Bị Mỹ đưa vào vùng cấm, cổ phiếu ngành thép... hoang mang

Quốc Hải Thứ năm, ngày 22/02/2018 20:12 PM (GMT+7)
Trong báo cáo đệ trình lên Tổng thống Donald Trump mới đây, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross đưa ra một số đề xuất nhằm ngăn chặn nguồn nhôm, thép toàn cầu đổ vào nước này. Thông tin này lại tiếp tục khiến cổ phiếu ngành thép hoang mang khi cả 2 mặt hàng nhôm, thép của Việt Nam đều bị đẩy vào “vùng cấm”.
Bình luận 0

img

Cổ phiếu ngành thép có thể sẽ bị ảnh hưởng thời gian tới bởi đề xuất của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (Ảnh: IT)

Theo Reuters, đề xuất của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra mức thuế nhập khẩu từ 53% trở lên cho toàn bộ các sản phẩm thép từ 12 nước, gồm: Brazil, Trung Quốc, Costa Rica, Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia, Nga, Hàn Quốc, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Về sản phẩm nhôm, thuế nhập khẩu là 23,6% cho mọi đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga, Hồng Kông, Venezuela và Việt Nam.

Tổng thống Donald Trump sẽ có quyết định cuối cùng về đề xuất này, hạn chót là đến ngày 11.4 đối với mức thuế suất nhập khẩu thép, và ngày 20.4 cho các vấn đề khác liên quan đến thép. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại những thông tin này khiến cổ phiếu ngành thép tiếp tục có những biến động trong phiên giao dịch đầu năm Mậu Tuất 2018.

Cụ thể, trong phiên giao dịch hôm nay 22.2, phiên giao dịch thứ 2 sau kỳ nghỉ tết Mậu Tuất 2018, hàng loạt các mã cổ phiếu ngành thép giảm điểm.

Chẳng hạn, cổ phiếu HPG của “ông lớn” Hòa Phát có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp sau kỳ nghỉ tết, giảm về mức giá 59.100 đồng/CP (-900 đồng/CP, -1,5%) so với phiên giao dịch ngày hôm trước. Tuy nhiên, mức giá này của HPG vẫn còn khá cao so với thời điểm mà phía Hoa Kỳ tuyên bố áp dụng mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc vào hồi đầu tháng 12.2017 vừa qua (ngày 5.12). Thời điểm đó, cổ phiếu HPG chỉ giao dịch quanh vùng giá 40.000 đồng/CP và liên tục “đỏ sàn”.

Dù vậy, theo nhận định của một số chuyên gia chứng khoán, đề xuất của Bộ Thương mại Hoa Kỳ với Tổng thống Donald Trump mới đây có thể sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu HPG. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng có lẽ không đáng kể bởi kết quả kinh doanh năm 2017 của HPG khá ấn tượng với mức kinh doanh cao kỷ lục với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016. Doanh thu cả năm đạt 46.162 tỷ đồng, tăng trưởng 43% so với năm 2016 và vượt 11,5% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 8.015 tỷ đồng, tăng hơn 1.400 tỷ đồng so với cùng kỳ tương ứng mức tăng trưởng trên 21% và vượt 33,5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Một mã cổ phiếu ngành thép khác cũng giảm điểm trong phiên giao dịch hôm nay là NKG của Thép Nam Kim. Đóng cửa phiên giao dịch, NKG giảm về mức giá 35.500 đồng/CP (-400 đồng/CP, -1,1%). Mức giá này giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2018 khi NKG đạt mức giá “đỉnh” 44.300 đồng/CP.

Trước đó, thời điểm mà phía Hoa Kỳ tuyên bố áp dụng mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam (5.12.2017), cổ phiếu NKG đã giảm mạnh vì đây là đơn vị xuất khẩu chiếm 43-47% tổng doanh thu ( giai đoạn 2015-2016). Tuy nhiên, sau đó phía NKG lên tiếng về việc nguyên liệu đầu vào của công ty hiện đã chuyển sang nguồn cán nóng (HRC) của Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản - là các nước không nằm trong phạm vi của quyết định - nên giá cổ phiếu NKG đã hồi phục.

Tuy nhiên, đề xuất mới của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra mới đây, cả Ấn Độ, Việt Nam và Hàn Quốc đều nằm trong đề xuất đánh mức thuế nhập khẩu từ 53% trở lên, khiến cổ phiếu NKG có thể sẽ bị ảnh hưởng trong vài phiên tới.

Cổ phiếu DNY của Thép Dana - Ý cũng có phiên giảm điểm nhẹ, từ mức giá 9.300 đồng/CP trong phiên ngày hôm qua, về mức giá 9.200 đồng/CP (-1,1%). Tuy nhiên, mức giá này vẫn tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2018 khi DNY chỉ giao động quanh vùng giá 7.500 - 7.800 đồng/CP.

Đáng chú ý, trong 2 phiên giao dịch đầu năm mới Mậu Tuất 2018, cổ phiếu HSG của “ông lớn” Hoa Sen lại tăng điểm. Hiện, cổ phiếu HSG đạt mức giá 24.550 đồng/CP (+1,4%). Tuy nhiên, mức giá này lại giảm so với thời điểm đầu năm 2018 khi cổ phiếu HSG thời điểm đó đạt mức giá “đỉnh” 28.650 đồng/CP. Nguyên nhân là vì HSG công bố kết quả kinh doanh năm 2017 với doanh thu đạt 26.148 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng trên 52% so với năm 2016. Tuy nhiên do chi phí cho giá vốn và chi phí bán hàng cao nên lợi nhuận sau thuế còn 1.331 tỷ đồng, giảm 11,5% so với năm 2016.

Thời gian tới, nếu Hoa Kỳ chính thức thông qua đề xuất của Bộ Thương Mại, chắc chắn cổ phiếu HSG sẽ bị ảnh hưởng bởi theo số liệu hải quan, từ năm 2012 tới nửa đầu 2016, HSG là một trong hai doanh nghiệp xuất khẩu thép carbon chống ăn mòn sang Mỹ nhiều nhất (cùng với Công ty TNHH Kinh doanh Nippon Steel & Sumikin Việt Nam).

Xuất khẩu Thép từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến

Theo số liệu Hải quan, nếu như năm 2014, Việt Nam mới chỉ xuất được 35 ngàn tấn sắt thép các loại sang Mỹ trong tổng số 2,6 triệu tấn xuất khẩu ra thế giới trong năm (chiếm 1,3% trong tổng lượng sắt thép Việt Nam xuất ra thế giới). Thì đến năm 2015, con số này đã nhảy vọt lên nhiều lần  khi đạt tới 207 ngàn tấn (chiếm 8,1% trong tổng lượng sắt thép Việt Nam xuất ra thế giới) và đặc biệt là năm 2016 xuất khẩu sang Mỹ tới 931 ngàn tấn (chiếm 26,8%), trước khi dịu đi vào năm 2017 (khoảng 523 ngàn tấn và chiếm tỷ lệ 11,1% tổng lượng sắt thép Việt Nam xuất khẩu).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem