Bệnh dại - hiểm họa rình rập trẻ nhỏ

Lan Anh Thứ năm, ngày 10/12/2020 06:15 AM (GMT+7)
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, đến cuối tháng 9/2020, trên cả nước có 57 ca tử vong do bệnh dại xảy ra tại 29 tỉnh, thành, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Trong số đó, rất nhiều trường hợp là trẻ em.
Bình luận 0

Những cái chết đau lòng...

Cuối tháng 4/2020, tại xã Mã Thành (Yên Thành, Nghệ An), sau khi có một đám tang trong xóm, cháu Đ (7 tuổi) bỗng xuất hiện các triệu chứng bất thường: Thường nôn mửa, nói sảng, không chịu ăn ngủ. Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Yên Thành không tìm được ra bệnh nên cháu được trả về nhà. Những ngày sau đó, triệu chứng của cháu ngày càng nặng. Gia đình đưa bé vào BV Quốc tế, BV này sau đó chuyển bệnh nhi qua BV Sản nhi Nghệ An. Tại đây, các bác sĩ xác định cháu bị bệnh dại, đã lên cơn và thông báo: "Đã quá muộn".

Bệnh dại - hiểm họa rình rập trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Các y, bác sĩ cứu chữa cho một bệnh nhi bị chó cắn, tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh: T.L

Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại thường gia tăng vào mùa hè, thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số là vài ba tháng, có người đến vài năm. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật. Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào vị trí bị chó cắn...

Sau khi được các bác sĩ xác định cháu bị bệnh dại, người nhà mới nhớ khoảng 2 tháng trước đó, cháu Đ có chơi đùa với con chó lạ và bị cắn. Con chó này sau đó mất tích...

Ngày 26/2/2020, bệnh nhân Y.V.A (7 tuổi, trú xã Ea Khăl, huyện Ea H'leo, Đăk Lăk) được người nhà đưa vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ea H'leo trong tình trạng sốt, ho, khó thở; sau đó được chuyển lên BV Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị. Tại đây, bệnh nhân lên cơn kích thích, sợ nước, sợ gió và tử vong vào trưa cùng ngày với chẩn đoán bệnh dại lên cơn.

Qua điều tra dịch tễ, khoảng 2 tuần trước đó, cháu Y.V.A bị chó cắn ở tay phải, 3 ngày sau con chó chết nhưng bệnh nhân lại không tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn đều là do vật nuôi trong nhà hoặc vật nuôi của nhà hàng xóm. Hầu hết, các trẻ bị chó tấn công đều trong độ tuổi từ 2 - 6 tuổi, chưa có kỹ năng phòng vệ cho bản thân. Tình trạng trẻ bị chó tấn công tại nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian qua đã khiến các bậc phụ huynh vô cùng hoang mang, lo lắng.

BV Xanh Pôn từng tiếp nhập một bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lo sợ, hoảng loạn sau khi bị chó cắn. Bệnh nhi Nguyễn T.H.Y, 3 tuổi (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), nhập viện với nhiều vết thương ở phần mềm đùi trái kèm theo gãy xương kín. Gia đình của bệnh nhi cho biết, bé Y đang đi xe đạp trẻ em ở ngoài cổng thì con chó của hàng xóm đứt xích xông ra tấn công bé...

Tại xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đăk Lăk, có trường hợp bé trai 10 tuổi tử vong vì bị chó dại cắn. Được biết, bé A.T bị chó nhà hàng xóm cắn vào chân nhưng vì vết thương nhỏ, ít đau nhức nên gia đình không theo dõi và cũng không đưa bé đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Khi bé xuất hiện các triệu chứng sốt, mệt mỏi, không ăn uống, sợ gió, gia đình mới đưa bé đến BV Đa khoa huyện Krông Bông khám sau đó chuyển lên BV Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh dại lên cơn. Đến ngày hôm sau bé đã tử vong.

Sự chủ quan của gia đình

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh dại là một trong những bệnh lâu đời và nguy hiểm nhất. Khi đã có dấu hiệu lâm sàng thì tỷ lệ tử vong là 100%. Mặc dù đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả nhưng ước tính hàng năm vẫn có khoảng 59.000 người ở hơn 150 quốc gia, chủ yếu từ những nhóm dân cư nghèo hoặc dễ bị tổn thương, tử vong do bệnh dại. Khoảng 40% nạn nhân là trẻ em dưới 15 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70 - 110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua.

Tại Việt Nam, hầu hết các trường hợp trẻ đều bị tấn công bởi chó thả rông, không có rọ mõm và không có các biện pháp bảo hộ. Đáng nói hơn, nhiều trường hợp trẻ tử vong chỉ vì gia đình chủ quan, không quan tâm, chú ý đưa bé tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn, cho rằng đó chỉ là một vết cắn nhỏ không đáng ngại.

Thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi để nhiều dịch bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh dại. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình sau khi có người thân bị chó cắn, nghĩ là chó nhà nên đã không đến các cơ sở y tế để tiêm phòng. Chính sự chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại và cách xử trí khi bị chó cắn mà nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem