dd/mm/yyyy

BHXH tự nguyện Sơn La: Nơi niềm tin được "đổ móng"

Đến tận các chợ, các nhà hàng, gặp gỡ từng người để tuyên truyền, tư vấn và vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện là một trong những giải pháp mà BHXH huyện Mộc Châu (Sơn La) đã thực hiện tốt. Qua đó, đã góp phần thuyết phục và đem lại niềm tin của người dân vào BHXH tự nguyện trên địa bàn.

Xuất phát từ trụ sở cơ quan BHXH huyện Mộc Châu lúc 13h30 một ngày đầu tuần để đến chợ km 70, thị trấn nông trường Mộc Châu. Tôi theo chân chị Lê Thị Hiền- một nhân viên, tuyên truyền viên BHXH tự nguyện của huyện Mộc Châu để tìm hiểu công tác phát triển đối tượng BHXH tự nguyện ở nơi đây.

Chúng tôi đến chợ vào đầu giờ chiều, chợ rất vắng người, nên đa số chủ các quầy hàng đang tranh thủ chợp mắt. Tôi và chị Hiền đi vào chợ, một chị đang thức dừng xem điện thoại, nhìn lên định chào mời. Thấy chị Hiền, chị liền í ới gọi các chị khác dậy.

Với động tác nhanh nhẹn, chị Hiền nhanh chóng lấy từ trong chiếc cặp mang theo ra chồng sổ BHXH tự nguyện. Chẳng mấy phút các bà, các chị đã đứng vây quanh chị Hiền để hỏi. Chị Hiền vừa trả lời, vừa thoăn thoắt hướng dẫn bà con làm thủ tục ký nhận hồ sơ theo đúng quy định.

BHXH tự nguyện Sơn La: Nơi niềm tin được đổ móng  - Ảnh 1.

Thấy nhân viên BHXH tự nguyện đến, bà con tiểu thương chợ km 70 (Thị trấn nông trường Mộc Châu, Sơn La) gọi nhau đứng vây quanh để chờ đến lượt nhận sổ BHXH tự nguyện.

Trong lúc chị Hiền bận rộn làm công việc của mình, tôi đi quan sát xung quanh. Nhiều người đang chăm chú lật giở, chăm chú xem cuốn sổ BHXH tự nguyện cầm trên tay. Ai nấy nét mặt đầy hồ hởi và rôm rả trao đổi với nhau.

Tiến lại gần một chị mặc áo đỏ áng chừng hơn 40 tuổi để hỏi chuyện, tôi được chị cho biết chị là Bùi Thị Cam, sinh năm 1972, hiện bán hàng trong chợ km 70 này đã nhiều năm.

Tôi hỏi cơ duyên nào biết đến và tham gia BHXH tự nguyện, chị Cam chia sẻ: "Tôi và các chị em  trong chợ cũng nghe về BHXH tự nguyện đã một thời gian, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ nó cũng giống như các hãng bảo hiểm khác như Bảo Việt hay Prudential gì đó nên cũng không quan tâm và tìm hiểu. Chỉ đến khi cán bộ Hiền đến giới thiệu và giải thích cho chúng tôi, thì chúng mới hiểu được BHXH tự nguyện nó khác với bảo hiểm khác như thế nào. Giá như chúng tôi biết và tìm hiểu sớm về BHXH tự nguyện thì chúng tôi đã tham gia từ lâu rồi". 

Chị  Đào Thị Như Hương, một tiểu thương khác của chợ km 70 cho biết: "Tôi sinh năm 1975, cũng bán hàng ở chợ này lâu năm rồi.  Chồng tôi cũng là lao động tự do chứ không ở trong cơ quan nhà nước. Gần đây được cán bộ Hiền tư vấn, tôi đã tham gia BHXH tự nguyện cho cả chồng tôi luôn. Mấy ngày gần đây, hai vợ chồng tôi nói chuyện với nhau, đến 60 tuổi, cả hai vợ chồng đều có cuốn sổ lương hưu là yên tâm rồi".

BHXH tự nguyện Sơn La: Nơi niềm tin được đổ móng  - Ảnh 2.

Chị Bùi Thị Cam ( người mặc áo đỏ) và chị Đào Thị Như Hương (người mặc áo đen) đang được nhân viên, tuyên truyền viên Lê Thị Hiền hướng dẫn thủ tục nhận sổ BHXH tự nguyện tại chợ km70.

Với nét mặt thoải mái chị Hương nói tiếp: "Lúc đó dù không còn nhiều sức khỏe để lao động, nhưng chúng tôi không là gánh nặng cho con cái, lại có đồng lương để sinh hoạt hàng ngày, chỉ nghĩ đến thế thôi đã thấy rất phấn khởi rồi".

Quay sang người đang cầm cuốn sổ BHXH tự nguyện trên tay đứng cạnh chị Hương, đoán tôi sẽ hỏi nên em nhanh nhẹn giới thiệu: "Em là Vũ Thị Nhuần, trước đây em làm việc ở Công ty 20 thuộc Tổng cục hậu cần. Do điều kiện gia đình em đã xin nghỉ và thanh toán một lần. Nếu biết đến chính sách BHXH tự nguyện sớm hơn thì em sẽ đóng nối lại chứ không thanh toán một lần đâu".

Trong số những người nhận sổ BHXH lần này ở chợ km 70, người làm tôi chú ý nhất là một bạn  gái rất trẻ và xinh gái cầm trên tay 2 cuốn sổ BHXH tự nguyện.  Lại gần tôi hỏi và được biết: " Em là Nguyễn Thị Yến sinh năm 1992. Lần này em tham gia, tuy biết thời gian đóng còn dài mới đến 60 tuổi để nhận lương hưu. Nhưng qua sự tuyên truyền của chị Hiền, em thấy khi tham gia BHXH tự nguyện không chỉ là yên tâm cho tuổi già có lương hưu, có BH y tế.  Mà từ bây giờ chúng em cũng được đảm bảo cho những rủi ro  nếu gặp phải".

Sau những phút đầu e dè, tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở với các bà, các chị, các em đang bán hàng ở chợ km 70.

BHXH tự nguyện Sơn La: Nơi niềm tin được đổ móng  - Ảnh 3.

Một tiểu thương chợ km70 đang chăm chú xem cuốn sổ BHXH tự nguyện vừa được nhận.

Qua trao đổi, tôi được biết, trước khi chị Hiền đến tuyên truyền vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện, thì ở chợ km 70 có những người đã và đang tham gia các loại hình BH thương mại nên họ nghĩ thế là đủ rồi. Cũng có những tiểu thương lại nghĩ  thà gửi tiền vào tiết kiệm còn chắc chắn hơn…

Nhưng khi được chị Hiền giải thích là tham gia BHXH tự nguyện người tham gia được hưởng quyền lợi trong thời gian đóng phí. Sau khi hết thời gian đóng phí, người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục được hưởng quyền lợi gia tăng, được bảo vệ chăm sóc sức khỏe, (như được hưởng chế độ bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng lương hưu hàng tháng, được hưởng chế độ tử tuất..). BHXH tự nguyện sẵn sàng đón nhận mọi đối tượng lao động tự do tham gia. Dù họ đang khỏe, hay đang ốm đau. Dù họ đang  còn trẻ hay đã nhiều tuổi.

BHXH tự nguyện Sơn La: Nơi niềm tin được đổ móng  - Ảnh 4.

Chị Lê Thị Hiền đi đến các cửa hàng tuyên truyền, vận động tiểu thương tham gia BHXH tự nguyện.

Điều được các bà, các chị nhắc lại nhiều lần là đã được chị Hiền chỉ cho: "Khi tuổi già đến, là lúc sức khỏe mỗi người đều ngày càng yếu hơn, ốm đau, bệnh tật rình rập. Lúc già không còn nhiều sức khỏe để làm việc có thu nhập được như bây giờ nữa. Đồng thời, cùng lúc đó, chi phí để chữa bệnh tuổi già lại tăng lên… Từ đó mang theo nhiều mặc cảm tự ti, chán ghét bản thân khi mình phải sống phụ thuộc và dựa dẫm vào con cháu… 

Tham gia BHXH tự nguyện là các bà, các anh, các chị đang tự chủ động bảo vệ cho bản thân mình. Không bị mặc cảm là sống phụ thuộc vào con cháu, không bị mặc cảm là mình đang làm phiền đến con cháu. Vì khi đó, người tham gia đã có nguồn lương hưu để chi trả phí cho sinh hoạt hàng ngày, lúc ốm đau đã có chế độ bảo hiểm y tế chi trả viện phí…".

Cũng theo mọi người, điều làm họ tin tưởng tuyệt đối và khuyến khích nguời thân cùng tham gia BHXH tự nguyện, đó là khi đến tuyên truyền, vận động, chị Hiền đặc biệt không nói xấu những hãng bảo hiểm khác như cách mà một số đại lý bảo hiểm thương mại thường nói. Ngược lại, chị Hiền lại chỉ cho các bà, các chị thấy quyền lợi của người tham gia các bảo hiểm thương mại khác cũng như cách họ đảm bảo tài chính cho người thân khi chính người tham gia bị rủi ro trong thời gian hợp đồng.

Nhưng chỉ khi tham gia BHXH tự nguyện thì quyền lợi của người tham gia lại được đặt lên hàng đầu và đặc biệt là quyền lợi đó được gia tăng sau khi hết thời gian đóng phí, đảm bảo tài chính khi tuổi già…

Và cứ thế, sau khi tuyên truyền, giải thích rõ ràng lợi ích và quyền lợi của từng loại hình bảo hiểm như vậy, niềm tin vào bảo BHXH tự nguyện của bà con tiểu thương chợ km70 được "đổ móng".

Chia tay các bà, các chị, các em- những tiểu thương chợ km 70 thị trấn nông trường Mộc Châu (Sơn La), điều mà tôi cảm nhận rõ nhất là những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, được chính các  đối tượng tham gia giải thích cho tôi rõ ràng như họ đang là những tuyên truyền viên BHXH tự nguyện vậy.

Điều đó, làm tôi nhớ lại trong một chuyến đi công tác tại huyện Thuận Châu vào đầu năm 2020 này. Tôi đã được gặp nông dân Lường Văn Tính, bản Phặng (xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La ) –  cũng là một trong những người đã tham gia mua BHXH tự nguyện cho người thân trong gia đình và đã chỉ cho nhiều người dân khác biết những quyền lợi thiết thực khi tham gia mua BHXH  tự nguyện.

Chính vì lẽ đó, chính sách an sinh xã hội của BHXH tự nguyện mang nhiều giá trị nhân văn của Đảng và nhà nước dành để giúp đỡ cho người lao động tự do khi về già. Đồng tiền của người tham gia BHXH  tự nguyện sẽ được đảm bảo an toàn tuyệt đối, thì niềm tin vào BHXH tự nguyện sẽ tự nhiên được "đổ móng" vững chắc, được lan tỏa và nhân rộng. Khi đó mỗi người dân sẽ trở thành một tuyên truyền viên BHXH tự nguyện một cách tự nhiên và hiệu quả nhất. 

 

Tống Huyền