“Bắt mạch” Tập đoàn Cao su Việt Nam trước thềm IPO

Q.Hải-H.Văn Thứ năm, ngày 18/01/2018 13:58 PM (GMT+7)
Sau cổ phần hóa, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) dự kiến có vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng và sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với giá khởi điểm 13.000 đồng/CP ngay trong quý I năm 2018...
Bình luận 0

“Soi” khối tài sản... “cực khủng” của VRG

Thành lập tháng 10.2006 trên cơ sở tổ chức lại Tổng Công ty Cao su Việt Nam, VRG hiện là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất cả nước. Theo công bố trước thềm IPO, VRG đang quản lý quỹ đất lên tới 519.900 ha gồm 501.300 ha đất nông nghiệp và 18.600 ha đất phi nông nghiệp tại hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước và cả tại Lào, Campuchia. Trong đó, quỹ đất của Công ty mẹ là 239.500 ha đất nông nghiệp và 4.800 ha đất phi nông nghiệp, phân bổ tại 18 tỉnh, thành phố (phần lớn tập trung tại khu vực Đông Nam Bộ với tỷ lệ khoảng 46%).

img

 Đại diện Tập đoàn Cao su công bố thông tin về phát hành cổ phiếu lần đầu. Ảnh: Hồ Văn

Hiện có khoảng 80% diện tích đất nông nghiệp của tổng công ty hiện là các rừng cao su, cung cấp nguyên liệu cho 40 nhà máy và xưởng chế biến mủ cao su, tổng công suất thiết kế 354.500 tấn/năm; 7 nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, công suất 250.000 m3 gỗ phôi và 40.000 m3 gỗ thành phẩm/năm; 6 nhà máy sản xuất gỗ phôi cao su và gỗ ghép tấm, công suất 100.000 m3/năm; 3 nhà chế biến gỗ MDF, tổng công suất 735.000 m3/năm, trong đó Nhà máy MDF VRG Dongwha - liên doanh giữa VRG và Tập đoàn Dongwha (Hàn Quốc), khánh thành dây chuyền 2 công suất 180.000 m3/năm trong tháng 8/2017; 5 nhà máy công nghiệp cao su chuyên sản xuất bóng thể thao, nệm, gối, băng tải...

Với đất phi nông nghiệp, VRG tham gia đầu tư 17 khu công nghiệp, trong đó trực tiếp quản lý, điều hành 13 khu với tổng diện tích 10.000 ha, có thể cho thuê 6.000 ha, đã cho thuê trên 300 ha. Ngoài ra, còn nhiều diện tích đất văn phòng, nhà xưởng. Riêng tại TP.HCM, VRG có 7.519 m2 tại nhiều vị trí đắc địa như lô 236, 210 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 177 Hai Bà Trưng, 410 Trường Chinh. Tại Hà Nội, diện tích đất là 407 m2.

Theo kế hoạch, sau cổ phần hóa, VRG sẽ quản lý 474.000 ha đất nông nghiệp và 17.850 ha đất phi nông nghiệp, giao lại 27.900 ha cho địa phương. Đến năm 2020, Tập đoàn duy trì tổng diện tích cao su khoảng 400.000 ha, bao gồm 285.000 ha trong nước và 115.000 ha ở nước ngoài. Đồng thời, mở rộng diện tích khu công nghiệp ở một số khu vực thuận lợi và đã có quy hoạch, nâng tổng diện tích cho thuê lên 3.402 ha trên 6.000 ha quỹ đất. Ngoài ra, chuyển khoảng 5.000 ha đất phù hợp, thuận tiện giao thông, gần nguồn nước sang sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Toàn bộ tài sản, đất đai kể trên được quản lý qua công ty mẹ  là VRG và 20 công ty TNHH MTV cao su, 4 đơn vị hành chính do VRG nắm 100% vốn điều lệ. Ngoài ra, Tập đoàn còn nắm giữ vốn, cổ phần chi phối tại 79 doanh nghiệp khác là các công ty con và 20 công ty liên kết.

Về “sức khỏe” tài chính, tính đến cuối tháng 6.2017, tổng tài sản hợp nhất của VRG là 72.086 tỷ đồng; trong đó có 22,7% là tài sản ngắn hạn gồm tiền và tương đương tiền 5.791,6 tỷ đồng, khoản phải thu 3.714,7 tỷ đồng, hàng tồn kho 3.593,9 tỷ đồng…; 77,3% là tài sản dài hạn gồm 20.050 tỷ đồng tài sản cố định, 28.358 tỷ đồng chi phí đầu tư dở dang… Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của VRG đạt 8.115 tỷ đồng, tăng 46%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.526,7 tỷ đồng, tăng 178% so với cùng kỳ năm 2016. 

Về cơ cấu nguồn vốn, VRG có 26.279 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó có 4.897 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, chủ yếu là từ cho thuê hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư. Dư nợ vay các loại là 14.143 tỷ đồng, tương đương 19,6% tổng nguồn vốn, với 77,8% là nợ vay dài hạn.

Được định giá 52.000 tỷ đồng, VRG có thực sự hấp dẫn?

Theo phương án cổ phần hóa vừa được phê duyệt, vốn điều lệ của VRG sau cổ phần hóa dự kiến là 40.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ cổ phần. VRG sẽ bán đấu giá công khai 475 triệu cổ phần (11,88% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 13.000 đồng/CP và bán cho nhà đầu tư chiến lược lượng cổ phiếu tương đương (11,88% vốn), bán ưu đãi cho người lao động 48,9 triệu cổ phiếu (1,22%), bán cho công đoàn 830 nghìn cổ phiếu (0,02% vốn điều lệ).

img

Công nhân lao động của tập đoàn cũng sẽ hưởng lợi khi cổ phần hóa. Ảnh: Hồ Văn

 Tính theo mức giá khởi điểm 13.000 đồng/CP, VRG đang được định giá 52.000 tỷ đồng và lượng cổ phần trong đợt IPO sắp tới có giá trị gần 6.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, mức giá khởi điểm này nhỉnh hơn so với mức 12.200 đồng/CP theo giá trị tài sản mà VCBS xác định trong quá trình tư vấn cổ phần hóa, song lại thấp hơn nhiều so với giá cổ phiếu của nhiều DN cùng ngành đang niêm yết, trong đó phần lớn là thành viên của chính VRG.

Đặc biệt, yêu cầu để trở thành nhà đầu tư chiến lược với VRG được các chuyên gia kinh tế đánh giá là khá khắt khe. 

Cụ thể, VRG chỉ cho phép các tổ chức, doanh nghiệp trong nước tham gia. Yêu cầu đặt ra về mặt tài chính là con số vốn điều lệ trước năm đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng. Hoặc, các doanh nghiệp có năng lực tài chính trung bình có vốn điều lệ tối thiểu đạt 1.000 tỷ đồng, có lợi nhuận sau thuế trong 03 năm liên tiếp và không có lỗ lũy kế, có tối thiểu 03 năm hoạt động trong các ngành nghề phù hợp với ngành nghề sản xuất chính của Tập đoàn.

“Trong đợt IPO lần này, dù VRG dù chỉ bán 475 triệu cổ phần, tương ứng gần 11,88% vốn nhưng đó là một con số quá lớn so với quy mô thị trường hiện nay. Bởi, chỉ cần trả bằng mức giá khởi điểm IPO mà VRG đưa ra thì con số tiền mặt nhà đầu tư phải chi ra đã khoảng 6.200 tỷ đồng. Đây là con số không phải nhỏ với các DN trong nước hiện nay”, một chuyên gia chứng khoán của SSI, nhận định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem