Bất lực nhìn “tàu 67” hơn chục tỷ đồng nằm bờ, ngư dân ôm nợ

Quỳnh Nga Chủ nhật, ngày 17/03/2019 12:56 PM (GMT+7)
Thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, nhiều ngư dân Hà Tĩnh được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu. Tuy nhiên, khi sở hữu con tàu trị giá hơn chục tỷ đồng thì đi chuyến nào lỗ chuyến đó. Nợ nần chồng chất, ngư dân bất lực nhìn tàu nằm bờ.
Bình luận 0

Nước mắt rơi trên “tàu 67”

Vào những ngày đầu tháng 3, chúng tôi tìm đến cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), trái ngược với cảnh nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán, người mua trên những con tàu đầy ắp cá là khung cảnh vắng lặng của những con tàu vỏ thép hiện đại được đóng theo Nghị định 67, chúng nằm bất động.

Ngồi trên “con tàu 67” đã nằm im lìm ở cảng từ tháng 5.2018 đến nay, ông Nguyễn Văn Lòng (trú tại thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) tâm trạng nặng trĩu.

Ông Lòng kể, tháng 2.2017 tàu vỏ thép 829 CV được đóng xong trong niềm vui của gia đình. Những tưởng tàu lớn, vỏ thép chắc chắn, vươn khơi dài ngày sẽ đánh bắt sản lượng lớn, thu nhập cao. Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng ra khơi tàu làm ăn không hiệu quả vì đăng ký… nhầm nghề.

img

img

img

Anh Trần Xuân Sinh (trú tại thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) đã neo tàu từ sau Tết đến nay. Ảnh: Q.N

"Gần 30 năm tung hoành ngang dọc trên biển, chưa lúc nào thấy khó như khi có con tàu vỏ thép. Gần năm nay tôi đành nuốt nước mắt để tàu nằm bờ”.

Ông Nguyễn Văn Lòng

Trước đây, khi đóng tàu vỏ thép, ông Lòng đăng ký đi đánh bằng nghề câu, kéo nên tàu của ông được thiết kế phù hợp với nghề đã đăng ký. Thế nhưng, khi tàu về và ra khơi, ông mới nhận ra nghề mình đăng ký không phù hợp.

Thời điểm ban đầu đưa tàu về, mỗi chuyến ra khơi chi phí hết khoảng 70 triệu đồng nhưng cá đánh bắt bán ra chỉ được 30-50 triệu đồng nên liên tục 6 - 7 chuyến đều lỗ nặng.

Từ tháng 5.2018 đến nay, tàu Thành Đạt 08 phải nằm bờ, áp lực trả nợ, lãi ngân hàng ngày càng tăng. Để cải hoán nghề câu, kéo sang dạ (đánh bắt hải sản tầng đáy) thì cần thêm 3 - 4 tỷ đồng, nhưng ngân hàng lẫn quỹ bảo trợ ngư dân tỉnh không cho vay nên việc ra khơi với tàu đành bất lực.

Cách tàu ông Lòng khoảng 100m là tàu Triệu Vy 09 của anh Trần Xuân Sinh (trú tại thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) đã neo bến từ sau Tết đến nay. Nhìn chiếc tàu trơ trọi, anh Sinh ngán ngẩm nói: “Thời tiết đẹp, muốn ra khơi nhưng ngặt nỗi không tìm được lao động. Nằm bờ ngày nào chịu lãi ngày ấy, nếu ra khơi thì lại càng lỗ hơn”.

Anh Sinh cho biết, thuyền của anh được hạ thủy vào tháng 1.2017, năm đầu tiên lãi hơn 400 triệu đồng, năm 2018 đi chuyến nào lỗ chuyến ấy, cuối năm kiểm kê lỗ 800 triệu đồng. Tàu của anh luôn duy trì 7 lao động, lương bình quân 10 triệu đồng/người/tháng, trong khi mỗi chuyến ra khơi chỉ thu về 50 triệu đồng, nếu trừ các loại chi phí như dầu, đá... thì tiền bán cá không đủ trả công cho lao động.

Nợ chồng nợ

Theo ông Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh, hiện địa phương có 13 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67. Nhìn nhận thực tế, những con tàu này đa phần đang hoạt động cầm chừng, hiệu quả không như mong đợi của ngư dân trước khi đóng tàu.

Nói về nguyên nhân dẫn đến các tàu vỏ thép hoạt động không hiệu quả, anh Trần Xuân Sinh cho biết, do ngư trường đánh bắt của tàu vỏ thép là vùng biển cách bờ 60 hải lý trở ra. Trong khi ngoài 100 hải lý thuộc vùng biển khác nên các tàu vỏ thép chỉ thật sự hoạt động trong phạm vi vùng biển 40 hải lý. Trong vùng biển hẹp, mật độ thuyền vỏ thép hoạt động đánh bắt nhiều, cá ít, chi phí thuê lao động, tiền dầu cao nên lỗ.

Để đóng tàu Triệu Vy 09, anh Sinh được Ngân hàng BIDV cho vay 14,9 tỷ đồng với lãi suất 0,1%/năm.  Theo cam kết, mỗi tháng anh trả lãi khoảng gần 150 triệu đồng, mỗi năm trả thêm 1 tỷ đồng tiền gốc.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay làm ăn thua lỗ nên hầu như tháng nào anh cũng trả lãi chậm, không thực hiện đúng như cam kết trong hợp đồng anh phải chịu mức lãi suất 0,7%/năm. “Sau 2 năm sử dụng tàu Triệu Vy 09 tính đến thời điểm hiện tại tôi chỉ mới trả lãi được 1 tỷ đồng. Tôi chưa biết bao giờ mới cho thuyền ra khơi trở lại, ra khơi cũng lỗ, nằm ở bờ cũng phải trả lãi ngân hàng, khổ trăm bề” - anh Sinh than thở.

Ông Nguyễn Văn Lòng lắc đầu ngao ngán chia sẻ: Để đóng con tàu này ông phải vay ngân hàng 13 tỷ đồng. Tàu ông được thiết kế để đi câu nhưng làm ăn không hiệu quả, muốn chuyển đổi từ nghề đi câu, kéo sang nghề giã cào tầng đáy thì chi phí chuyển đổi lên cả tỷ đồng.

“Tàu không ra khơi nhưng mỗi quý cũng phải trả mấy trăm triệu tiền lãi ngân hàng. Đã 2 quý tôi chưa có tiền đóng”, ông Lòng nói.

Ông Hà Minh Tân - Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho hay, khó khăn lớn nhất của của các tàu vỏ thép hiện nay là nguồn vốn và người lao động.

Ở địa phương, thanh niên hầu hết đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm ăn xa, các chủ tàu thiếu lao động tại chỗ nên phải thuê tìm ở các địa phương khác, tiền công theo đó cũng cao hơn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem