Bất động sản TP.HCM: Tăng "nóng" dọc trục Bắc - Nam

03/03/2020 05:42 GMT+7
Trước tốc độ đô thị hóa vượt bậc và nhu cầu kết nối giao thông mạnh mẽ của khu Nam và khu Bắc, TP.HCM đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng trục xuyên tâm Bắc - Nam. Tiến trình này đang giúp hình thành nhiều khu đô thị sầm uất và xác lập mặt bằng giá mới cho bất động sản dọc trục.

Xuyên tâm thành phố

Thống kê cho thấy mật độ dân cư khu vực phía Nam đang gia tăng hàng chục lần so với 10 năm trước, bởi các khu đô thị ở Q.7 và Nhà Bè phát triển rất nhanh, nhất là Khu đô thị - cảng Hiệp Phước.

Hiện nay, khu Nam kết nối với trung tâm thành phố chủ yếu bằng các cầu Tân Thuận, Kênh Tẻ, Khánh Hội có lộ giới còn hạn chế, chưa tương xứng với lưu lượng giao thông khu vực.

Trước tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của khu Nam và yêu cầu bứt phá của khu Bắc, Tây Bắc, TP.HCM đã quy hoạch trục Bắc - Nam với chủ trương nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường huyết mạch nhằm giảm bớt áp lực giao thông, tăng cường giao thương và làm bệ phóng phát triển kinh tế.

Trục Bắc - Nam có chiều dài 34 km từ nút giao An Sương đến Vành đai 4 (Nhà Bè) theo quy hoạch trong quyết định 568/2013 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo lộ trình, trục Bắc - Nam sẽ nối liền các khu đô thị phía Bắc ở Q.12, Hóc Môn, Củ Chi về cụm cảng Hiệp Phước, cụm khu công nghiệp Long Hậu, cảng Long An,...

Đồng thời, trục đường này cũng mở lối cho khu Nam kết nối vào cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) đi thẳng sang Campuchia, thuận tiện cho xuất khẩu thông thương.

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết sẽ gấp rút triển khai dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ trong quý 1/2020.

Những hạng mục quan trọng khác để nối thông trục là cầu Kênh Tẻ 2, cầu Nguyễn Khoái cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Bất động sản TP.HCM: Tăng "nóng" dọc trục Bắc - Nam - Ảnh 1.

Đường Nguyễn Hữu Thọ là tuyến đường huyết mạch kết nối khu Nam với trung tâm TP.HCM, có chiều dài 4 km nằm trên trục Bắc - Nam, sắp tới sẽ được mở rộng lên 6 - 8 làn xe để đáp ứng nhu cầu phát triển các khu đô thị dọc tuyến.

Ngoài yếu tố vị trí cửa ngõ có khả năng kết nối giao thông thuận lợi, hạ tầng phát triển là tiền đề quan trọng khiến khu Nam và khu Bắc đổi thay thần tốc.

Giá đất tăng phi mã

Việc triển khai các trục xuyên tâm được xem là thời cơ lớn cho bất động sản. Minh chứng là câu chuyện sốt đất trên trục Đông - Tây sau thời điểm thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2011.

Trên đường Mai Chí Thọ trước khi thông xe giá đất từ 20 - 30 triệu/m2, sau đó gia tăng liên tục và hiện nay lên đến 300 - 400 triệu/m2.

Không riêng đó, khu Đông trong nhiều năm trở lại đây liên tục phát triển với hàng loạt dự án quy mô lớn của các chủ đầu tư uy tín trong và ngoài nước.

Kết nối nhanh chóng với khu Đông qua Đại lộ Võ Văn Kiệt, khu Tây Sài Gòn cũng lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư, hình thành loạt dự án cao cấp như Rich Star (Nova Land), Celadon City (Gamuda Land), Melody Residences (Hưng Thịnh), Western Dragon (Hoàng Anh Sài Gòn), Topaz Garden (Việt Phát) ...

Đặc biệt, tại khu vực quy hoạch 6 khu dân cư lớn trên địa bàn Bình Tân, giá đất đang tăng mạnh ở mức 50 - 100 triệu đồng/m2.

Bất động sản TP.HCM: Tăng "nóng" dọc trục Bắc - Nam - Ảnh 2.

Việc triển khai trục xuyên tâm Bắc - Nam mang đến những cơ hội tăng trưởng giá trị bất động sản cho khu Nam, khu Bắc.

Lại nói về trục Bắc - Nam, lộ trình thông xe trục Bắc - Nam đang góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội cho các khu Nam, khu Bắc và vùng phụ cận.

Đơn cử tại khu Bắc, mới đây vừa đón nhận thông tin phê duyệt quy hoạch khu đô thị Tây Bắc quy mô lên đến 6.000 ha theo QĐ 351/QĐ-UBND TP.HCM. Mặt khác, giá bất động sản tại đây cũng liên tục tăng mạnh.

Theo ghi nhận, đất thổ cư, dự án các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông, Tân Thới Hiệp, Hiệp Thành… (Q.12) đều tăng 60 - 100% so với năm 2017.

Song song đó, tại khu Nam, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với thông tin Nhà Bè sắp lên huyện và làn sóng giãn dân về các đô thị vệ tinh.

Đón đầu làn sóng này phải kể đến Cần Giuộc, nằm liền kề TP.HCM với quỹ đất còn tương đối nhiều, điều kiện sinh thái lý tưởng cùng các khu công nghiệp quy mô lớn nhất khu Nam như khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, khu công nghiệp Tân Kim, khu công nghiệp Long Hậu,…

Mới đây, Long An tiếp tục phê duyệt thành lập thêm 5 cụm công nghiệp trên địa bàn Cần Giuộc với tổng quy mô hơn 260 ha, bao gồm CCN Phước Vĩnh Đông 1, 2, 3, 4 và CCN xã Tân Tập.

Thực tế, giá đất Cần Giuộc đang không ngừng tăng trong nhiều năm liền. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, số lượt giao dịch thành công tại Cần Giuộc đã tăng hơn 45% so với cùng kỳ 2018.

Nói về mặt bằng giá mới, nổi bật nhất là khu vực chợ Long Hậu, hiện giá bán nhà đất được ghi nhận từ 30 - 33 triệu đồng/m2.

Hay những dự án ven sông Soài Rạp, tính từ thời điểm mở bán đợt đầu từ cuối 2016 - đầu 2017 đến nay, mức giá sang tay đã tăng gấp đôi, gấp ba.

Nhìn chung, mức tăng trưởng thị trường Cần Giuộc ổn định từ 30 - 35%/năm tuỳ khu vực.


(Dân Việt)
Cùng chuyên mục