Bí mật quân sự chưa được tiết lộ về chiếc máy bay lớn nhất thế giới Antonov An-225 Mriya bị phá hủy ở Ukraine

Thứ năm, ngày 03/03/2022 14:56 PM (GMT+7)
Đây là máy bay vận tải lớn nhất trên thế giới và là chiếc duy nhất thuộc loại này còn tồn tại. Nhưng còn nhiều bí mật về chiếc máy bay này khiến lực lượng Nga 'e sợ' và phá hủy ngay khi chiến dịch đặc biệt nhắm vào Ukraine nổ ra.
Bình luận 0

Theo các báo cáo chưa được xác nhận từ phía Ukraine cho thấy chiếc máy bay lớn nhất thế giới Antonov An-225 Mriya đã bị phá hủy trong quá trình Nga tiếp quản sân bay Hostomel, nơi chiếc máy bay đang được bảo trì. Và theo như lời Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba vào ngày 27 tháng 2 thì chiếc máy bay sáu động cơ, ban đầu được chế tạo để chở tàu con thoi Buran của Liên Xô đã bị phá hủy. Công ty quốc phòng Ukraine Ukroboronprom và công ty quản lý Antonov đã đưa ra một loạt tuyên bố, trong đó khẳng định máy bay đã bị phá hủy và họ chưa thể xác nhận được mức độ  thiệt hại kỹ thuật của máy bay vì chưa được các chuyên gia kiểm tra.

Antonov An-225 Mriya không phải là một trong số máy bay thử nghiệm hay máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm được ưa thích nhất hiện nay, nhưng lại được thế giới 'hâm mộ cuồng nhiệt'. Và điều này là dễ hiểu, bởi Mriya là máy bay chở hàng với hàng hóa được mô tả là 'không điển hình', bao gồm các tua-bin khổng lồ, toàn bộ đầu máy đường sắt, hoặc suất ăn sẵn… cho cả một đội quân. An-225 cũng chỉ thực hiện một vài chuyến bay mỗi năm và vừa kết thúc quãng thời gian dài nghỉ 18 tháng trên đường băng.

Nhưng tại sao bạn lại cần một chiếc máy bay to quá khủng khiếp đến vậy? Câu trả lời ngắn gọn: "Tên lửa".

Bí mật quân sự chưa được tiết lộ về chiếc máy bay lớn nhất thế giới Antonov An-225 Mriya bị phá hủy ở Ukraine - Ảnh 1.

Antonov An-225 Mriya là tiền đề cho một 'kế hoạch lớn hơn': "Tên lửa"

Antonov An-225 Mriya là tiền đề cho một 'kế hoạch vũ trụ' lớn hơn

Vào đầu những năm 1980, Liên Xô gặp một vấn đề, đó là tên lửa của họ quá lớn. Để 'đáp trả' chương trình tàu con thoi của Mỹ, Liên Xô cũ mang trên vai giấc mơ không gian với tàu con thoi Buran và siêu tên lửa Energia. Nhưng kích thước khổng lồ của những 'tên lửa vũ trụ' này không thể phù hợp với cơ sở hạ tầng sẵn có để vận chuyển đến Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan ngày nay, cách cảng biển gần nhất hàng nghìn dặm.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô xem xét mọi phương thức giao thông có thể hình dung được, bao gồm cả những đường cao tốc quá khổ và thậm chí là một tuyến đường sắt được mở rộng quy mô. Nhưng các phương án thực tế này nhanh chóng bị thu hẹp và cuối cùng chỉ còn vận tải hàng không. Nhưng không có máy bay Liên Xô nào hiện có gần như đủ khả năng để mang trọng tải lớn như vậy. Máy bay trực thăng Mi-26 hoàn toàn mới có sức nâng tới 26 tấn, nhưng trong một chuyến bay thử nghiệm, một sự xáo trộn nhỏ đã gây rung lắc đáng ngại cho hàng hóa mô phỏng.

Thay vào đó, các kỹ sư Liên Xô lần đầu tiên cân nhắc giao nhiệm vụ vận chuyển Buran cho An-124 Ruslan, bay lần đầu tiên vào năm 1982. Nhưng các nghiên cứu ban đầu tại Phòng thiết kế Antonov ở Kiev (thủ đô và là thành phố lớn nhất Ukraine) đã nhanh chóng cho thấy rằng phần sau của tên lửa Buran sẽ làm rối loạn luồng không khí xung quanh bộ ổn định thẳng đứng khổng lồ của máy bay. Vì vậy, để khắc phục sự cố, người ta đã đề xuất một phần mở rộng dài bảy mét vào thân máy bay An-124 Ruslan vốn đã rất lớn — nhưng ngay cả điều đó vẫn chưa đủ.

Bí mật quân sự chưa được tiết lộ về chiếc máy bay lớn nhất thế giới Antonov An-225 Mriya bị phá hủy ở Ukraine - Ảnh 2.

Nguyên mẫu bay đầu tiên của An-124, một người anh em họ hàng gần gũi với An-225.

Với kế hoạch trang bị thêm cho An-124 đang đi vào ngõ cụt, Liên Xô bắt đầu xem xét một chiếc máy bay thậm chí còn lớn hơn. Chiếc máy bay 'quái dị' này sẽ giống như An-124, nhưng sử dụng động cơ phản lực. Dự án được biết đến với tên mã 'Article-400', một cái tên giống như tên mã ban đầu của Ruslan là 'Article-200'.

'Article-400' sau này được gọi là An-225. Đúng như tên gọi, An-225 chở được 225 tấn hàng hóa bên trong (một tàu quỹ đạo Buran đầy tải chỉ nặng hơn 100 tấn và sẽ cưỡi trên lưng nó). Các kỹ sư tại Phòng thiết kế Antonov thậm chí còn xem xét phát triển một chiếc máy bay lớn hơn, được gọi là Gerakl (Heracles), có thể dùng làm bệ phóng bay cho một máy bay vũ trụ lớn. Nhưng chiếc máy bay này không bao giờ thành hiện thực.

Cuối cùng, An-225 là sự 'đặt cược' tốt nhất của Liên Xô, nhưng sự phát triển của nó lúc bấy giờ 'tụt hậu' rất nhiều so với Buran và Energia, vì vậy các kỹ sư đã tìm kiếm một giải pháp tạm thời, trang bị thêm một máy bay ném bom cũ thành một máy bay vận tải con thoi có tên VM-T Atlant (một biến thể của máy bay ném bom hạng nặng M-4 Molot, được thiết kế dành riêng cho nhiệm vụ vận tải cấp chiến lược, di chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng tới Sân bay vũ trụ Baikonur. Nhiệm vụ chính là phục vụ Chương trình Buran, nên trong nhiều trường hợp VM-T đã cõng luôn tàu con thoi tới Sân bay vũ trụ Baikonur, bên cạnh việc vận chuyển các linh kiện tên lửa đạn đạo và tên lửa đẩy vũ trụ).

Tái sinh 'một con quái vật'

Bí mật quân sự chưa được tiết lộ về chiếc máy bay lớn nhất thế giới Antonov An-225 Mriya bị phá hủy ở Ukraine - Ảnh 3.

Khung của một chiếc An-225 thứ hai chưa hoàn thành ở Kiev ngày 7 tháng 9 năm 2016.

Năm 1985, Antonov nhận được đơn đặt hàng chính thức từ Bộ Quốc phòng Liên Xô để phát triển An-225. Petr Balabuev, được biết đến với cái tên PV, được giao phụ trách dự án và Anatoly Vovnyanko là người quản lý thực hành việc phát triển máy bay.

Balabuev đã buộc Vovnyanko phải bám sát nguyên mẫu An-124 Ruslan càng tốt — nhưng điều đó không hề dễ dàng. Trong động thái tận dụng triệt để nhất, phần trung tâm của cánh An-124 Ruslan đã được thiết kế lại để chứa ba động cơ thay vì hai động cơ. Cửa chất hàng và thang lên phía sau của An-124 cũng được loại bỏ nhằm giảm trọng lượng để có thêm sức mạnh về cấu trúc. Số lượng cụm bánh đáp ở hai bên thân máy bay được tăng từ 10 lên 14, và ba hàng bánh cuối cùng có đủ tải trọng để chiếc máy bay khổng lồ có thể quay đầu trên đường băng.

Để duy trì sự cân bằng, phần phía trước của thân máy bay ban đầu của An-124 Ruslan đã được kéo dài thêm tám mét, nhưng phần phía sau đã được rút ngắn một mét để bù đắp cho bộ ổn định kép nặng của máy bay. Vovnyanko tin rằng An-225 cần đuôi kép để có độ ổn định tốt hơn khi chở hàng (Cánh đuôi kép là cần thiết khi chuyên chở những hàng hóa rất lớn và nặng ở bên ngoài, tải ngoài này sẽ ảnh hưởng tới tính năng khí động học của một cánh đuôi quy ước) và cung cấp đủ tĩnh không (phạm vi không khí xung quanh trường bay) để phóng tàu con thoi mini 9A-10485 tối mật, sau này được gọi là MAKS. Ngay từ đầu, các nhà phát triển đã hình dung chiếc máy bay này không chỉ là một chiếc máy bay vận tải mà còn là bệ phóng bay cho các phương tiện vũ trụ trong tương lai.

Chương trình An-225 chỉ mất hai năm để hoàn thành, nhưng nó mất gấp đôi thời gian để bay thử nghiệm. Chiếc máy bay cuối cùng đạt tải trọng 640 tấn, quá lớn đến nỗi Antonov không có nhà chứa máy bay thích hợp cho nó, vì vậy máy bay phải được đặt theo đường chéo bên trong hội trường lắp ráp cuối cùng của nó. Tất cả các thành phần chính của nó phải được chuyển trực tiếp đến địa điểm vào đúng thời điểm bay thử nghiệm vì không có không gian nhà kho để lưu trữ chúng.

Để được chính thức triển khai vào ngày 30 tháng 11 năm 1988, các chuyên gia đã phải tra dầu các tầng để máy bay quay dọc theo đường tâm của hội trường. Vì kích thước khổng lồ, chiếc máy bay đã bị kẹt khi được đưa ra khỏi nhà chứa máy bay lúc bắt đầu buổi thử nghiệm đầu tiên.

Vào thời điểm ra mắt công chúng, An-225 được đặt tên là "Mriya", có nghĩa là "giấc mơ" trong tiếng Ukraine. Đây là lần đầu tiên một chiếc máy bay Liên Xô mang tên tiếng Ukraine, phản ánh quá trình tự do hóa đang diễn ra trong xã hội Liên Xô dưới thời nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev. Gorbachev và phu nhân Raisa đã đến để tận mắt chiêm ngưỡng 'cỗ máy lộng lẫy' này.

Vào ngày 21 tháng 12 năm 1988, phi công Aleksandr Galunenko đã lần đầu tiên bay thử nghiệm An-225 Mriya ra khỏi sân bay Gostomel gần Kiev. Theo Galunenko, chiếc máy bay này đã lập tới 110 kỷ lục thế giới trong các chuyến bay thử nghiệm ban đầu.

Cảnh quay độc đáo về việc xây dựng và triển khai AN-225

Bí mật quân sự chưa được tiết lộ về chiếc máy bay lớn nhất thế giới Antonov An-225 Mriya bị phá hủy ở Ukraine - Ảnh 5.

Chuyến bay đầu tiên của An-225 Mriya vào ngày 21 tháng 12 năm 1988.

Kế hoạch tìm kiếm sứ mệnh 'bá chủ ngành công nghiệp hàng không vũ trụ tương lai'

Nhiệm vụ ban đầu của An-225 là mang tàu con thoi Buran và siêu tên lửa Energia của nó trên lưng từ các nhà máy sản xuất ở Nga và Ukraine đến sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Tàu Mriya cũng sẽ vận chuyển tàu con thoi Buran nếu nó hạ cánh tại một trong những đường băng dự phòng của Liên Xô. Do kích thước khổng lồ, An-225 sẽ là cách duy nhất để đưa tàu quỹ đạo quay trở lại Baikonur trong một sớm một chiều.

Bí mật quân sự chưa được tiết lộ về chiếc máy bay lớn nhất thế giới Antonov An-225 Mriya bị phá hủy ở Ukraine - Ảnh 6.

An-225 mang theo tàu con thoi Buran ngay sau chuyến bay đầu tiên năm 1988.

Nhưng An-225 đã ra đời quá muộn. Tàu quỹ đạo Buran đã thực hiện chuyến bay đầu tiên - và cuối cùng - chỉ một tháng trước khi Mriya bay lên bầu trời và quân đội Liên Xô ngày càng thiếu thốn tiền bạc dẫn đến mất hứng thú với dự án Energia-Buran đắt đỏ.

Bất chấp điều đó, chiếc máy bay lớn nhất thế giới đã đến Sân bay vũ trụ Baikonur vào ngày 13 tháng 5 năm 1989 và thực hiện một chuyến bay thử nghiệm với tàu quỹ đạo Buran trên lưng nó. Sau đó, nó chở tàu con thoi của Liên Xô tới Triển lãm Hàng không Paris ở Le Bourget, nơi những khán giả kinh ngạc, và không ngừng bắt đầu tưởng tượng rằng sự xuất hiện ấn tượng này thực sự là bước đệm cho 'khúc khải hoàn' của tàu con thoi Buran. Nhưng cuối cùng nó lại là khởi đầu cho thời gian nghỉ hưu dài ngày của An-225 Mriya -giấc mơ bá chủ ngành công nghiệp hàng không vũ trụ tương lai.

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 và ngành công nghiệp hàng không vũ trụ thời hậu Xô Viết phải vật lộn để tồn tại, nhiều cách sử dụng kỳ lạ (thậm chí kỳ quặc) khác nhau cho An-225 đã được đề xuất. Một ý tưởng liên quan đến việc chuyển đổi An-225 Mriya thành máy bay phản lực chở khách ba tầng, hoàn chỉnh với phòng ngủ riêng, trung tâm mua sắm và sòng bạc.

Các dự án không gian khác ở Nga, Ukraine và Vương quốc Anh vẫn để mắt tới Mriya và lên kế hoạch phát triển An-225 lên An-325 - như một bệ phóng bay cho một thế hệ máy bay không gian mới. Một ý tưởng đã hình dung ra một biến thể 18 động cơ dựa trên thân máy bay khổng lồ của An-225, nhưng ý tưởng này chưa bao giờ rời khỏi bàn vẽ.

Bí mật quân sự chưa được tiết lộ về chiếc máy bay lớn nhất thế giới Antonov An-225 Mriya bị phá hủy ở Ukraine - Ảnh 7.

Các kế hoạch cho biến thể thân máy bay chiến đấu của An-225. Ý tưởng này không bao giờ rời khỏi bảng vẽ.

Ba năm sau chuyến bay đầu tiên, An-225 có chuyến thăm đầu tiên tới Hoa Kỳ trong nhiệm vụ vận động viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân thảm họa Chernobyl. Thật không may, chuyến bay đã gặp sự cố kỹ thuật có thể gây thiệt hại nặng và buộc phải hạ cánh.

Nhưng đó không phải là dấu chấm hết cho "giấc mơ" của Liên Xô. Cục thiết kế Antonov đã hồi sinh An-225 vào đầu thế kỷ này, trang bị lại cho nó thành một tàu bay thương mại chở hàng quá khổ. Công ty cũng quảng cáo kế hoạch hoàn thành chiếc An-225 thứ hai có 'bộ xương' đã bám đầy bụi trong ba thập kỷ tại một cửa hàng lắp ráp gần Kiev (nhưng có rất ít hy vọng rằng An-225 sẽ có một người anh em). Bất chấp một lịch sử đầy khó khăn, chiếc Mriya ban đầu vẫn cho thấy một sự nhanh nhẹn đáng kinh ngạc bậc nhất gần như chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không ngay cả khi nó không còn là máy bay lớn nhất thế giới.

Bí mật quân sự chưa được tiết lộ về chiếc máy bay lớn nhất thế giới Antonov An-225 Mriya bị phá hủy ở Ukraine - Ảnh 8.

Máy bay Antonov-225 Mriya hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Warsaw Chopin vào ngày 14 tháng 4 năm 2020, được chất đầy các thiết bị y tế để giúp chống lại virus Corona.

Ngày nay, An-225 vẫn đang tỏ ra hữu ích trong cuộc chiến chống lại COVID-19 đang diễn ra. Theo Tạp chí Giao thông vận tải Mỹ, vào ngày 13/4/2020, chiếc máy bay cũ của Liên Xô đã chuyển 100 tấn vật tư y tế đến Warsaw, Ba Lan, trở thành chuyến vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không lớn nhất trong lịch sử. Thậm chí 31 năm sau, An-225 vẫn đang phá kỷ lục. An-225 đang giữ 240 kỷ lục hàng không thế giới. Nó cũng là máy bay nặng nhất và có sải cánh lớn nhất trong lịch sử.


Hoàng Việt (popularmechanics)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem