“Bi kịch” doanh nghiệp bất động sản phải "vay nóng" trả lương và nỗi lo nợ xấu

Minh Khôi Thứ ba, ngày 07/09/2021 06:35 AM (GMT+7)
Theo Chủ tịch HoREA, mỗi một ngày qua đi, doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải "vay nóng" để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu, để trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn…
Bình luận 0

Lo ngại nợ xấu

Ảnh hưởng của dịch bệnh đang khiến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản bị phá vỡ nghiêm trọng, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch giảm từ 30% hoặc cao hơn.

Một thống kê của Công ty DKRA Việt Nam về doanh thu của doanh nghiệp môi giới bất động sản khu vực TP.HCM trong 3 tháng gần đây cho thấy, có đến 50% doanh nghiệp có mức doanh thu đạt dưới 10%. Nhóm này được xếp vào nhóm doanh nghiệp có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao.

"Khoảng 30% doanh nghiệp có nguy cơ ngưng hoạt động cao với mức doanh thu từ 30-50%. Chỉ 10% doanh nghiệp có mức doanh thu 50-70%, trong khi đó chỉ có 10% doanh nghiệp có doanh thu ổn định", DKRA Việt Nam thống kê.

Doanh nghiệp bất động sản phải đi "vay nóng" trả lương, sợ rơi vào nợ xấu - Ảnh 1.

Nhiều dự án tại Hà Nội phải dừng xây dựng và kinh doanh để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh chụp dự án bất động sản trên đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: M.K

Mới đây các ngân hàng đồng loạt công bố các gói hỗ trợ như giảm lãi, cho vay ưu đãi lãi suất 4%/năm. Tuy nhiên đối tượng ưu tiên chỉ gồm các doanh nghiệp dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải…

Chẳng hạn như Vietinbank, bên cạnh giảm lãi suất cho vay còn triển khai bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỉ đồng đối với các khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Còn Vietcombank giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TPHCM và tỉnh Bình Dương. Giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, cũng như đợt giảm lãi suất hồi tháng 7/2021, các ngân hàng lưu ý: Việc giảm lãi suất trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, các ngân hàng vẫn chưa "rộng cửa" với lĩnh vực bất động sản nói chung.

Ông Châu nói, lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 7-8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Do vậy, Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua cơn bão đại dịch Covid-19 lần này, để tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

Theo ông Châu hiện nay, thiếu dòng tiền mới là cái khó nhất và đáng quan ngại nhất, vì tương tự như cơ thể bị "thiếu ô-xy", việc "thiếu ô-xy dòng tiền" có thể làm cho doanh nghiệp bị "nghẹt thở" ngay lập tức.

"Mỗi ngày qua đi, doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải "vay nóng" để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu, để trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn. Bởi lẽ, theo quy chế hoạt động của ngân hàng, nếu không trả được các khoản vay đáo hạn thì ngay lập tức ngân hàng tự động chuyển sang nợ xấu. Mà đã bị xếp loại nợ xấu thì doanh nghiệp sẽ lâm vào bế tắc vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới để vượt qua khó khăn", ông Châu phân tích.

Mức lãi suất cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Công ty đầu tư và xây dựng BĐS Trường Phát cho biết, mức lãi suất hiện nay vẫn cao so với sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh giao dịch đứt đoạn, không có doanh thu, nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay, tiền thuê mặt bằng, trả lương cho lao động…

Theo ông Dũng, hiện nay nhiều doanh nghiệp môi giới đang không có nguồn thu và phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ nhân sự với hy vọng khi dịch được kiểm soát thì có thể trở lại hoạt động được ngay, nhưng nếu tình trạng khó khăn kéo dài hơn mà không nhận được sự hỗ trợ thì chắc chắn sẽ có không ít doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp bất động sản phải đi "vay nóng" trả lương, sợ rơi vào nợ xấu - Ảnh 3.

Một dự án ở quận Long Biên đang trong giai đoạn hoàn thiện cũng phải dừng xây dựng, kinh doanh để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: M.K

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đã phải đóng cửa văn phòng để tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội, doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác cũng đều khó khăn vì dịch.

Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, khó khăn đối với nhóm doanh nghiệp chủ đầu tư là phải có kế hoạch dài hơi, có nguồn lực dự phòng để đầu tư phát triển dự án. Tuy nhiên, hiện tại, doanh nghiệp không có nguồn thu nên phải dùng nguồn lực này để duy trì hoạt động, khiến công tác đầu tư bị hạn chế.

"Với tốc độ lây lan mạnh như hiện nay, nhiều khả năng phải đến đầu quý IV/2021 doanh nghiệp mới được hoạt động trở lại. Hiện chúng tôi đang trong tâm thế cố gắng duy trì bộ máy hoạt động và chuẩn bị tăng tốc trong quý cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát", bà Hương nói.

Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản cho hay, việc loại trừ bất động sản là điều quá bất hợp lý và khiến họ tủi thân bởi với các ngành đang được ưu đãi, dịch bệnh càng nặng nề, càng kéo dài thì họ càng có lợi nhuận, doanh thu cao vì họ là những ngành nghề được ưu tiên, tạo điều kiện để kinh doanh và thực tế là có thể sống được, thậm chí "sống khỏe" trong đại dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem