Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM: "Đảo quân" để tiếp tục bám trụ cùng thành phố

Bạch Dương Thứ ba, ngày 09/11/2021 17:31 PM (GMT+7)
Là đơn vị cuối cùng của Bộ Y tế còn lại tại TP.HCM, các y bác sĩ Trung tâm hồi sức Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế vẫn đang tận lực mỗi ngày mỗi giờ vì bệnh nhân.
Bình luận 0
Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM: "Đảo quân" để tiếp tục bám trụ cùng thành phố - Ảnh 1.

Theo dõi tình hình bệnh nhân qua màn hình camera. Ảnh: Giao Linh

Khi 2 Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai đã chính thức rời TP.HCM sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch, Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 14 trên địa bàn quận Tân Bình vẫn tiếp tục sát cánh cùng chính quyền và nhân dân TP.HCM trong cuộc chiến chống Covid-19 từ nay đến cuối năm 2021.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Đình Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức, bệnh viện đang hoạt động theo mô hình 3 tầng: Khu hồi sức, khu bệnh nhân nặng và khu bệnh nhân nhẹ. Tổng số bệnh nhân đang điều trị là 240 ca.

"Hiện lượng bệnh nặng dù có giảm nhưng vẫn còn nhiều. Trung tâm phụ trách đón bệnh từ 11 bệnh viện khác chuyển đến, nên tình hình vẫn còn căng thẳng", BS Khoa nhận định.

Dẫn chứng thực tế, bác sĩ Nguyễn Đình Khoa cho biết nhân lực chỉ tăng cường thêm chứ không giảm đi. Trung tâm vừa rút 33 người về Huế nhưng điều thêm đến 40 người thay thế. Trong đó có chuyên gia như TS Nguyễn Tất Dũng, người đứng đầu khoa Hồi sức tích cực.

Vừa có mặt tại Trung tâm, TS Nguyễn Tất Dũng đã theo sát các ca bệnh nặng nhất. Ông là trưởng khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế, vừa tăng cường cho TP.HCM cách đây vài ngày.

"Tôi đã viết đơn tình nguyện vào TP rất nhiều lần rồi. Đến giờ này, mới được Ban giám đốc điều động, có mặt cùng anh em chăm sóc bệnh nhân nặng", TS Dũng chia sẻ.

Suốt đợt dịch vừa qua, TS Dũng luôn theo dõi tình hình điều trị của Trung tâm Hồi sức tại TP.HCM, nhưng khi có mặt trực tiếp, ông không khỏi ngạc nhiên và nể phục với hệ thống cơ sở vật chất tại đây.

"Một cơ sở dã chiến mà có đầy đủ hệ thống ECMO, lọc máu, các phương tiện hồi sức cho bệnh nhân nặng. Những gì các Trung tâm Hồi sức chính quy có, thì ở đây cũng có. Chỉ trong 1 thời gian ngắn mà Ban lãnh đạo và những người xây dựng ban đầu có thể thiết lập được Trung tâm này, tôi thật sự rất khâm phục", ông cho biết.

Tại đây, ông cũng chứng kiến không chỉ có sự giành giật tính mạng cho người bệnh Covid-19, mà còn là tấm lòng, nhiệt huyết của đồng nghiệp. Bệnh nhân nằm điều trị lâu ngày, nên cần được thay đổi tư thế để chống loét, được tắm rửa gội đầu hay xoa bóp cho bớt đau nhức…bởi các điều dưỡng hoặc chính bác sĩ.

Khoảng 90 trường hợp đang được theo dõi tại khu hồi sức, trong đó có đến 40 ca nặng phải thở máy chức năng cao. Dịch giảm dần, nhưng trách nhiệm vẫn còn nguyên đó.

"Tôi nói với vợ, mình sẽ đi cho đến lúc hết dịch. Bao giờ về, ai về, ai thay, mọi người ở đây đều không nghĩ đến", TS BS Nguyễn Tất Dũng trải lòng.

Trung tâm hiện có khoảng 450 nhân viên y tế từ nhiều nơi như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam – Cuba Đồng Hới, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa. Lực lượng được huy động từ tháng 8/2021.

Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM: "Đảo quân" để tiếp tục bám trụ cùng thành phố - Ảnh 3.

Một bệnh nhân nặng đang phải chạy ECMO. Ảnh: Giao Linh

Khi đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức hoàn thành nhiệm vụ trở về Hà Nội, các bác sĩ không tránh khỏi phút suy tư. Nhưng, nhìn người bệnh vẫn còn nhiều, còn nặng, họ lại thêm kiên tâm, tận tụy đồng hành cùng TP đến cuối cùng.

"Đáng lý ra đợt này có 60 nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế rút về để nghỉ ngơi nhưng gần 1 nửa tình nguyện tiếp tục ở lại chăm sóc người bệnh. Vẫn còn những ca chạy ECMO, lọc máu và thở máy, nên áp lực vẫn còn căng thẳng", BS Nguyễn Đình Khoa cho hay.

Theo thống kê, nơi này đã tiếp nhận khoảng 1.500 bệnh nhân, hơn 90% là bệnh nặng và rất nặng, có bệnh nền, người cao tuổi… phải thở máy, lọc máu liên tục.

Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM: "Đảo quân" để tiếp tục bám trụ cùng thành phố - Ảnh 4.

Đây là đội ngũ y bác sĩ tuyến trung ương bám trụ đến sau cùng với TP. Ảnh: Giao Linh

Trước đây, bệnh nhân từ tầng dưới chuyển lên Trung tâm thường rất muộn và nặng. Nhiều ca khi vào đến nơi đã nguy kịch, gần như tử vong. Thế nhưng giờ này, việc chuyển tuyến đã "êm" hơn, sớm hơn và bớt hẳn các ca nguy kịch như vậy.

Theo kế hoạch của Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế cùng Bệnh viện dã chiến số 14 được nhập thành Bệnh viện dã chiến 3 tầng đáp ứng tình hình dịch hiện tại. Đến cuối năm 2021, bệnh viện sẽ được chuyển giao cho Bệnh viện Nhân dân 115 phụ trách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem