Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng: "Tiền không giải ngân được, người dân cứ nghèo, cán bộ thì chỉ qua chỉ lại"

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 16/03/2023 18:35 PM (GMT+7)
"Vốn Trung ương cấp, cơ bản giải ngân tốt nhưng vốn mà HĐND tỉnh thông qua, vẫn còn tầm ngàn tỷ chưa giải ngân được, tiền thì có sẵn", Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng nói và phê bình tình trạng nhiều chương trình tiền không giải ngân được, người dân cứ nghèo, còn cán bộ thì "chỉ qua chỉ lại".
Bình luận 0

5 vấn đề chính khiến "tiền thì có sẵn nhưng chưa giải ngân được"

Ngày 16/3, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đã tổ chức phiên họp thứ 6.

Tại phiên họp này, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, đối với vốn đầu tư công trung hạn, Bình Định là một trong những tỉnh bố trí nguồn lực, cho đầu tư công rất lớn. Đặc biệt, là nguồn Trung ương hỗ trợ, nếu như tính con số tuyệt đối thì tỉnh này, đứng tốp đầu cả nước. Đây là nỗ lực rất lớn, Bình Định được Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá rất cao việc đầu tư hạ tầng, đầu tư "ra tấm ra món".

"Do nguồn lực lớn nên đòi hỏi sự nỗ lực, cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung đầu tư phát triển, nên trách nhiệm đặt ra rất nặng nề. So với vốn Trung ương cấp, cơ bản giải ngân tốt nhưng vốn mà HĐND tỉnh thông qua vẫn còn tầm ngàn tỷ chưa giải ngân được, tiền có sẵn nhưng chưa giải ngân được. Đây là vấn đề tồn tại, cần khắc phục", ông Hồ Quốc Dũng nhìn nhận.

Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng: "Tiền không giải ngân được, người dân cứ nghèo, cán bộ thì chỉ qua chỉ lại" - Ảnh 1.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định Đinh Văn Lung phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo ông Hồ Quốc Dũng, qua thực tế có 5 vấn đề chính "nổi" lên, đòi hỏi phải có biện pháp tháo gỡ. 

Thứ nhất là công tác chuẩn bị đầu tư kém dẫn đến bất cập, theo kiểu "nay chỉnh cái này, mai sửa cái khác", không thể giải ngân được.

Thứ hai là khâu giải phóng mặt bằng chưa quyết liệt. Ông Hồ Quốc Dũng dẫn chứng, hôm qua, ông cùng Bí thư Thành uỷ Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng dành cả buổi sáng để đi thực tế một vòng Quy Nhơn. Hiện tại, còn rất nhiều vướng mắc, nhiều chỗ gần như bị tắc hết, nếu không tập trung tháo gỡ thì không thể giải ngân được. Thậm chí, có nơi chỉ còn 1 - 2 hộ dân nhưng cứ để tồn tại đến 3 năm và "không có chính sách, không có quy định, không ai làm gì".

Thứ ba là năng lực đơn vị tư vấn gắn với chủ đầu tư, do chọn đơn vị tư vấn không đáp ứng được yêu cầu dẫn đến việc "nay sửa này, mai sửa khác", "thiếu cái này, thiếu cái kia".

Thứ tư là năng lực chủ đầu tư, nhiều chủ đầu tư gần như không nắm được quy trình, rất lần quần, mất rất nhiều thời gian để giải quyết một vướng mắc.

Thứ năm là các quy định của pháp luật, còn bất cập chồng chéo, rất nhiều thủ tục nhiêu khê, dẫn đến chậm trễ.

Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng: "Tiền không giải ngân được, người dân cứ nghèo, cán bộ thì chỉ qua chỉ lại" - Ảnh 2.

Tại phiên họp này, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định nghe báo cáo giải trình về 2 nội dung chính gồm: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và kế hoạch giải ngân năm 2023. Kết quả giải ngân triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia gồm: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2023. Ảnh: Dũ Tuấn

Tiền không giải ngân được, người dân cứ nghèo, cán bộ thì "chỉ qua chỉ lại"

Đánh giá về việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia tại Bình Định, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định cho rằng, rất trì trệ, tỷ lệ giải ngân rất thấp và cách vận hành không ổn. Thậm chí, có trường hợp làm cho xong để tiêu cho hết tiền nhưng không "mổ xẻ" cụ thể.

"Như huyện miền núi An Lão, câu hỏi đặt ra là vì sao từ năm 2009 đến nay, vẫn không thoát được nghèo. Cả huyện hơn 9.000 hộ dân với 33.000 nhân khẩu, 69.000ha đất nhưng chỉ có 10.000ha đất sản xuất, còn lại rừng núi. 

Bình quân 1 hộ dân chỉ có 1ha đất nhưng chủ yếu trồng keo, mỗi năm thu về khoảng 20 triệu đồng, mỗi nhà ít nhất 3 - 4 người thì mỗi người chỉ 5 triệu", Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định dẫn chứng. 

Theo ông Hồ Quốc Dũng, 3 vấn đề mấu chốt về thiếu đất đai, thiếu vốn và kỹ thuật canh tác, nếu không giải quyết được thì người dân vẫn mãi nghèo.

Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng: "Tiền không giải ngân được, người dân cứ nghèo, cán bộ thì chỉ qua chỉ lại" - Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng: "Tiền không giải ngân được, người dân cứ nghèo, cán bộ thì chỉ qua chỉ lại". Ảnh: Dũ Tuấn

"Nhiều chương trình tiền không giải ngân được, người dân thì cứ nghèo, cán bộ thì chỉ qua chỉ lại. Mở đường mở sá, làm đủ thứ nhưng người dân không có đất sản xuất thì mở làm gì", ông Hồ Quốc Dũng đặt vấn đề và cho biết: "Những năm trước tiền rất nhiều nhưng không giải ngân được, cứ mãi kéo dài ngàn tỷ không giải ngân được. Tới đây, sẽ đi đến cùng sự việc, kiên quyết xử lý những nơi không làm được, "ngâm, tắc" ở đâu thì xử lý ở đấy, chỗ nào trì trệ phải chấn chỉnh. Kiên quyết thay thế một số ở vị trí công tác lâu năm, cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn phiền hà, cán bộ không chịu làm việc".

Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng: "Tiền không giải ngân được, người dân cứ nghèo, cán bộ thì chỉ qua chỉ lại" - Ảnh 4.

Bình Định sẽ thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Ảnh: Dũ Tuấn

Người đứng đầu Tỉnh uỷ Bình Định lo ngại, nếu thực hiện các chương trình, không có sự phối hợp chi tiết, "mạnh ai nấy làm" thì người dân vẫn cứ nghèo. 

"Như xã An Toàn 285 hộ dân thì 265 hộ nghèo, còn lại hơn 10 hộ cận nghèo, còn nữa là hộ khó khăn. 10 năm nay vẫn như thế, mô hình làm đủ thứ nhưng tại sao người dân không thoát nghèo được? Việc giải ngân thấp, thực hiện chưa mang lại hiệu quả. Làm đủ thứ chương trình, mô hình nhưng người dân thì vẫn nghèo như thế, cần suy nghĩ lại, để tới đây làm tốt hơn", ông Hồ Quốc Dũng nói và đề nghị, UBND tỉnh phải xây dựng cơ chế chính sách để phối hợp kép, 3 cơ quan, lĩnh vực gồm: Lao động, nông nghiệp, dân tộc phải phối hợp, lồng ghép lại với nhau tạo ra một tổng thể hoàn hảo. 

Để tăng giải ngân trong thời gian đến, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc yêu cầu, phải có kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng quý, kể cả đầu tư tập trung và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Giải ngân vốn đầu tư, phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. HĐND tỉnh Bình Định giám sát cùng với UBND, các sở ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, xử lý nghiêm trách nhiệm việc "chậm thực hiện, không hoàn thành nhiệm vụ". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem