Bất động sản nghỉ dưỡng được "kích hoạt" khi du lịch mở cửa lại

Minh Khôi Thứ tư, ngày 29/09/2021 08:24 AM (GMT+7)
Nhiều địa phương đã và đang thí điểm cũng như lên kế hoạch khôi phục du lịch trở lại. Giới chuyên gia dự báo có thể đây là bước đệm để kích hoạt bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục.
Bình luận 0

Nhiều địa phương lên kế hoạch đón khách du lịch

Sau thời gian dài đóng băng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã thí điểm mở cửa đón khách du lịch. Đơn cử như, huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã thí điểm mở cửa ngành du lịch và dự kiến đến ngày 30/9 có thể mở tour.

Phú Quốc (Kiên Giang) dự kiến thí điểm đón khách quốc tế trong 6 tháng kể từ tháng 10/2021. Tỉnh Quảng Nam cũng đang xin Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho phép đón khách quốc tế sau khi Phú Quốc thí điểm thành công.

Theo kế hoạch thí điểm, Phú Quốc dự kiến sẽ đón 40.000 khách quốc tế. Trong ba tháng đầu tiên, thành phố đảo kỳ vọng sẽ chào đón mỗi tháng khoảng 3.000 - 5.000 lượt du khách theo mô hình "du lịch khép kín", những du khách này sẽ đến Phú Quốc thông qua các chuyến bay thuê (charter flight) và lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng riêng biệt.

Tương tự, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây cũng đã cho phép thực hiện thí điểm mô hình "bong bóng du lịch" đối với 4 cơ sở du lịch, bước đầu áp dụng với khách nội địa và khách quốc tế đang lưu trú tại Việt Nam.

Hay tại Khánh Khánh Hòa cũng có kế hoạch đón khách du lịch. Trong đó, tỉnh dự kiến mở cửa du lịch nội tỉnh từ ngày 15/10 và sẽ ưu tiên khôi phục du lịch nghỉ dưỡng khi Chính phủ thông qua việc đón khách quốc tế.

Bất động sản nghỉ dưỡng được "kích hoạt" khi mở cửa du lịch - Ảnh 2.

Nhiều năm nay, Nha Trang (Khánh Hoà) luôn là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và người nước. Ảnh: M.K

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng sử dụng các khu du lịch ven biển có tính biệt lập để đón khách du lịch nội địa. Có thể kể đến là khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Khu du lịch Bãi Dài) hiện có 12 khách sạn nghỉ dưỡng đang hoạt động đã đăng ký tham gia với hơn 6.000 phòng lưu trú, nhân viên làm việc tại khu vực Bãi Dài đã được phủ tiêm vắc xin hơn 80%.

Còn thành phố Đà Nẵng, dự kiến từ ngày 1/10, địa phương phương sẽ cho các cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng tổ chức bình thường.

Bất động sản nghỉ dưỡng được "kích hoạt"

Nhận định về việc mở cửa du lịch, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills cho hay: "Việc mở cửa du lịch tại các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, cũng như xu hướng đầu tư của giới đầu tư vào phân khúc khách sạn nghỉ dưỡng trong thời gian này là tất yếu. Nhà nước cũng đang có những kế hoạch để phục hồi ngành du lịch với khách quốc tế và khách nội địa, trong đó có việc tập trung thí điểm tại Phú Quốc.

Do đó, tôi cho rằng, đây là một tin vui của không chỉ ngành du lịch và hàng không của Phú Quốc, mà còn là một tín hiệu tích cực của cả nền kinh tế sẽ sớm được phục hồi sau một thời gian trì trệ".

Bất động sản nghỉ dưỡng được "kích hoạt" khi mở cửa du lịch - Ảnh 3.

Chuyên gia kỳ vọng, việc nhiều địa phương mở cửa đón khách trở lại sẽ khiến bất động sản nghỉ dưỡng sôi động trở lại. Ảnh: M.K

Trong khi đó, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels chia sẻ, việc Phú Quốc thí điểm đón khách du lịch là một bước đi đáng khích lệ cho ngành du lịch và hy vọng chương trình này sẽ được triển khai một cách thận trọng ở nhiều địa phương khác nhằm tiến gần hơn với việc mở cửa các hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước vào thời điểm thích hợp.

"Việc chuẩn bị lộ trình để tái mở cửa biên giới là cần thiết, để Việt Nam sớm nắm lấy cơ hội khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế. Số lượng du khách được đề xuất trong giai đoạn đầu vẫn chỉ là một phần nhỏ so với nguồn cung phòng của Phú Quốc và chương trình thí điểm này có thể chỉ giúp đem đến nguồn khách cho một số khu nghỉ dưỡng nhất định", ông Mauro Gasparotti nói.

Tại một tọa đàm mới đây, ông Trần Đạo Đức, Tổng Giám đốc Novotel Phú Quốc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CEO cũng nhìn nhận, chúng ta thực sự rất cần một cơ hội để hồi phục và phát triển.

"Tôi cảm giác "thẻ xanh Covid" là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp từ hàng không, lữ hành, du lịch, dịch vụ…", ông Đức khẳng định và nói thêm, việc mở cửa là cần thiết nhưng cũng cần phải đặt ra mục tiêu an toàn cho nhân viên, an toàn cho cộng đồng.

Ông Đức cho biết thêm, sau rất nhiều lần on/off, mỗi doanh nghiệp kể cả cơ quan quản lý Nhà nước đã rút ra được nhiều bài học.

"Khi áp dụng "thẻ xanh Covid", chúng ta rẽ sang quan điểm khác, không phải là dịch bùng phát sẽ giãn cách như trước. Chúng ta sẽ dùng thẻ xanh để phát triển kinh tế nhưng vẫn kiểm soát được dịch, tỷ lệ người mắc. Đây là hướng đi mới đảm bảo phát triển ngành du lịch, hàng không, lữ hành. Tôi tin trong tương lai sẽ không còn những lần on/off ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thời gian qua. Với số lượng về chưa đủ vắc-xin, chúng ta có thể thực hiện "on" từng bước tại những vùng an toàn trước và chờ đợi vắc-xin", Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO khẳng định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem