Bắt xe công nghệ gắn "mào" như taxi: Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?

Minh Hiếu Thứ sáu, ngày 19/04/2019 07:10 AM (GMT+7)
Sau nhiều lần trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải, Bộ GTVT vẫn “loay hoay” chưa thể khẳng định được các ứng dụng công nghệ như: Grab, Go-Viet và FastGo,... là loại hình kinh doanh vận tải gì? Trong đó, dự thảo đề xuất xe công nghệ gắn "mào" như taxi truyền thống gây ra nhiều tranh cãi về việc ai sẽ là người hưởng lợi và ai sẽ là người chịu thiệt?
Bình luận 0

Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Dự thảo nghị định của Bộ GTVT đưa ra quy định taxi được phân chia thành 2 loại, có đồng hồ tính tiền và sử dụng phần mềm để tính tiền. Với xe gắn đồng hồ thì phải xuất hóa đơn cho khách theo hành trình. Đặc biệt, cả 2 loại hình này phải có phù hiệu và hộp đèn “Taxi” hoặc "Xe hợp đồng" được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, gắn cố định trước nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20 cm.

Qua đó, có thể thấy rõ các hãng như Go Viet, Grab, FastGo… đều phải đăng ký là doanh nghiệp vận tải. Nếu các doanh nghiệp này hoạt động như taxi sẽ áp dụng quy định như taxi, còn nếu hoạt động như xe hợp đồng sẽ phải áp dụng quy định như vậy. Dù ở trường hợp nào, các xe này đều phải gắn mào khi hoạt động.

img

Gắn mào xe công nghệ: Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?.

Chính từ các quy định được đưa ra trong hội thảo đã gây ra nhiều tranh cãi, đỉnh điểm là nhiều lần Bộ GTVT dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP nhưng vẫn không phân biệt được khái niệm giữa xe công nghệ và taxi,  dẫn đến xung đột giữa các hãng xe công nghệ  (như Grab) và taxi truyền thống trong thời gian vừa qua. Vậy để xảy ra những tranh cãi trên xuất phát từ đâu? Ai sẽ là người chịu thiệt trong việc này?

Từ bản dự thảo có thể thấy rõ được những yếu kém của các cơ quan quản lý khi đưa khái niệm về xe hợp đồng điện tử gắn với nhiều quy định bất hợp lý, dư thừa như yêu cầu gắn phù hiệu, hộp đèn... đã thể hiện sự lúng túng của cơ quan quản lý.

Đặc biệt, việc đưa ra những quy định bất hợp lý như thế đã vô hình tự gây khó dễ cho Bộ GTVT vì gạt bỏ đi tất cả những quy định cũ ban đầu đã cấp phép cho Grab thí điểm trong thời gian vừa qua.

Cần phải khẳng định, trong tình hình phát triển xã hội “nóng” thì việc sửa đổi, điều chỉnh các quy định để phù hợp với thực tiễn là cấp thiết. Tuy nhiên, sửa như thế nào cũng phải dựa vào nền tảng cốt lõi chứ không phải sửa là xoá hết những cái cũ đi.

Việc Bộ GTVT liên tục thay đổi các quy định trong dự thảo Nghị định 86 dường như đang thể hiện kiểu làm không có chính kiến “gió chiều nào thì theo chiều đó”, bên nào nói mạnh hơn thì nghe. Bộ GTVT cho phép Grab hoạt động nhưng không quản lý được, thì trách nhiệm này phải thuộc về Bộ GTVT chứ không thể đổ hết lỗi, trách nhiệm cho doanh nghiệp.

Đẩy thiệt thòi cho người dân?

Từ thực tế có thể thấy rằng, chưa bao giờ hành khách lại được hưởng lợi và có nhiều sự lựa chọn khi sử dụng dịch vụ taxi như hiện nay. Kể từ khi các loại hình xe công nghệ (Grab, Go-Viet và FastGo) xuất hiện, người tiêu dùng được sử dịch vụ với giá thành thấp, tiện lợi hơn. Các loại hình xe công nghệ nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, khẳng định được  vị trí trên thị trường vận tải chính là nhờ giá cả cạnh tranh, thái độ phục vụ chuyên nghiệp.

img

Đề xuất gắn "mào" xe công nghệ như taxi truyền thống đang gây nhiều tranh cãi (Ảnh IT)

Đương nhiên, xu thế phát triển vận tải hiện nay, việc giá thành rẻ, dịch vụ tiện ích đang dần chiếm được thiện cảm từ chính hành khách. Vì vậy, hoạt động của các loại hình vận tải như Grab, Go-Viet, FastGo... là kết quả của công nghệ nên không thể bắt nó khoác trên mình những logo, mào taxi như taxi truyền thống.

Đặc biệt, các loại hình xe công nghệ như Grab hoạt động dựa trên hạ tầng, xe ô tô nhàn rỗi từ các cá nhân đang sở hữu xe riêng trong xã hội, nếu bắt lái xe riêng của cá nhân đục lỗ gắn mào trên nóc sẽ rất khó, và khiến nhiều người từ bỏ không tham gia vào thị trường vận tải nữa.

Nếu những người này không tham gia vào vận tải thì người chịu thiệt chính là hành khách, bởi hành khách sẽ ít có lựa chọn, ít được sử dụng dịch vụ vận tải giá rẻ, tiện ích. Đó là chưa kể nhiều hành khách cũng không muốn đi xe có mào vì họ thích cảm giác được đi xe riêng.

Một số chuyên gia giao thông cho rằng, nếu bắt buộc xe công nghệ phải gắn mào như taxi truyền thống sẽ làm tăng chi phí xã hội, trong khi chỉ cần có số xe là cơ quan chức năng dễ dàng biết được xe đó thuộc loại hình gì. Hiện xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu, như vậy là đủ để các cơ quan chức năng kiểm soát.

Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia giao thông, việc gắn mào xe công nghệ cũng sẽ phát sinh thêm nhiều hệ luỵ khác, sẽ vô tình "vẽ đường" cho tài xế công nghệ bắt khách dọc đường. Bởi khi xe công nghệ bị gắn mào, hành khách không cần đặt xe qua app cũng nhận ra đâu là xe chở khách. Tài xế sẽ tắt ứng dụng và đón khách dọc đường dẫn tới việc “chặt chém” xe chạy lòng vòng để tăng giá sử dụng xe. Câu chuyện tài xế taxi chặt chém khách sẽ tiếp tục là "bài ca không bao giờ cũ".

Ngoài việc hành khách bị hạn chế cơ hội được sử dụng dịch vụ taxi giá rẻ như hiện nay, theo nhiều chuyên gia kinh tế thì việc bắt xe công nghệ gắn mào, họ sẽ phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên… Tất cả chi phí sẽ được áp vào giá thành, đội giá thành lên cao, bao nhiêu cái mới, cái hay, cái tiến bộ sẽ trở nên vô nghĩa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem