Bị phản ánh "giao đất không qua đấu giá", UBND tỉnh Bình Thuận họp báo "phản pháo"

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 18/11/2020 17:27 PM (GMT+7)
Chiều 18/11, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo, cung cấp những thông tin liên quan đến các dự án trên địa bàn tỉnh. Đây là các dự án vừa qua được báo chí phản ánh có sự “bất thường, ưu ái” của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là "giao cho doanh nghiệp nhưng không qua đấu giá"...
Bình luận 0
Bình Thuận: Họp báo cung cấp thông tin liên quan đến các dự án“lùm xùm” báo chí nêu - Ảnh 1.

Dự án du lịch Biển Quê Hương tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Trước đó khu này là rừng dương được UBND tỉnh giao cho doanh nghiệp không qua đấu giá. Ảnh: CTV

Giao đất trồng phi lao cho doanh nghiệp làm du lịch nhưng không đấu giá 

Cuộc họp do ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, với sự tham dự của nhiều cơ quan báo chí, cùng các cơ quan, ban ngành liên quan tỉnh Bình Thuận.  

Tại cuộc họp, UBND tỉnh Bình Thuận đã cung cấp thông tin liên quan đến một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh được các cơ quan báo chí phản ánh vừa qua.

Đó là các dự án: Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam và xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết); Dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn (phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết); Dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị (phường Đức Long, TP.Phan Thiết); Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 của Công ty cổ phần Tân Việt Phát.

Bị báo chí phản ảnh giao đất cho doanh nghiệp nhưng không đấu giá, UBND tỉnh Bình Thuận họp báo "phản pháo" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Bùi Phụ

Nóng nhất cuộc họp báo là dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương. Bởi liên tục khoảng 1 tuần qua, nhiều cơ quan báo chí Trung ương phản ánh: UBND tỉnh Bình Thuận đã bàn giao hơn 12,5ha đất rừng phòng hộ, tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, cho Công ty CP Giao nhận Vận tải và Hóa chất Việt Nam để làm khu dịch vụ du lịch, nhưng không tổ chức đấu giá rộng rãi, khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch của dự án...

Dự án Biển Quê Hương hình thành từ khu vực đất rừng, đất công, nhưng không thông qua đấu giá là chưa đúng. Việc giao, cho thuê đất không thông qua đấu giá thì tổ chức, cá nhân phải trả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo giá quy định...

Tỉnh khẳng định làm đúng!

Bị báo chí phản ảnh giao đất cho doanh nghiệp nhưng không đấu giá, UBND tỉnh Bình Thuận họp báo "phản pháo" - Ảnh 3.

Hơn 40 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương cử PV tham dự cuộc họp báo. Ảnh: Bùi Phụ

Trước những thông tin này, UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, dự án Biển Quê Hương tỉnh thực hiện đúng quy định pháp luật. Vùng đất này, trong đó có hơn 7ha cây phi lao do UBND xã Thuận Quý trồng vào năm 1995 từ nguồn ngân sách nhà nước nên không phải là rừng phòng hộ. Phần còn lại là đất bãi ngang ven biển Tiến Thành - Thuận Quý. Qua ra soát, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác đối với diện tích hơn 7ha đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 19 Luật Lâm nghiệp.   

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án Biển Quê Hương của Công ty TNHH Biển Quê Hương (tiền thân Công ty cổ phần Giao nhận Vận tải và Hóa chất Việt Nam) được UBND tỉnh Bình Thuận cấp quyết định đầu tư số 5579 (ngày 5/12/2016). 

Hồ sơ được thẩm định nhu cầu sử dụng đất; điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án Biển Quê Hương tại Công văn số 3885/STNMT-CCQLĐĐ ngày 6/10/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường trong đó có xác định: Khu đất diện tích 12,45ha là đất do UBND xã Thuận Quý quản lý, quỹ đất của địa phương đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của dự án.

Đồng thời, theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì huyện Hàm Thuận Nam thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư; căn cứ Điều 110, Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì khu đất này không phải đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngày 19/9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường có Tờ trình số 654/TTr-STNMT gửi UBND tỉnh Bình Thuận về việc giao đất cho Công ty cổ phần Giao nhận Vận tải và Hóa chất Việt Nam thuê đất để thực hiện dự án Biển Quê Hương. 

Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 2590/QĐ-UBND cho doanh nghiệp này thuê đất diện tích 104.811,3m² tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam với mục đích sử dụng đất là đất thương mại dịch vụ; thời hạn sử dụng đất là từ ngày ký quyết định đến hết ngày 5/12/2066; hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao cho Công ty cổ phần Giao nhận Vận tải và Hóa chất Việt Nam diện tích 20.608,5m² đất tại xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết để đầu tư các hạng mục mục đích công cộng với mục đích sử dụng đất là đất khu vui chơi, giải trí công cộng; thời hạn sử dụng đất cũng từ ngày ký quyết định đến hết ngày 5/12/2066; hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

 Vì sao được miễn tiền thuê đất?

UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, đối với phần diện tích 104.811,3m² tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, theo Phụ lục II của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ thì huyện Hàm Thuận Nam là địa bàn ưu đãi đầu tư.

UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng căn cứ điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định: "Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 2 Điều này, cụ thể: Bảy (7) năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Dự án này được miễn tiền thuê đất (có thời hạn) nên căn cứ Điều 110, Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 thì dự án thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nên không phải đấu giá quyền sử dụng đất".

UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, trước đó ngày 29/32019, Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có Công văn số 537/TCQLĐĐ-CKTPTQĐ và Công văn số 143/CQHĐĐ-PGĐ ngày 16/5/2019 hướng dẫn và ý kiến việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại Điều 110 Luật Đất đai năm 2013 thì thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định, phần diện tích 2,06ha tại xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết cũng không phải áp dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Tại cuộc họp ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lưu ý, với tinh thần thẳng thắn, nên đề nghị các PV cần phải trao đổi rõ ràng minh bạch. "Nếu thấy tỉnh Bình Thuận sai với mục nào, điều luật nào thì nên chỉ rõ ra để tỉnh biết thêm...", ông Hòa nói.  

Thế nào là rừng phòng hộ, rừng phi lao?

PV Đức Trong - Báo Tuổi trẻ TP.HCM đặt câu hỏi: UBND tỉnh khẳng định hơn 7ha đất trồng phi lao không phải rừng phòng hộ thì đề nghị tỉnh xác định lại thời điểm 1995 xã Thuận Quý trồng phi lao để làm gì?

Bị báo chí phản ảnh giao đất cho doanh nghiệp nhưng không đấu giá, UBND tỉnh Bình Thuận họp báo "phản pháo" - Ảnh 4.

PV Đức Trong - Báo Tuổi trẻ TP.HCM nêu câu hỏi. Ảnh: Bùi Phụ

Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận trả lời: Trước đây vùng này hoang hóa nên Nhà nước có chủ trương cho trồng loại cây này để phủ xanh chứ thời đó chưa có khái niệm rõ ràng vể rừng phòng hộ...

Bị báo chí phản ảnh giao đất cho doanh nghiệp nhưng không đấu giá, UBND tỉnh Bình Thuận họp báo "phản pháo" - Ảnh 5.

Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận trả lời. Ảnh: Bùi Phụ

PV Hoàng Tuấn - Báo Nhà báo và Công luận đặt câu hỏi: Cần xác định thế nào là rừng dương và thế nào là rừng phi lao? 

Việc này, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ trả lời sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem