Bệnh nhân whitmore tăng đột biến tại TT-Huế và miền Trung: Đã có người tử vong

Trần Hòe Thứ hai, ngày 23/11/2020 17:17 PM (GMT+7)
Đã có trường hợp bệnh nhân whitmore tử vong và Bệnh viện Trung ương Huế đã có văn bản thông báo tình hình cho ngành y tế các địa phương liên quan.
Bình luận 0

Chiều 23/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trước tình hình bệnh whitmore diễn biến phức tạp sau các đợt bão lũ liên tục ở miền Trung, Bệnh viện đã có văn bản thông báo tình hình để ngành y tế các địa phương quản lý và theo dõi, tạo điều kiện cho bệnh nhân tái khám điều trị đủ liệu trình.

Bệnh nhân whitmore tăng đột biến tại TT-Huế và miền Trung: Đã có người tử vong  - Ảnh 1.

Bệnh nhân Whitmore đang điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế.

Theo đó, để các sở y tế và các bệnh viện trong khu vực kịp thời nắm bắt và chủ động trong việc thu dung điều trị bệnh nhân whitmore, Bệnh viện Trung ương Huế đã thông báo danh sách bệnh nhân ở các địa phương. Bệnh viện Trung ương Huế đề nghị các sở y tế và bệnh viện các tỉnh cập nhật phác đồ điều trị bệnh whitmore tại Quyết định số 6101/QĐ-BYT ngày 30/12/2014 của Bộ Y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Đặc biệt lưu ý khi bệnh nhân xuất viện phải tư vấn kỹ việc điều trị duy trì tại nhà đúng quy định và kịp thời chuyển tuyến trên khi bệnh tiến triển nặng.  

Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tổ chức hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp hoặc qua hệ thống Tư vấn Khám chữa bệnh từ xa (Health Center) trong chẩn đoán, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn cho các sở y tế hoặc bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong khu vực nếu có nhu cầu.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, hiện nay tình hình bệnh whitmore tại khu vực miền Trung diễn ra phức tạp, đặc biệt là sau các đợt bão lụt liên tục xảy ra tại khu vực. Số lượng bệnh nhân xét nghiệm dương tính với whitmore nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế trong tháng 10 đến thời điểm hiện nay tăng gấp nhiều lần so với cả năm.

Cụ thể, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2020, số lượt bệnh nhân mắc bệnh whitmore nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế tăng đột biến với 30 ca trong chỉ hơn một tháng rưỡi. Trong số này, Thừa Thiên Huế có 14 bệnh nhân, Quảng Trị 9 bệnh nhân, Quảng Bình 4 bệnh nhân…

Bệnh nhân whitmore tăng đột biến tại TT-Huế và miền Trung: Đã có người tử vong  - Ảnh 2.

Bệnh nhi bị áp- xe tuyến mang tai do vi khuẩn burkhoderia pseudomalei đang điều trị tại Trung tâm Nhi Bệnh viện Trung ương Huế.

Nhiều trường hợp vào Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng rất nặng, cụ thể gần 50% số trường hợp vào viện trong tình trạng cần phải hồi sức tích cực. Vừa qua đã có trường hợp bệnh nhân tử vong.

Bệnh melioidosis còn gọi là bệnh whitmore, do trực khuẩn gram âm burkhoderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Vi khuẩn này còn được quan tâm đến như là một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học. Melioidosis có nhiều điểm tương đồng với một bệnh ở loài ngựa, lây qua người từ gia súc bị nhiễm bệnh.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ 2014-2019 có khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với burkhoderia pseudomallei ). Từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2020 có 11 bệnh nhân. Từ tháng 10/2020 đến giưã tháng 11/2020 có 30 bệnh nhân.

 Sự tăng đột biến số lượng ca bệnh trong thời gian tháng 9, 10 và 11 như trên là hoàn toàn giống với các nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới vì số lượng ca bệnh whitmore có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hàng năm và đặc bịệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn burkhoderia pseudomallei.

Vi khuẩn whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua các vết thương do tai nạn, hoặc hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn, uống nước có nhiễm khuẩn whitmore. Tại chỗ xâm nhập chúng gây thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp-xe lớn.

Ở người có sức đề kháng kém như người đang mắc bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, bệnh đái tháo đường, bệnh thận hoặc người nghiện rượu, nghiện ma túy... khi vi khuẩn xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng. Vi khuẩn theo dòng máu đi đến khắp các cơ quan trong cơ thể nhất là gan, lách, phổi gây nên các ổ áp-xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng có thể sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh có tiên lượng xấu, dễ tử vong. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem