Trung ương Hội NDVN hoàn thành chương trình hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết TƯ 5 khóa XIII

Trần Quang Thứ sáu, ngày 22/07/2022 16:51 PM (GMT+7)
Sáng 22/7, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII tiếp tục làm việc và tiến hành bế mạc. Đồng chí Trương Thị Mai trình bày chuyên đề về xây dựng Đảng; đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị...
Bình luận 0
Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng - Ảnh 1.

Sáng 22/7, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trình bày chuyên đề "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới". Ảnh: Như Ý

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị  bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu Trung ương (TP.Hà Nội) và 11.661 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc với hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập. 

Trong ngày 22/7, tại Hội nghị, đồng chi Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương trình bày chuyên đề "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới".

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị.

Mỗi một nơi, tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật thì ở đó lòng tin của nhân dân bị giảm sút

Bà Trương Thị Mai cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 51.988 tổ chức cơ sở đảng; hơn 5,2 triệu đảng viên (so với 2010, tăng 1.443.574 đảng viên (38,1%); trung bình mỗi năm tăng 143.357 đảng viên (3,8%). Tuổi trung bình của đảng viên là 43,9; 80,1% là đảng viên đang công tác, làm việc; 19,9% đảng viên đã nghỉ hưu.

Đánh giá về những mặt đạt được về tổ chức cơ sở đảng, bà Trương Thị Mai nêu rõ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều chủ trương quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện.

Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh; tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng...

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh những kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, phẩm chất, uy tín, tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Bên cạnh kết quả đạt được, bà Trương Thị Mai đã nêu lên những hạn chế, đó là chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế; chậm đổi mới phương thức lãnh đạo; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Chất lượng sinh hoạt, tinh thần tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại còn hạn chế; chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân ở cơ sở.

Một số cấp ủy cơ sở chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu; chưa chủ động, kịp thời kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm; mất sức chiến đấu, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, giảm niềm tin của nhân dân với Đảng...

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, có 664 tổ chức cơ sở đảng bị thi hành kỷ luật (khiển trách 503 tổ chức; cảnh cáo 161 tổ chức), tăng 114 tổ chức so với nhiệm kỳ 2010 - 2015, trung bình mỗi năm thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức (khoảng 0,2%).

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá các vi phạm chủ yếu là vi phạm nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; công tác cán bộ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Năm 2021, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng (khiển trách 159 tổ chức; cảnh cáo 64 tổ chức). "Vì sao trong dịch bệnh kỷ luật nhiều hơn so với bình thường. Mấy năm trước mỗi năm hơn 100 nhưng riêng năm 2021, năm cao điểm dịch bệnh thì phải kỷ luật như vậy”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu thực trạng.

"Ở đâu, tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật phải thay cấp ủy viên ngay. Không thể để mấy ông cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi để ảnh hưởng lòng tin của nhân dân với Đảng"

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh

Nhấn mạnh, tỷ lệ kỷ luật chỉ chiếm 0,2% là thấp trong hơn 50.000 tổ chức cơ sở đảng, nhưng bà Mai nhấn mạnh “không thể xem thường, mỗi một nơi, tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật thì ở đó lòng tin của nhân dân bị giảm sút”.

“Sau này, đề nghị anh Trần Cẩm Tú (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) phối hợp, ở đâu, tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật phải thay cấp ủy viên ngay. Không thể để mấy ông cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi để ảnh hưởng lòng tin của nhân dân với Đảng, trong khi đó hàng chục ngàn tổ chức cơ sở đảng làm tốt”, bà Mai nhấn mạnh.

Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật....

Phân tích về nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, bà Trương Thị Mai nêu rõ nhận thức của một số cấp ủy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa sâu sắc, toàn diện về vai trò, vị trí, yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Một số tổ chức cơ sở đảng buông lỏng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chưa nắm chắc diễn biến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên.

Từ năm 2016- 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật (0,5% tổng số đảng viên).

Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng - Ảnh 2.

Các đại biểu theo dõi phần trình bày chuyên đề "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới" của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trình bày sáng 22/7 tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Như Ý

Tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu lên 3 quan điểm trong Nghị quyết 21 đó là tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Ðảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở.

Xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, tự ý thức học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Coi trọng chất lượng phát triển đảng viên. Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết 21 là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng...

Công tác tuyên truyền học tập, quán triệt nghị quyết phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện

Phát biểu kết luận hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XIII vào trưa 22/7, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị ngay sau hội nghị quán triệt này, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập các nội dung Nghị quyết đến toàn thể đảng viên, nhân dân, nhất là những vấn đề mới, cốt lõi, thấy rõ nội dung 4 Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XIII là những nội dung hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đời sống của nhân dân, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, ví dụ xung quanh Nghị quyết về chính sách đất đai, có nhiều vấn đề rất mới và quan trọng mà trong quá trình thảo luận, Trung ương tin tưởng rằng nếu thực hiện tốt sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực. 

Đơn cử như lần này chúng ta bỏ khung giá đất, xác định giá theo cơ chế thị trường. Như vậy sẽ khắc phục được tình trạng đất 2 giá trong thời gian vừa qua: khi làm nghĩa vụ thuế với nhà nước thì người dân muốn giá đất rẻ; khi thu hồi, đền bù đất thì người dân muốn giá cao để hưởng lợi. Nên một mảnh đất có 2 giá, đó cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiều vụ khiếu nại, cũng như nhiều vụ cán bộ sai phạm liên quan đến đất đai.

Hay lần này chúng ta xác định đối với dự án phải thực hiện tái định cư thì tái định cư xong mới thu hồi đất. Có ý kiến cho rằng cứ thu hồi trước rồi từng bước tái định cư sau, nhưng thực tế có những dự án đã thực hiện 5-10 năm, thậm chí 20 năm nhưng không tái định cư cho dân. Do vậy, bây giờ chúng ta đặt vấn đề coi trọng đời sống của nhân dân thì thực hiện tái định cư trước, thu hồi đất sau. Đây là những vấn đề rất quan trọng.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu năm 2023 phải hoàn tất việc sửa Luật đất đai - Ảnh 5.

Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: Công tác tuyên truyền học tập, quán triệt nghị quyết phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, với nhiều hình thức đa dạng phong phú, hấp dẫn. Mục tiêu là để cán bộ, đảng viên, và nhân dân hiểu rõ thông suốt, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết. Ảnh: Quang Phúc

Lần này Nhà nước cũng bảo đảm nguồn lực để quy hoạch sử dụng đất, lập kế hoạch sử dụng đất, các phân khu, các lĩnh vực, các ngành có sử dụng đất. Điều này nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp tài trợ cho công tác phân khu, lĩnh vực sử dụng đất sẽ chú trọng lợi ích của doanh nghiệp hơn thay vì lợi ích của dân, của cộng đồng, tạo ra việc tiếp cận đất đai không công bằng. Đơn cử như doanh nghiệp mà quy hoạch phân khu, đô thị thì chắc chắn đất thương mại sẽ nhiều hơn, công viên cây xanh sẽ ít đi.

Hay vấn đề kiên trì thực hiện cơ chế thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân với doanh nghiệp để xây dựng những khu đô thị và nhà ở thương mại. Trong việc thực hiện các quy định trước đây, có nhiều nội dung chưa tường minh, dẫn đến thẩm quyền của cơ quan có quyền thu hồi đất rất lớn. Khi thu hồi đất để phục vụ thực hiện phát triển kinh tế-xã hội xảy ra nhiều khiếu kiện, do đó, lần này làm rõ vấn đề này nhằm hạn chế được sai phạm trong đất đai, hạn chế khiếu kiện.

“Chúng ta tin tưởng khi thực hiện tốt Nghị quyết về đất đai lần này sẽ giúp khiếu kiện của dân về đất đai giảm, cán bộ bị xử lý liên quan đến đất đai cũng giảm”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Đối với Nghị quyết về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định đây là vấn đề cũng rất quan trọng, hệ trọng. Vì xét cho cùng, mọi vấn đề cuối cùng đều liên quan đến tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên. Do đó, cần có sự thẳng thắn, đột phá trong một số khâu của công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên.

 Dẫn giải lại lời Bác Hồ nói "vào Đảng không phải để làm quan phát tài", đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng: “Cán bộ mình về cơ bản là đồng lương công chức, viên chức khó khăn, nhưng thiết kế cơ chế một hồi thì đúng là không vào Đảng không làm quan được: không vào Đảng thì không học cao cấp chính trị được, không học cao cấp chính trị được thì không bổ nhiệm phó phòng, trưởng phòng được, nên cuối cùng chúng ta lại không thực hiện đúng tư tưởng đó. Vì vậy, dù chúng ta đã có quy định nhưng khi đánh giá một người vào Đảng là vì mục tiêu lý tưởng hay để làm quan thì lại không có cơ sở đầy đủ để đánh giá"

Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ: Vấn đề rất quan trọng của đảng viên là nhận thức tư tưởng chính trị, bản lĩnh chính trị, mục tiêu lý tưởng, nhưng những cái đó lại không hiện trên trán của mỗi người. Nhìn lên trán không thấy, nghe lời nói thấy rất tốt đẹp, nhưng cơ sở thực tiễn để đánh giá điều này chưa có, nên rất khó. Do đó, phải tạo ra sự đột phá trong đánh giá, xếp loại đối với tổ chức cơ sở Đảng sao cho thực chất, phản ánh đúng hiện thực khách quan.

“Vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa thì trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ? Vậy khắc phục điều này như thế nào? Trong nghị quyết cũng đã nêu những nhiệm vụ, giải pháp, và cần phải cụ thể hóa điều này”, Thường trực Ban Bí thư đặt vấn đề.

Bên cạnh đó là vấn đề vai trò Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội trong tham gia xây dựng Đảng. Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, chúng ta nói dựa vào dân để xây dựng Đảng, dựa vào dân để chống tham nhũng tiêu cực, dựa vào dân để lựa chọn cán bộ, cán bộ như thế nào thì dân biết hết. Rất nhiều văn bản, rất nhiều nghị quyết, nhưng vai trò thực tiễn trong thực tế của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội thể hiện như thế nào? Cần phải nghiên cứu để triển khai hiệu quả trong thực tế, cũng như vấn đề về xây dựng Đảng ở các địa phương, cần có mô hình hiệu quả.

Cũng theo đồng chí Võ Văn Thưởng, công tác tuyên truyền học tập, quán triệt nghị quyết phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, với nhiều hình thức đa dạng phong phú, hấp dẫn. Mục tiêu là để cán bộ, đảng viên, và nhân dân hiểu rõ thông suốt, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết.

Cụ thể hóa nội dung 4 Nghị quyết của Trung ương thành kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng hàng đầu, yếu tố có tính chất quyết định là khâu tổ chức thực hiện. Trong nghị quyết nhiều nhiệm kỳ đã đánh giá tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu, nghị quyết rất hay rồi nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn tình trạng thấy khó lại chùn chân, thấy khó lại hay để lại. 

"Vì vậy, quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi có sự quyết tâm, năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp ủy tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức địa phương, đơn vị", đồng chí Võ Văn Thưởng nói.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt thì phải khẩn trương nghiên cứu cụ thể hóa nội dung 4 Nghị quyết của Trung ương thành kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn, khả thi hiệu quả. Ban kinh tế Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ KHĐT phấn đấu tháng 8 này trình Bộ Chính trị kế hoạch để thực hiện 4 Nghị quyết.

Đồng chí cũng đề nghị Đảng Đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng, Chính phủ, các Ban Đảng Trung ương, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, phối hợp cụ thể hóa nội dung các Nghị quyết, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở hành lang pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất để việc thực hiện các nghị quyết trong thực tiễn, đảm bảo tính toàn diện hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết đã đề ra.

“Đơn cử vấn đề về đất đai, chính sách đất đai, nếu không thể chế hóa thành luật thì những nội dung đó sẽ không đi vào cuộc sống và không giải quyết được, do đó đặt ra yêu cầu năm 2023 phải hoàn tất việc sửa Luật đất đai”, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem