Bất ổn bên nhà máy xi măng nghìn tỷ Bài cuối: Làm kiểu “tiền trảm hậu tấu”

Vinh Hải - Thắng Quang - Nguyễn Cầu Thứ sáu, ngày 17/07/2015 06:57 AM (GMT+7)
Dù chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Lam ở huyện Đô Lương (Nghệ An) vẫn được triển khai theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, vừa làm vừa hoàn tất thủ tục.
Bình luận 0

Tỉnh không nhận được phản ánh của dân

Trong 2 bài trước, báo NTNN đã phản ánh tình trạng người dân ở xã Bài Sơn (Đô Lương) đang hứng chịu những tác động đầu tiên của dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Lam và những lo lắng, bất ổn trong tương lai. Nhưng những bức xúc này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền quan tâm.

img

Dù chưa được phê duyệt báo cáo tác động môi trường điều chỉnh, nhà máy xi măng vẫn tiến hành xây dựng. Sau khi nhà máy khoan cọc nhồi, người dân phản ánh nước giếng bị đổi màu. Ảnh:  Thắng Quang

Khi nhận được thông tin trực tiếp từ PV NTNN về phản ánh của người dân, ông Trung Thành Công – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho rằng: “Đáng lẽ người dân phải phản ảnh với chính quyền địa phương, với xã, huyện. Nếu huyện, xã không xử lý thì gửi lên tỉnh. Chứ đến giờ, tỉnh vẫn chưa nhận được đơn phản ảnh của người dân ở Bài Sơn. Cảm ơn báo chí đã cung cấp thông tin, UBND tỉnh sẽ có ngay văn bản chỉ đạo huyện, xã làm việc với người dân”.

Tuy nhiên, trên thực tế, kiến nghị của dân đã được gửi đến xã, UBND xã cũng đã gửi công văn lên UBND huyện Đô Lương đề nghị thực hiện 3 vấn đề nhằm ổn định đời sống người dân. Còn ông Thái Ngô Quang – Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn cho biết đã gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Nghệ An.

Sau khi nắm bắt thông tin, ông Trung Thành Công cho biết trước mắt sẽ giải quyết các vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Tiếp đó sẽ làm công tác tư tưởng để người dân đồng thuận với dự án. Ông Công cho hay: “Từ đó sẽ làm rõ hộ dân nào ở lại, hộ nào trong diện phải di dời, giải tỏa. Trách nhiệm của huyện là huyện phải báo cáo, huyện phải xử lý”.

Ông Công cũng cho rằng “người dân hơi nóng vội khi đặt vấn đề có được di dời cách xa nhà máy hay không”, bởi kế hoạch xây dựng nhà máy cũ cũng đã có kế hoạch di dời một số hộ dân rồi. Ông Công nhấn mạnh: “Mình bảo vệ quyền lợi của người dân nhưng cũng phải đảm bảo phát triển kinh tế của địa phương”(?).

Chưa được cấp phép xây dựng

Trong khi những băn khoăn, lo lắng của người dân Bài Sơn chưa đến được với UBND tỉnh Nghệ An thì lãnh đạo tỉnh coi dự án xây dựng nhà máy xi măng trên địa bàn xã này là dự án trọng điểm. Nhiều cuộc họp được tổ chức để đưa ra các chỉ đạo nhằm “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc” cho dự án.

Bên cạnh báo cáo ĐTM chưa được phê duyệt, Công ty CP Xi măng Sông Lam còn đang kiến nghị UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc về giấy phép xây dựng. Cụ thể, do thiếu quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết; đánh giá tác động môi trường; hồ sơ thẩm duyệt PCCC; văn bản thẩm định thiết kế kỹ thuật; … nên Công ty CP Xi măng Sông Lam chưa được Sở Xây dựng Nghệ An cấp giấy phép xây dựng.

Chính vì thế, Công ty này đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An có ý kiến chỉ đạo Sở Xây dựng hỗ trợ, xem xét cấp giấy phép xây dựng trước, các hồ sơ thủ tục còn thiếu Công ty sẽ hoàn thiện bổ sung.

Trước đó, ông Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng Nghệ An tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các hạng mục của dự án, sớm cấp phép xây dựng và cấp phép cho lao động nước ngoài thi công lắp đặt trên công trường. Các địa phương, sở, ban ngành có liên quan tại Nghệ An cũng nhận được chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam. 

Đối với vấn đề chưa hoàn thành xong thủ tục đã thực hiện xây dựng, ông Trung Thành Công giải thích: “Ở đây, các công việc họ (Công ty CP Xi măng Sông Lam) đang triển khai như khoan cọc nhồi là ở phần ngầm, trên diện tích quy hoạch cũ, họ vẫn làm đúng. Báo cáo ĐTM bao trùm toàn bộ dự án, chủ yếu đánh giá khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tác động ra sao? Còn khi xây dựng thì tác động chỉ là phần nhỏ thôi”.

Ông Công cũng cho biết với kiến nghị của nhà đầu tư về mặt cấp phép xây dựng, ý kiến của tỉnh vẫn yêu cầu phải đúng quy định. “Tiến độ nhà máy dù nhanh nhưng vẫn phải đúng trình tự, thủ tục pháp luật. Nhưng do đây là công trình trọng điểm nên phải đi nhanh, thủ tục cũng phải nhanh theo chỉ đạo của tỉnh. Cũng có lúc châm chước, gọi là những bước đi trước cần thiết, không phải là đi tắt” – ông Công khẳng định.  

Ông Nguyễn Bá Lộc – Trưởng phòng Hành chính, Công ty CP Xi măng Sông Lam xác nhận hiện Công ty đang làm thủ tục cấp phép xây dựng. Đồng thời, ông Lộc cũng cho rằng dù đang làm thủ tục đề nghị phê duyệt báo cáo ĐTM, nhưng dự án đang triển khai trên mặt bằng nhà máy cũ nên không ảnh hưởng đến môi trường (?) 

Kiểm tra ô nhiễm, báo cáo tỉnh trước ngày 30.7

Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của Báo NTNN với thông tin nhiều hộ dân sống gần khu vực Nhà máy Xi măng Sông Lam bị ảnh hưởng môi trường do thi công xây dựng, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn  yêu cầu địa phương kiểm tra. Cụ thể, ông Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao UBND huyện Đô Lương phối hợp với UBND xã Bài Sơn khẩn trương kiểm tra việc phản ánh. Trường hợp có ảnh hưởng môi trường, phối hợp với Công ty CP Xi măng Sông Lam để sớm khắc phục và báo cáo UBND tỉnh Nghệ An kết quả thực hiện trước ngày 30.7. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem