“Bê bối” nhân sự ở Bộ Công Thương thời ông Vũ Huy Hoàng

PV t/h Thứ bảy, ngày 11/07/2020 07:35 AM (GMT+7)
Thời kỳ đương nhiệm Bộ trưởng Bộ Công Thương của ông Vũ Huy Hoàng, vấn đề bổ nhiệm cán bộ luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong đó, đáng chú ý là quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh và một số vị trí lãnh đạo tại Sabeco trong đó có trường hợp ông Vũ Quang Hải - con trai của ông Vũ Huy Hoàng.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Động thái này diễn ra sau một thời gian khá dài kể từ khi bị Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật, vi phạm, khuyết điểm của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra tại kỳ họp thứ 41 (tháng 12/2019).

Theo đó, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Công Thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II). Ông Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương.

Ông Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng Bộ Công thương giai đoạn 2011 - 2016. Sau khi nghỉ hưu, từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017, Ban Bí thư và Chính phủ đã quyết định kỷ luật xóa tư cách lãnh đạo nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng. 

Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội.

Trên thực tế, đã có nhiều phản ánh về công tác nhân sự tại Bộ Công Thương dưới thời cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Trong đó, đáng chú ý là quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh và một số vị trí lãnh đạo tại Sabeco trong đó có trường hợp ông Vũ Quang Hải. Ông Vũ Quang Hải cũng chính là con trai của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Đối với việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, tại kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào trung tuần tháng 10/2016 đã chỉ ra rằng, mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh Hậu Giang để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. 

Đồng thời, thực hiện không đúng thẩm quyền khi đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh tham gia BCH Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh.

Cũng theo thông báo, ông Hoàng đã chỉ đạo đánh giá, quy hoạch, đề nghị phê duyệt quy hoạch thứ trưởng đối với Trịnh Xuân Thanh và một số cá nhân không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn.

“Bê bối” nhân sự của Bộ Công Thương thời ông Vũ Huy Hoàng - Ảnh 2.

Vũng lầy thua lỗ tại PVX được cho là "di sản" mà Trịnh Xuân Thanh để lại

Được biết, ông Trịnh Xuân Thanh đã có một thời gian dài làm việc tại Bộ Công Thương với nhiều vị trí khác nhau. Trước đó, ông từng là Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thuộc PVN từ tháng 2/2009 đến tháng 5/2013 trước khi được điều động về Bộ Công Thương làm Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại Đà Nẵng vào tháng 9/2013.

Điều đáng nói, di sản mà ông Thanh để lại cho PVC là khoản lỗ hợp nhất 3.200 tỷ đồng tại PVC trong năm 2013 (hai năm sau khi tổng công ty này đón nhận anh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới).

Một báo cáo của Ban xây dựng PVN năm 2012 (lúc ông Thanh còn lãnh đạo PVC) cho thấy, PVC tại thời điểm này đã mất cân đối về tài chính, sa lầy vào bất động sản, đặc biệt là có tình trạng đầu tư vốn vào nhiều dự án không đúng mục đích, không theo kế hoạch được phê duyệt...

Theo đó, PVC có vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là hơn 9.600 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh âm hơn 1.100 tỷ đồng, tổng số nợ gốc vay quá hạn tính đến hết năm 2011 là 993 tỷ đồng với lãi vay từ 4,9-21%/năm.

Với trường hợp tại Sabeco, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào trung tuần tháng 10/2016 đề cập, ông Vũ Huy Hoàng thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco, vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.

Ông Vũ Quang Hải được biết tới là con trai cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, được điều động về làm lãnh đạo tại Sabeco đầu năm 2015 đảm đương vị trí thành viên Hội đồng quản trị, đại diện cổ phần Nhà nước tại Sabeco, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc. Lúc đó ông Hải chỉ mới 29 tuổi. 

Điều đặc biệt, cha con cựu Bộ trưởng Hoàng cho biết, ông Hải được doanh nghiệp chủ động xin về, nêu đích danh. Người ký quyết định bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải về Sabeco chính là Thứ trưởng tại thời điểm đó là bà Hồ Thị Kim Thoa.

Đến năm 2016, ông Vũ Quang Hải trở thành tâm điểm của báo chí khi Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) liên tục "tố cáo" những sai phạm trong việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải tại Sabeco.

Theo VAFI, trước khi được bổ nhiệm vào các chức vụ trên, ông Vũ Quang Hải – con trai ông Vũ Huy Hoàng "dù không có thành tích gì đặc biệt" cũng đã từng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Dầu khí (PVFI) vào năm 2011 - khi ông mới 25 tuổi.

Trong 2 năm ông Hải làm Tổng giám đốc tại đây, PVFI lỗ lần lượt 155 tỷ đồng vào năm 2011 và 67 tỷ đồng vào năm 2012, trong khi vốn điều lệ của công ty là 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, ông Hải không phải chịu trách nhiệm việc này do PVFI đã lỗ từ thời kỳ trước đó.

VAFI cũng đặt câu hỏi, cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐTQ và Phó tổng giám đốc của Sabeco.

“Bê bối” nhân sự của Bộ Công Thương thời ông Vũ Huy Hoàng - Ảnh 3.

Ông Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng được bổ nhiệm vào hai vị trí quan trọng tại Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) "dù không có thành tích gì đặc biệt"

Ngoài ra, việc Bộ Công Thương bổ nhiệm 2 trưởng phòng chung một "ghế" dưới thời của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng được dư luận nhắc tới nhiều lần.

Cụ thể, năm 2013, ông Kiều Nghiệp được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả theo Quyết định 1268/QĐ-QLTT ngày 8/8/2013. Sau đó, ông Thân Đức Công được bổ nhiệm cũng vào vị trí trên ngày 25/1/2014 theo Quyết định 116/QĐ-QLTT cũng của lãnh đạo Cục QLTT.

Tuy nhiên, thời điểm bổ nhiệm ông Thân Đức Công vào vị trí Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả thì không có văn bản nào hủy bỏ Quyết định bổ nhiệm ông Kiều Nghiệp. Nghĩa là, cả hai Quyết định 1268 và Quyết định 166 đều cùng bổ nhiệm 2 người vào cùng một ví trí, chính vì vậy, Cục Quản lý thị trường có 2 nhân sự giữ cùng chức vụ Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả.

Trao đổi với báo giới sau đó, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường có giải thích rằng, quyết định bổ nhiệm ông Trần Đức Công vào vị trí Trưởng phòng Phòng chống hàng giả là do trong quá trình soạn thảo văn bản có những sai sót kỹ thuật. Trên thực tế, ông Kiều Nghiệp vẫn là Trưởng phòng phụ trách Phòng chống hàng giả và ông Trần Đức Công giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ kiểm tra thị trường cơ động.

Sự việc "lùm xùm" cùng lúc 2 nhân sự giữ cùng chức vụ, cùng vị trí tại một cơ quan quản lý Nhà nước là điều chưa có tiền lệ nhưng lại xảy ra khi ông Vũ Huy Hoàng đương chức Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Theo kết luận thanh tra được Bộ Nội vụ công bố 8/3/2017, có nhiều trường hợp bổ nhiệm, tuyển dụng không đúng quy định tại Bộ Công Thương trong giai đoạn từ 1/1/2015 – 30/6/2016. Đây là giai đoạn ông Vũ Huy Hoàng giữ chức Bộ trưởng trước khi ông Trần Tuấn Anh được bổ nhiệm vào tháng 4/2016.

Kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ cho biết, trong giai đoạn trên Bộ Công Thương đã quyết định bổ nhiệm 97 trường hợp. Trong số này có 55 trường hợp cấp vụ, 42 trường hợp cấp phòng; điều động, bổ nhiệm ngang cấp 10 trường hợp; bổ nhiệm lại 5 trường hợp và kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu 1 trường hợp (cấp vụ)… Chủ yếu việc bổ nhiệm nêu trên đều nằm trong thời điểm ông Vũ Huy Hoàng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương. Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2014, cũng là thời điểm ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng, đã có 248 trường hợp được Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm.

Theo kết luận thanh tra, có 2 trường hợp không đáp ứng về tuổi khi bổ nhiệm lần đầu, 31 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị tại thời điểm bổ nhiệm, 3 trường hợp không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, 3 trường hợp không có chứng chỉ ngoại ngữ, 3 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị và ngoại ngữ, 4 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị và nghiệp vụ quản lý nhà nước, 1 trường hợp không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước và không có bản đánh giá, nhận xét của nơi cư trú.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem