Bị chuột phá hoại như nhau, vì sao Hậu Giang không phải chi đồng nào, còn Cần Thơ dự chi 30 tỉ để diệt chuột?

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 22/03/2021 16:18 PM (GMT+7)
Hậu Giang có diện tích lúa bị chuột gây hại gần tương đương với TP Cần Thơ, thậm chí có năm thiệt hại nặng hơn. Thế nhưng, Hậu Giang vẫn không có kế hoạch chi tiền tỷ phục vụ cho công tác diệt chuột trong khi đó TP Cần Thơ có kế hoạch chi gần 30 tỷ đồng.
Bình luận 0

Liên quan đến kế hoạch diệt chuột ở TP Cần Thơ chi gần 30 tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) gây xôn xao dư luận vài ngày qua, phóng viên Dân Việt đã đến tỉnh Hậu Giang (tiếp giáp với TP Cần Thơ, với diện tích lúa khoảng 74.600ha/vụ) tìm hiểu về tình hình chuột gây hại trên cây trồng và cách diệt chuột ở địa phương này.

Vụ kế hoạch diệt chuột ở Cần Thơ chi gần 30 tỷ đồng: Vì sao Hậu Giang không chi tỷ đồng nào? - Ảnh 1.

Hậu Giang cũng có chuột gây hại nhưng không có kế hoạch chi gần 30 tỷ đồng diệt chuột như Cần Thơ (Ảnh minh hoạ)

Chuột gây hại không lớn, chỉ cần vận động nông dân làm là được

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, năm 2015, tỉnh Hậu Giang có 2.648ha lúa bị thiệt hại do chuột gây hại, năm 2016 là 5.157 ha, năm 2017 là 3.999 ha, năm 2018 là 1.114ha, năm 2019 là 2.324 ha, năm 2020 là 4.971ha.

Chuột gây hại ở Hậu Giang phần lớn ở giai đoạn đòng trổ, phân bố rãi rác các huyện, thị, thành trong tỉnh Hậu Giang. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất ở huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành A, Vị Thuỷ, Long Mỹ và TP Vị Thanh.

Từ số liệu trên cho thấy, diện tích lúa bị thiệt hại do chuột gây ra ở Hậu Giang gần tương đương với TP Cần Thơ. Có năm, diện tích lúa ở Hậu Giang bị thiệt hại nặng hơn TP Cần Thơ. Cụ thể, năm 2016, Hậu Giang có 5.157 ha lúa bị chuột gây hại nhưng ở TP Cần Thơ chỉ có 3.456 ha, năm 2017 ở Hậu Giang có 3.999 ha ha bị thiệt hại thì TP Cần Thơ chỉ có 3.196 ha, năm 2020 ở Hậu Giang có 4.971 ha ha bị thiệt hại thì TP Cần Thơ chỉ có 4.457 ha.

Năm 2021 này, cũng như TP Cần Thơ dự báo tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ chuột gia tăng mật số và gây hại trên diện rộng như năm 2020 nên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang đã có kế hoạch gửi Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương và ngành chức năng có liên quan chủ động phòng chống chuột gây hại.

Tuy nhiên, kế hoạch này không đưa ra nguồn kinh phí thực hiện lớn như ở TP.Cần Thơ. Kế hoạch diệt chuột ở Hậu Giang nêu rõ: "kinh phí do các huyện trích từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên được giao, kinh phí lồng ghép các chương trình, dự án hoặc huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp".

Vụ kế hoạch diệt chuột ở Cần Thơ chi gần 30 tỷ đồng: Vì sao Hậu Giang không chi tỷ đồng nào? - Ảnh 2.

Kinh phí phòng chống chuột gây hại ở tỉnh Hậu Giang theo từng năm

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Nguyễn Thanh Thúy - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cho biết, so với các loại dịch hại khác, diện tích chuột gây hại trên lúa vẫn còn ít.

Theo bà Thuý, thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang có kế hoạch chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị có liên quan phòng chống chuột gây hại và không nói đến kinh phí thực hiện chung của toàn tỉnh.

Vụ kế hoạch diệt chuột ở Cần Thơ chi gần 30 tỷ đồng: Vì sao Hậu Giang không chi tỷ đồng nào? - Ảnh 3.

Kinh phí phòng chống chuột gây hại ở TP Cần Thơ giai đoạn 5 năm

Theo phóng viên tìm hiểu, cũng như các địa phương khác ở ĐBSCL, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng nhận được Chỉ thị số 9864/CT-BNN-BVTV ngày 19/12/2018 của Bộ NNPTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt.

Từ đó, mỗi năm, tỉnh Hậu Giang đều có kế hoạch phòng chống chuột. Cụ thể, vận động nông dân trồng lúa theo thời vụ, thu hoạch đồng loạt nhằm cắt đứt nguồn thức ăn cho chuột. Đồng thời, phát quang bờ ruộng, phá ổ chuột ngay từ đầu vụ, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nơi cư trú của chuột.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang bảo vệ và duy trì các loài động vật hoang dã là thiên địch của chuột như chồn, mèo hoang, trăn, rắn, cú mèo, chim ưng (chim thầy bói), khuyến khích nông dân nuôi mèo, trăn.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp sẽ cùng với người dân dùng bả sinh học, bẫy sập, sử dụng bẫy cây trồng để thu hút, dẫn dụ chuột đến và tiêu diệt.

Về biện pháp hóa học, Hậu Giang sử dụng các loại thuốc ít độc đối với con người và vật nuôi, thuốc có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam như: Racumin 0.75TP, Ratkill 2%DP, Storm 0.005%,...

Riêng trong năm 2021 này, ngành chức năng và người dân tỉnh Hậu Giang tập trung diệt chuột đồng loạt vào 3 thời điểm quan trọng: đợt 1 từ 1/3 đến 30/4 (lúa đông xuân trong giai đoạn làm đòng đến thu hoạch), đợt 2 từ 15/5-15/6 (lúa hè thu trong giai đoạn làm đòng, trổ đến thu hoạch) và đợt 3 từ 1/9 đến 30/10 (lúa vụ 3, mùa nước nổi đến vụ đông xuân 2021-2022).

Như Dân Việt đã đưa tin, trước đó, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ ký kế hoạch phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổng số tiền thực hiện kế hoạch diệt chuột trên là gần 30 tỷ đồng. Trong đó, hơn 22,5 tỷ đồng là vốn đề xuất ngân sách thành phố chi, số còn lại là vốn đối ứng của nông dân.

30 tỉ đồng diệt chuột chủ yếu "nướng" vào tập huấn, in poster, tài liệu...

Kinh phí gần 30 tỷ đồng trên dùng vào việc tập huấn nông dân diệt chuột. Đối với cây lúa, nông dân được tập huấn 1.500 cuộc, đối với cây ăn trái sẽ có 85 cuộc. Đối với diện tích cây trồng có nguy cơ bị chuột gây hại, nông dân sẽ được hỗ trợ bẫy chuột với số lượng 22.500 bẫy chuột/năm. Trong 5 năm, sẽ hỗ trợ 112.500 chiếc bẫy chuột trên tổng diện tích 225.142 ha.

Ngoài bẫy chuột, thuốc hỗ trợ sinh học cũng được áp dụng để diệt chuột trên diện tích bị gây hại. Cụ thể, hỗ trợ 1.125 kg/năm, tổng số hỗ trợ 5 năm là 5.625 kg thuốc sinh học.

Bên cạnh đó, trong kế hoạch diệt chuột cũng cho biết, TP.Cần Thơ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống chuột gây hại trên cây trồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, in poster, tài liệu, đăng báo và tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo. Hằng năm sẽ tổ chức hội nghị triển khai và tổng kết để đánh giá tình hình thực hiện và đề ra nhiệm vụ năm tiếp theo.

Mục tiêu của kế hoạch là quản lý được chuột gây hại ở Cần Thơ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra trên các loại cây trồng, đảm bảo sản xuất thắng lợi. Lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ yêu cầu Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài Chính, Sở Thông tin và truyền thông, Hội Nông dân, UBND các quận, huyện thực hiện kế hoạch trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem