kết.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục thanh toán phần chênh lệch giữa giá trị các quỹ đất thanh toán và giá trị dự án BT tại thời điểm quyết toán dự án BT.

Về vấn đề thanh toán quỹ đất đối ứng, UBND TP.HCM  kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao một cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý và hướng dẫn TP.HCM trình tự đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng quỹ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư làm dự án BT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem