Bé trai 3 tháng ngộ độc vì dùng thuốc nam chữa tiêu chảy

Dân Trí Thứ ba, ngày 16/12/2014 13:30 PM (GMT+7)
Thấy con xì xoẹt 5 - 6 lần/ngày, gia đình bé L.D.S (3 tháng tuổi ở Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã tự cho bé uống 2 loại thuốc nam. Bệnh chưa thấy khỏi, bé đã rơi vào tình trạng li bì, bỏ bú vì tăng men gan, suy giảm chức năng thận.
Bình luận 0

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), cho biết, trước thời điểm nhập viện 1 tuần, bé L.D.S xuất hiện tình trạng đi ngoài phân lỏng 5 - 6 lần/ngày, có ít nhầy, không có máu. Bé vẫn ăn uống, ngủ bình thường. Do quá sốt ruột với tình trạng đi ngoài của con, theo lời mách bảo của người làng, gia đình đã đi hái nhiều loại lá về đun nước cho con uống.

img
Các loại lá bệnh nhi được gia đình cho uống. Ảnh: H.Hải

 

Sau 2 ngày uống một loại lá không đỡ, gia đình chuyển sang loại lá khác được sao vàng, hạ thổ đun nước uống rồi uống thêm một loại thuốc bột của thầy lang, tình trạng vẫn không khá hơn. Đến ngày thứ 6 thì bé được cho uống thuốc tây, gồm cả kháng sinh để chữa tiêu chảy. Lúc này, bệnh nhi cũng xuất hiện tình trạng ngủ li bì, bỏ bú nên gia đình mới vội đưa con đi viện.

PGS Dũng cho biết, ở thời điểm nhập viện, kết quả xét nghiệm cho thấy men gan tăng, chức năng thận bị suy giảm, nhiều khả năng do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Khoa Nhi cũng đã gửi mẫu lá này sang khoa Đông y (BV Bạch Mai) nhưng cũng không thể định danh vì không có trong danh mục thuốc đông y.

“Ở thời điểm nhập viện, ngoài dấu hiệu ngủ li bì, bỏ bú, bé không hề có tình trạng mất nước. Theo lời mẹ cháu, bé đi ngoài 5 - 6 lần/ngày nhưng số lượng đi rất ít. Đây cũng là một sai lầm phổ biến của các bà mẹ nuôi con nhỏ, khi thấy trẻ xì xoẹt là cuống quýt tìm đủ mọi cách để “cầm” tiêu chảy mà không biết với đa phần trẻ em, xì xoẹt 5 - 6 lần/ngày mà bé vẫn ăn, ngủ tốt, lên cân thì đó hoàn toàn là sinh lý bình thường, qua giai đoạn 6 tháng bú sữa mẹ sẽ dần ổn định”. TS Dũng nói.

Như cháu bé này, may mắn được phát hiện sớm tình trạng tăng men gan, suy giảm chức năng thận nên được can thiệp, điều trị kịp thời. Nếu không phát hiện, vẫn tiếp tục sử dụng thuốc lá sẽ đe dọa sức khỏe của trẻ.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, dù được phát hiện nhưng di chứng nặng nề. Như trường hợp bé sơ sinh N.D.A (Hợp Châu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) điều trị tại khoa Nhi trước đó. Thấy con bị đi ngoài bọt liên tục, 5-6 lần/ngày nên mẹ bé đã pha thuốc cam cho uống liền 3 ngày. Sau 3 ngày uống, tình trạng xì xoẹt, đi ngoài ra bọt của bé không hề đỡ hơn nên mẹ bé đã dừng thuốc.

Và bé chỉ được phát hiện ngộ độc chì khi nhập viện điều trị vì viêm phổi. Khi hỏi bệnh sử, thấy mẹ bệnh nhi nói cho con dùng thuốc cam chữa tiêu chảy cho con trong 3 ngày, nên bác sĩ đã chỉ định lấy máu xét nghiệm. Thật bất ngờ, dù đã dừng thuốc trước đó khoảng 20 ngày nhưng hàm lượng chì trong máu bé vẫn khá cao, đến 40mg/dL trong khi ở trẻ em, hàm lượng chì dưới ngưỡng 15mg/dL mới là an toàn.

“Chỉ dùng thuốc cam đúng 3 ngày, mỗi ngày một gói và đã dừng được khoảng 20 ngày mà hàm lượng chì trong máu vẫn còn cao đến vậy thì nếu xét nghiệm máu ngay sau thời điểm uống thuốc cam sẽ còn cao hơn. Hàm lượng chì này so với những trẻ ngộ độc chì khác điều trị tại viện không cao lắm nhưng ở trên một em bé quá nhỏ như vậy, thời điểm uống ngay trong giai đoạn sơ sinh thì cũng đã là quá nặng. Ngay như hàm lượng chì niệu cũng đo được, trong khi bình thường ở những trẻ khác kiểm tra không thấy chì trong nước tiểu. Trong khi đó, một lượng chì nhỏ trong máu cũng có thể gây tổn thương não ở trẻ và ở trẻ càng nhỏ, ảnh hưởng càng nặng nề”, TS Dũng nói.

Xì xoẹt 6 - 7 lần một ngày có phải bất thường?

PGS.TS Dũng cho biết, câu hỏi ông nhận được nhiều nhất ở các bà mẹ vừa sinh con là: “Vì sao bé lại đi ngoài hoa cà hoa cải, xì xoẹt 5 - 7 lần ngày”, “Bé đi ngoài toàn bọt, có phải sữa mẹ nóng không”, “Bé đánh hơi cũng ra nước vàng, tè cũng ra tí ở hậu môn”, “Sao dùng men tiêu hóa, thậm chí kháng sinh rồi mà con vẫn không khỏi”… Theo BS Dũng, sự băn khoăn của các bà mẹ là dễ hiểu bởi trong suy nghĩ của họ, trẻ như vậy là bị đi ngoài và cần điều trị.

img

TS Dũng cho biết, rất nhiều người tìm đủ mọi cách để "chữa" đi ngoài xì xoẹt 6 - 7 lần/ngày của trẻ. Điều này là không cần thiết bởi đó là sinh lý bình thường.

 

“Nói theo sách vở, người lớn, trẻ lớn bình thường ngày đi đại tiện một lần và cho là tiêu chảy nếu đi ngoài đi từ 3 lần trở lên trong một ngày. Nhưng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì hoàn toàn khác, áp theo định nghĩa này sẽ hoàn toàn sai. Đặc biệt ở nhóm trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đang bú mẹ lại càng không đúng. Ở nhóm trẻ đang bú mẹ này, không ăn thêm thức ăn nào khác thì có cháu đi một ngày 5-7 lần, phân đôi khi có nước, hoa cà, hoa cải, bọt cũng hoàn toàn bình thường, không phải bị tiêu chảy. Chỉ ở những trường hợp bất thường, trẻ sốt, đi ngoài nhầy máu, không tăng cân... thì nên đi khám để bác sĩ tìm nguyên nhân điều trị”, TS Dũng khẳng định.

TS Dũng cho biết, ở mỗi trẻ có tần số đi ngoài khác nhau, có trẻ 1 lần/ngày, trẻ 3-4 lần, có trẻ 5-7 lần nhưng nếu trẻ không sốt, bú bình thường, ngủ bình thường, vẫn lên cân thì cha mẹ hoàn toàn yên tâm, không cần can thiệp xét nghiệm, không cần uống men tiêu hóa mà chính đường tiêu hóa của trẻ sẽ tự điều chỉnh dần. Bởi việc uống men, kháng sinh, hay thuốc cam như dân gian hay dùng vẫn không thể giảm được số lần đi ngoài của trẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem