Bi kịch sớm nở tối tàn của startup ôtô điện
Một trong những nạn nhân của xu thế thoái trào này là Jia Yueting, doanh nhân từng được ví như Steve Jobs của Trung Quốc. Người này đã phải nộp đơn xin phá sản sau khi nợ tới 3,6 tỷ USD.
Phá sản
Jia Yueting là ông chủ của Faraday Future từng nổi đình nổi đám một thời. Startup ôtô điện này ngập trong nợ nần nhiều năm qua.
Chỉ tính riêng năm 2014, Faraday Future đã nợ tới 2,15 tỷ USD. Khi đó, nhiều nhà phân tích đã cảnh báo rằng một ngày nào đó Faraday Future sẽ trở thành bi kịch phá sản lớn nhất trong số startup xe điện tiềm năng nhất. Và dự báo đó đã thành hiện thực.
Con đường sản xuất ôtô điện không còn trải hoa hồng và không tiềm năng như nhìn nhận của các ông chủ khởi nghiệp.
Không riêng gì Faraday Future, Dyson cũng vừa rút khỏi chương trình sản xuất xe điện. Thông báo đưa ra hôm 10/10 trước khi công ty sản xuất mẫu ôtô điện đầu tiên.
Nhà sáng lập James Dyson trong e-mail gửi nhân viên đã nói ông không còn thấy con đường thương mại hóa xe điện của hãng.
Danh sách thất bại ngày càng dài
Kể từ đầu thập kỷ, danh sách startup xe điện thất bại ngày càng dài. Trong số đó có những cái tên như Bright Automotive, AMP, Aptera, Coda, Detroit Electric, Fisker Automotive, LeEco, và mới nhất là Jia (Trung Quốc).
“Hầu hết startup xe điện không đủ lực cất cánh”, nhà phân tích Anton Wahlman nhận định.
Mặc dù một số cái tên không được cấp đủ vốn phát triển, số khác lại có nguồn tiền mặt rất dồi dào nên không thể nói nguyên nhân do tiền bạc.
Lấy ví dụ Fisker, một trong các startup xe điện tiềm năng nhất, đã huy động được hơn 2 tỷ USD tiền mặt. Không như startup khác, Fisker thậm chí còn sản xuất xong xe và bán ra thị trường. Đó là mẫu xe plug-in hybrid Karma.
Đến một startup giàu có như Dyson cũng chuốc lấy thất bại. Hãng này từng công bố kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD cho dự án sản xuất ôtô điện, thuê 600 công nhân và đang xây dựng nhà máy tại Singapore.
Dyson định sản xuất và tung ra thị trường crossover chạy điện 3 hàng ghế, theo đăng ký sáng chế lộ diện hồi tháng 5.
Thất bại vì đánh giá sai thị trường
Sau khi Fisker tuyên bố phá sản tháng 11/2013, các nhà phân tích đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới thất bại, trong đó có chất lượng sản phẩm.
Chất lượng kém khiến quá trình sản xuất xe điện Karma bị hoãn nhiều lần. Khi xe tung ra thị trường đã liên tiếp xảy ra cháy khiến nhà sản xuất lao đao. Ngoài ra, sai lầm trong quản lý đã đốt nốt số tiền dự trữ còn lại của công ty này.
Karma không phải điển hình duy nhất cho thấy yếu tố tài chính bị đánh giá thấp. Thực tế, đây là nguyên nhân xuyên suốt dẫn tới thất bại của nhiều startup xe điện, theo nhận định của nhà nghiên cứu cao cấp Sam Abuelsamid đến từ Navigant Research.
Các startup chợt nhận ra rằng sản xuất xe điện phức tạp hơn họ nghĩ, ngay cả khi động cơ xe điện đơn giản hơn động cơ truyền thống.
Sam Abuelsamid cho rằng việc cố mở rộng quy mô sản xuất mẫu xe phức tạp là liều thuốc độc giết chết startup xe điện.
Ngay cả Tesla, startup xe điện duy nhất có sự khởi đầu thuận lợi tại thị trường Mỹ, cũng nhiều lần phải huy động thêm vốn. Lớn như Tesla mà không phải quý nào cũng làm ra lợi nhuận.
Thêm nữa, startup xe điện thường nhận định sai thị trường tiềm năng. Rất nhiều trong số này lạc quan thái quá về thị trường. Chính quyền Mỹ dưới thời ông Obama từng đưa ra dự báo sẽ có 1,5 triệu xe điện bán ra thị trường năm 2015.
“Thị trường xe điện không phát triển nhanh như nhiều người nghĩ vào năm 2009 và 2010. Cần thời gian dài để người dùng quen với xe điện và chấp nhận chúng. Điều đó có nghĩa quy mô thị trường không thể rộng lớn trong một sớm một chiều”, Abuelsamid phân tích.
Những tín hiệu lạc quan
Tuy nhiên, trong cái khó đã có nhiều tín hiệu lạc quan. Doanh số ôtô điện năm ngoái tăng 81% và tiếp tục tăng trong 9 tháng đầu năm nay, đạt gần 236.000 xe tính tới cuối tháng 9 tại thị trường Mỹ.
Con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, vốn chỉ bán được vỏn vẹn 1.200 xe.
Dù có quá nhiều bài học thất bại, vẫn có nhiều startup xe điện muốn thử sức. Trong số này có Bollinger (Mỹ), mới tháng trước công bố hai mẫu xe điện đầu tiên (bán tải và SUV), hứa sẽ bắt đầu sản xuất tại nhà máy ở ngoại ô Detroit trong năm tới.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới Rivian, một doanh nghiệp khác cũng đóng tại Detroit. Rivian đã trình diễn mẫu bán tải và SUV chạy điện tại triển lãm xe Los Angeles Motor Show tháng 11 năm ngoái.
Rivian cũng được coi là câu chuyện thành công nhờ khoản đầu tư lớn từ Ford và Amazon. Amazon từng hứa hẹn mua 100.000 mẫu xe bán tải Rivian. Xe được lắp ráp tại nhà máy cũ của Mitsubishi tại Normal, bang Illinois (Mỹ).
Wahlman nhận định số tiền bơm cho Rivian đủ để hãng này trụ vững tới năm 2030.