Bí ẩn đằng sau vụ cưỡng ép để chiếm đoạt 35 tỷ đồng trên đường cao tốc

Song Minh Thứ tư, ngày 24/06/2020 11:25 AM (GMT+7)
Sau khi lấy được tài khoản tiền điện tử của nạn nhân, chỉ cần vài thao tác và sau đó chừng vài chục phút, Tài và đồng bọn đã "sở hữu số tiền vài chục tỷ đồng cướp được và chia nhau".
Bình luận 0

Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) vừa bắt giữ 7 đối tượng: Hồ Ngọc Tài, Trần Ngọc Hoàng, Nguyễn Văn Đức, Trịnh Tuấn Anh, Bùi Quang Chung, Mai Xuân Phốt và Trương Chí Hải, do liên quan đến vụ cưỡng ép trái phép, để chiếm đoạt 35 tỷ đồng của một cá nhân (tạm gọi là nạn nhân) sống tại TP.HCM vào ngày 18/5.

Như Dân Việt đã đưa tin trong sáng 22/6: "Nhóm đối tượng khai nhận từng góp tiền tỷ kinh doanh tiền điện tử nhưng thua lỗ. Nhóm này cho rằng doanh nhân trên là nguồn cơn, nên hợp sức lên kế hoạch thuê giang hồ, thám tử tư, dựng kịch bản thực hiện vụ cướp 35 tỷ đồng...". Trong một điều tra riêng của phóng viên Dân Việt, nhiều thông tin mới đã được tiết lộ.

Nạn nhân từng là bạn thân và là cấp trên của Hồ Ngọc Tài!

Khi phóng viên Dân Việt đặt vấn đề: "Tại sao nhóm cướp biết trong tài khoản tiền điện tử (cryptocurrency) của nạn nhân có nhiều tiền để dàn dựng vụ cướp?" ông N., với mối quan hệ đặc biệt với nạn nhân đã tiết lộ thông tin: "Tài và nạn nhân từng là đôi bạn rất thân. Họ cùng làm chung tại sàn giao dịch tiền điện tử Bit hoạt động tại Việt Nam từ 2016 – 2018. Về vai vế trong sàn, nạn nhân là cấp trên của Tài".

Những bí ẩn đằng sau vụ cưỡng trấn 35 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hồ Ngọc Tài (thứ 2, từ phải sang) được cho là chủ mưu của vụ cướp 35 tỷ đồng của một cá nhân hôm 18/5.

Theo ông N.: "Tài từng kiếm được nhiều tiền khi làm trưởng nhóm nhưng gần đây do làm ăn thua lỗ nên mới nghĩ đến chuyện đi cướp. Theo một số nguồn tin bạn bè, Tài đã nhiều lần dàn dựng để cướp tài khoản của những người từng làm ăn chung, nhưng vì số tiền không đáng kể nên các nạn nhân không trình báo công an. Còn lần này làm lớn quá nên mới đổ bể. Trong vụ này, tôi cho rằng, Tài chính là chủ mưu".

Ông N. khẳng định: "Chỉ có bạn thân với nhau, cùng làm ăn chung tại sàn giao dịch nên Tài mới biết nạn nhân có nhiều tiền điện tử trong tài khoản theo kiểu suy diễn: mình đã từng kiếm được chừng đó tiền, ít nhất nó (nạn nhân) là cấp trên, sẽ có nhiều tiền hơn". 

Từ đó, theo lời của ông N., Tài và đồng bọn bắt đầu lên kế hoạch cưỡng trấn số tiền trên bằng cách gắn thiết bị định vị cá nhân vào xe của nạn nhân (hai tuần sau khi vụ cướp xảy ra, nạn nhân khi kiểm tra xe mới phát hiện một thiết bị định vị gắn ở đó và đã nộp cho cơ quan công an), lên kịch bản cưỡng trấn… theo kiểu "đòi nợ của xã hội đen": Găng tay, khẩu trang, vũ khí…! 

Trong khi chia sẻ thông tin với Dân Việt, ông N. luôn đặt nhiều câu hỏi để chứng minh: "Vì là bạn thân nên Tài mới biết trong tài khoản của nạn nhân có nhiều tiền".

Những bí ẩn đằng sau vụ cưỡng trấn 35 tỷ đồng - Ảnh 3.

Bit từng một thời dụ dỗ nhiều khách hàng đi vào "con đường đau khổ".

Sau khi lấy được tài khoản tiền điện tử của nạn nhân, chỉ cần vài thao tác và sau đó chừng vài chục phút, Tài và đồng bọn đã "sở hữu số tiền vài chục tỷ đồng cướp được và chia nhau". Theo thông tin của ông N., hiện tại cơ quan công an đã thu hồi "mười mấy tỷ đồng" từ số tiền bị cướp 35 tỷ đồng (quy đổi từ 150 đồng bitcoin sang tiền đồng Việt Nam).

Bit - Sàn giao dịch tiền điện tử theo mô hình Ponzi

Bit là sàn giao dịch tiền điện tử xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2016. Khi tham gia, khách hàng có nhiều gói lựa chọn, từ 10 - 200 triệu đồng, giá trị gói càng lớn, từ tiền thật đổi sang đồng tiền bitcoin, người tham gia sẽ tăng lợi nhuận. Nếu người trước giới thiệu thành viên mới tham gia sẽ được hưởng hoa hồng tương đương 10% giá trị tiền bitcoin của người sau. Theo ông N., lợi nhuận theo lời hứa từ chủ sàn là 30%/ tháng.

Những bí ẩn đằng sau vụ cưỡng trấn 35 tỷ đồng - Ảnh 4.

Bitcoin đang giữ mức giá 9.670 USD/ đồng là động cơ để Hồ Ngọc Tài và đồng bọn thực hiện vụ cướp

Bit là mô hình đầu tư "lấy tiền người vào sau trả cho người vào trước" theo như mô hình đầu tư tài chính Ponzi. Ông T.L (Q.10, TP.HCM) cho biết, đã từng tham gia Bit nhưng chỉ được 2 tháng là rút vốn vì quá nguy hiểm. "Đừng nghe những lời dụ dỗ về lợi nhuận mà ham, nhất là mô hình đầu tư tài chính Ponzi với tiền điện tử", ông T.L nhận xét.

Giá trị của tiền điện tử biến động liên tục. Nhưng cho dù trồi sụt thế nào, chủ sàn và đội ngũ quản lý mô hình đầu tư tài chính Ponzi như kiểu Bit vẫn kiếm nhiều tiền vì những bất minh trong cách làm ăn của mô hình này, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. 

Họ cứ gào lên "sẽ kiếm lợi nhuận cao khi bỏ vốn đầu tư vào tiền điện tử". Họ rỉ tai theo kiểu đa cấp, một thành mười, mười thành trăm… Càng nhiều người tham gia, cấp càng cao càng kiếm được nhiều tiền! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem