img

rong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy huyện Lục Ngạn vẫn còn nhớ những ngày tháng căng mình chống dịch. Nhưng ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, trái ngọt của đất Lục Ngạn vẫn kiêu hãnh đến được nhiều thị trường trong và ngoài nước bằng con đường rộng mở.


Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh: Kỳ vọng "vựa" trái cây Lục Ngạn sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái  - Ảnh 3.

Quay về thời điểm năm 2021, khi Lục Ngạn bùng dịch Covid-19 trùng thời điểm thu hoạch chính vụ vải thiều. Bằng những nỗ lực, cách làm sáng tạo ca chính quyền, nhân dân trong huyện, Lục Ngạn vẫn có một vụ vải thiều thắng lợi.

Lục Ngạn đang bước vào chính vụ thu hoạch vải thiều, dù vẫn còn khó khăn ở thị trường chính Trung Quốc nhưng so với vụ thu hoạch năm 2021 thì vụ vải thiều năm 2022 đang mở ra nhiều cơ hội. Chắc hẳn lúc này ông vẫn chưa thể quên những ngày tháng vừa căng mình chống dịch va lo tiêu thụ một lượng khổng lồ vải thiều của nhân dân thời điểm năm 2021?

- Phải khẳng định, không riêng tôi, người dân Bắc Giang nào cũng dành tình yêu cho trái vải. Từ tình yêu với trái vải thiều mà từ tỉnh đến cơ sở thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, cùng nỗ lực nâng cao chất lượng, hình ảnh trái vải, cùng đưa trái vải vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh: Kỳ vọng "vựa" trái cây Lục Ngạn sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái  - Ảnh 4.

Hơn 1 năm trước, Bắc Giang là tâm dịch của cả nước, trong đó Lục Ngạn là tâm dịch của Bắc Giang. Thời điểm đó (ngày 20/6), dịch Covid-19 bùng phát ở một số xã của huyện. Với quyết tâm của hệ thống chính trị, nói không với giải cứu, nâng niu giá trị nông sản, chúng tôi đặt quyết tâm "chống dịch để tiêu thụ vải thiều, tiêu thụ vải thiều để chống dịch".

Phải nói năm 2021 có nhiều đặc biệt, có 3 cái nhất: sản lượng vải lớn nhất (165.000 tấn), xuất khẩu nhiều nhất (145.000 tấn), tiêu thụ nhanh nhất. Chúng tôi xác định tiêu thụ nhanh để quay về chống dịch nên có những ngày Lục Ngạn tiêu thụ 10.000 tấn vải trong điều kiện áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ngặt nghèo.

Không những thế, chúng tôi không làm lây dịch từ Lục Ngạn đi bất kỳ đâu dù mỗi ngày có 5.000 xe đến huyện. Những gia đình F0, F1 được hỗ trợ tiêu thụ, không bỏ vải chín đỏ trên cây bằng chính sách của huyện là xây dựng các tổ đổi công, phát động phong trào với 800 tổ đổi công trên toàn huyện.

Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để nỗ lực hạn chế lây nhiễm dịch trong cộng đồng, các lái xe được ưu tiên tiêm phòng, được xét nghiệm để đảm bảo an toàn. Đến thu mua vải, lái xe không phải xuống xe, đã có tổ an toàn Covid bê vải lên, đầy thì di chuyển, thanh toán qua điện tử, trung gian.

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh: Kỳ vọng "vựa" trái cây Lục Ngạn sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái  - Ảnh 5.

Hẳn thời điểm đó, ông và đội ngũ lãnh đạo huyện có nhiều đêm mất ngủ?

- Lúc đó tôi là Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của huyện, 4 tháng liền không về nhà, cứ 4 giờ sáng anh em đi chỉ đạo phòng chống dịch, tiêu thụ vải; 9 giờ đêm họp rút kinh nghiệm, 12 giờ kết thúc mới ăn cơm, có khi chỉ ngủ được vài ba tiếng, anh em nào cũng vậy.

Tôi được chứng kiến có những thôn ở vùng sâu vùng xa, nhiều cán bộ cống hiến hết mình vì công cuộc phòng chống dịch, tiêu thụ vải cho bà con. Tôi nhớ câu chuyện của đồng chí Trưởng thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, là thành viên tổ Covid cộng đồng nên dù nhà có chục tấn vải nhưng đồng chí ấy đi suốt, phục vụ nhân dân. Sau khi xã Thanh Hải bùng dịch, phải áp dụng Chỉ thị 16, thôn Cầu Đền còn khoảng 100 tấn vải, chưa bán được quả nào, nhân dân vô cùng xót ruột.

Huyện quyết tâm xây dựng hệ thống tiêu thụ vải cho nông dân, anh em ở huyện, xã ai cũng nhiệt tình, vợ đồng chí Trưởng thôn Cầu Đền còn không cho về nhà vì không quan tâm đến vải của mình. Nhưng khi xã muốn đưa tổ đổi công đến giúp, đồng chí ấy xin với huyện nếu không tiêu thụ kịp vải cho dân ở trong thôn, "gia đình tôi chấp nhận chưa thu hoạch, ưu tiêu cho bà con xong mới đến cán bộ".

Từ đó, anh em mới quyết tâm, trong một đêm khoanh vùng các ca F0, tổ chức thu hoạch cho bà con, 3 đêm là xong. Trưởng thôn đưa số zalo của từng nhà vào nhóm, đến nhà nào thì mang vải ra cửa có lực lượng đến bán cho.

Qua những thời điểm khó khăn, ông nhận thấy cái được lớn nhất là gì?

- Đúng là trong gian khó mới thấy sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị tốt hơn, anh em có khát vọng cống hiến cho nhân dân. Tôi cho rằng đó là một thành công.

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh: Kỳ vọng "vựa" trái cây Lục Ngạn sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái  - Ảnh 6.

Lục Ngạn bước vào vụ thu hoạch vải thiều năm 2022 với nhiều cái mới, cht lượng vải thiều tốt nhất, thị trường rộng mở, đặc biệt là một sản phẩm dịch vụ mới toanh đã hình thành ở đất vải.

Ông đánh giá như thế nào về mùa thu hoạch năm nay, mùa vải năm nay có gi khác so với năm 2021?

- Mùa vải năm nay so với năm 2021 có nhiều đặc biệt. Thứ nhất, vụ thu hoạch vải thiều năm 2022 tiếp tục được mùa lớn. Theo kinh nghiệm dân gian đối với cây vải, thường cứ một năm được mùa sẽ có một năm mất mùa nhưng nhờ bà con nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới nên từ năm 2020 đến nay, cả 3 năm vải đều được mùa, sản lượng khá cao.

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh: Kỳ vọng "vựa" trái cây Lục Ngạn sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái  - Ảnh 7.

Đối với vấn đề tiêu thụ, Lục Ngạn xác định Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính, nhưng do Trung Quốc áp dụng chính sách "zero Covid" nên việc thông quan có khó hơn. Dù vậy, vải thiều vẫn được ưu tiên "luồng xanh" tại cửa khẩu xuất sang Trung Quốc.

Dù có những yếu tố tác động như vậy nhưng ngay từ đầu vụ, xuất khẩu và tiêu thụ vải thiều trong nước vẫn rất khả quan, giá cao so với mọi năm, trung bình đạt tới 30.000- 40.000 đồng/kg đầu vụ. Hiện, vải thiều chính vụ đạt 15.000 – 25.000 đồng/kg (tùy loại), riêng vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản, doanh nghiệp đã vào tận vườn của nông dân ký hợp đồng bao tiêu thu mua với giá 35.000 đồng/kg.

Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương đến tỉnh, triển khai công tác xúc tiến thương mại từ rất sớm. Ngoài thị trường Trung Quốc, tập trung cho thị trường cao cấp nên số lượng vải xuất khẩu sang các thị trường khó tính năm nay tăng đột biến, đặc biệt quan tâm đến thị trường trong nước với gần 100 triệu dân nên dư địa mở rộng thị trường rất tốt.

Hiện, vải thiều Lục Ngạn được đưa vào các chuỗi siêu thị lớn, các hệ thống bán lẻ lớn như Winmart, GO,… đều ký kết với huyện và các đơn vị để đưa vải vào siêu thị. Có thể khẳng định, việc liên kết tiêu thụ được thực hiện bài bản, các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết, kết nối tiêu thụ vải thiều cho nông dân với số lượng lớn, giá cả ổn định. Ngay từ khi vải bắt đầu ra hoa, các doanh nghiệp đã tìm về Lục Ngạn để hợp tác sản xuất với nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã.

Một điểm nhấn đáng chú ý là Lục Ngạn đã và đang thực hiện rất tốt việc chuyển đổi số nông nghiệp, tăng cường đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử. Nếu như năm 2021, năm đầu tiên thực hiện tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử có khoảng 8.000 tấn vải thiều được tiêu thụ qua kênh này thì năm nay lượng tiêu thụ đã tăng lên đáng kể. Tất cả các sàn thương mại điện tử lớn như Vỏ Sò, Postmart, Alibaba,… đều tiếp cận đưa vải lên sàn.

Đáng chú ý, các tập đoàn kinh tế, khu công nghiệp đã kết nối đưa vải thiều vào bữa ăn công nhân sau quá trình đàm phán, kết nối, xúc tiến tiêu thụ của huyện, tỉnh và các ngành chức năng. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến vải thiều được tỉnh và huyện đẩy mạnh, mở ra hướng mới trong tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Một nét rất mới trong việc tiêu thụ, nâng cao chất lượng, hình ảnh trái vải thiều Lục Ngạn là chúng tôi đã xây dựng chuỗi du lịch vải thiều. Ngay năm đầu tiên triển khai nhưng nhiều công ty lữ hành lớn đã đi khảo sát các vùng vải thiều chất lượng cao, tổ chức đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm hái vải thiều, mua sản phẩm vải thiều của địa phương.

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh: Kỳ vọng "vựa" trái cây Lục Ngạn sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái  - Ảnh 8.

2 năm vừa qua, dịch Covid-19 tưởng như sẽ tác động nghiêm trọng đến việc tiêu thụ vải thiều nhưng trong gian khó, vải thiều Lục Ngạn vẫn rộng đường xuất ngoại, thậm chí còn mang lại giá trị kinh tế rất cao. Theo ông, đâu là nguyên nhân làm nên thành công này?

- Đúng là trong 2 năm qua, trong điều kiện dịch Covid-19, sản phẩm vải thiều của Lục Ngạn đã được nhiều thị trường khó tính biết đến, góp phần mang lại thu nhập cao cho người dân. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Trước hết, đó là sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến lãnh đạo tỉnh, toàn hệ thống chính trị vào cuộc nâng cao chất lượng, chung sức tiêu thụ vải thiều.

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh: Kỳ vọng "vựa" trái cây Lục Ngạn sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái  - Ảnh 9.

Muốn tiêu thụ số lượng lớn, được thị trường chấp nhận chúng tôi xác định không còn con đường nào khác phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính chất lượng đã mang lại thương hiệu cho vải thiều Lục Ngạn và được ghi nhận ở những thị trường khó tính. Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm trái cây đầu tiên được Nhật Bản xác nhận chỉ dẫn địa lý.

Để đạt được kết quả này, sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân đóng vai trò quyết định. Những nông dân vốn chỉ làm theo kinh nghiệm nay đã nỗ lực thay đổi, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất đảm bảo quy trình với sự chỉ đạo, hướng dẫn nhiệt tình của cơ quan chuyên môn.

Tôi khẳng định, chất lượng quả vải thiều Lục Ngạn đang tốt nhất từ trước đến nay. Bằng chứng là tại các mã vùng sản xuất được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cấp, khi các doanh nghiệp xuất khẩu đến lấy mẫu ngẫu nhiên thì đều đạt các chỉ tiêu. Theo đó, có 821 chỉ tiêu lấy bất kỳ mẫu nào, ở ngẫu nhiên từng vườn, từng cây đều đạt theo tiêu chuẩn xuất khẩu ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ…

Có thể khẳng định, vải Lục Ngạn sạch 100%, an toàn 100%, đảm bảo xuất khẩu đi tất cả các thị trường. Có được thành công đó là nhờ huyện tích cực xây dựng các mô hình, có hỗ trợ bao bì tem nhãn, truy xuất nguồn gốc.

Có một điều rất dễ nhận thấy ở Lục Ngạn là tư duy sản xuất của người dân đã thay đổi, ngày càng chuyên nghiệp nên trái vải ngày càng có vị thế?

- Cái này là sự lan tỏa, mô hình hay, hiệu quả thì bà con làm theo, người dân Lục Ngạn cũng chịu khó tìm tòi cái mới, các cây – con khi về Lục Ngạn đều phát triển tốt. Ví như cây cam, nguồn gốc cam lòng vàng của Lục Ngạn là cam V2 nhưng khi đưa về địa bàn cho chất lượng vượt trội. Các cơ quan chuyên môn khi về thăm đều ngạc nhiên sao gốc cam to thế. Thực chất, nhiều nơi bà con ghép cam lên gốc bưởi ta giúp cam sinh trưởng tốt, cây khỏe.

Trình độ của nông dân Lục Ngạn còn khiến trong một cây vải bằng kỹ thuật ghép mà có cành là vải chín sớm, có cành là vải chính vụ.

50 năm trước cây vải xuất hiện trên đất Lục Ngạn, vốn lấy từ huyện Thanh Hà (Hải Dương), đầu tiên bà con trồng để ăn sau thấy thích nghi thì nhân rộng. Nhưng có thời điểm phát triển tự phát, bà con chặt vải trồng cây khác. Sau đó chính quyền, nhân dân Lục Ngạn xác định phải xây dựng thương hiệu, từ đó trái vải mới khẳng định được lợi thế.

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh: Kỳ vọng "vựa" trái cây Lục Ngạn sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái  - Ảnh 10.

Để đạt được thành công đó, Huyện ủy Lục Ngạn đã có những chỉ đạo gì, thưa ông?

- Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Bắc Giang trong chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh, huyện Lục Ngạn đã xây dựng hẳn đề án phát triển cây ăn quả trọng điểm của huyện, trong đó rà soát vùng trồng, với diện tích 29.000ha cây ăn quả, xác định vùng nào sản xuất vải, vùng nào trồng cây ăn quả khác.

Đối với vải thiều, chúng tôi khuyến khích nông dân thực hiện rải vụ, trước đây thời gian tiêu thụ vải thiều chỉ khoảng 1 – 1,5 tháng nhưng những năm gần đây nhờ rải vụ tốt, thời gian thu hoạch vải thiều đã trên 2 tháng, sản lượng vải chín sớm tăng lên nhiều, đạt 25.000 – 30.000 tấn, tiếp đó là đến vải chính vụ, vải chín muộn tập trung ở các xã vùng cao. Nhờ đó, áp lực tiêu thụ giảm, thị trường tốt hơn, có nhiều lựa chọn.

Chúng tôi cũng hỗ trợ cho những mô hình có sản phẩm chất lượng tốt, và khi có hỗ trợ, thị trường tiêu thụ lại rộng mở, những mô hình sản xuất hiệu quả cứ thế nhân rộng.

Đối với các dự án chế biến, tỉnh Bắc Giang có nghị quyết hỗ trợ 30 – 35% tổng mức đầu tư của các dự án chế biến nông sản trên địa bàn, trong đó ưu tiên cho trái vải. Khi doanh nghiệp đến đầu tư, huyện hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhờ đó đã có nhiều doanh nghiệp tìm đến, là những đơn vị có quy mô sản xuất lớn, đáp ứng tiêu chuẩn các nước tiên tiến như Công ty Toàn Cầu, Hợp tác xã Hồng Xuân...

Chúng tôi cũng xác định trong việc thực hiện đề án, công tác quy hoạch rất quan trọng, từ quy hoạch đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tưới tiêu để hỗ trợ vùng sản xuất đến quy hoạch các vùng sản xuất hiệu quả.

Chỉ tính riêng việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất những năm qua, Lục Ngạn đã đạt được nhiều thành tựu. Với sự hỗ trợ của tỉnh thông qua Nghị quyết 07 ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2021, chỉ trong vòng 3 năm, nhân dân huyện Lục Ngạn đã đóng góp 500 tỷ đồng đầu tư, cứng hóa 1.500km đường giao thông. Đó là một thành tích khá đặc biệt bởi toàn tỉnh cứng hóa được 4.000km đường giao thông nông thôn thì riêng Lục Ngạn đã đạt 1.500km. Tự bà con góp công sức để làm đường, tự quản lý chất lượng, các doanh nghiệp có thể đi vào tận vườn, trên đỉnh đồi để thu mua, giúp vận chuyển nông sản rất dễ dàng. Chúng tôi rất tự hào về điều đó.

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh: Kỳ vọng "vựa" trái cây Lục Ngạn sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái  - Ảnh 11.

Có thể thấy, để đạt được thành công đó, ở mỗi địa phương, cơ sở đều phải có sự chỉ đạo mamg tính thông suốt từ cấp ủy, chính quyền đến các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Theo ông, đâu là bí quyết để Lục Ngạn có thể huy động sức dân lớn như vậy?

- Chúng tôi khẳng định Nghị quyết 07 của tỉnh đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, điều này mới quan trọng. Chúng tôi tạo thành phong trào, nhân dân hiểu và tự họ thấy cần phải thay đổi thì bà con sẽ vào cuộc. Hệ thống chính trị rất quan tâm, bởi thời gian đầu triển khai đề án rất khó. Huyện xác định chọn đơn vị điểm là xã Quý Sơn, làm xong tuyến đường mẫu và mời các xã đến học tập. Và khi người dân cảm nhận được sự thay đổi trong từng thôn xóm thì vận động nhân dân dễ dàng hơn, tạo thành phong trào thi đua giữa các xã, thôn.

Không ai nghĩ Lục Ngạn sẽ đạt được kết quả như vậy vì địa bàn rộng, dân cư thưa nhưng khi thành phong trào thì kể cả khi hết Nghị quyết, dân vẫn đề nghị tỉnh hỗ trợ làm tiếp. Có những gia đình chúng tôi ghi nhận góp đến 1,2 tỷ đồng để làm đường, điều đó cho thấy rằng sức mạnh của dân rất tốt. Ngoài góp tiền, bà con còn hiến đất với con số cực kỳ lớn, khoảng 100 ha để mở rộng các con đường đi vào từng vùng sản xuất.

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh: Kỳ vọng "vựa" trái cây Lục Ngạn sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái  - Ảnh 12.

Có một điều rất đặc biệt trong bức tranh nông nghiệp, nông thôn của Lục Ngạn là thu hút ngày càng nhiều người trẻ về làm nông nghiệp. Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn đánh giá, lực lượng thanh niên sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

Một nét mới trong nông nghiệp Lục Ngạn là có nhiều thanh niên lập nghiệp nhờ nghề nông. Huyện làm thế nào để thu hút được lực lượng lao động trẻ này, thưa ông?

- Chúng tôi chỉ đạo ưu tiên doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp, họ có kiến thức, nhiệt huyết, muốn cống hiến nên Huyện ủy giao Đoàn Thanh niên phát động phong trào thanh niên khởi nghiệp, các mô hình của thanh niên được ưu tiên hỗ trợ, ngoài chính sách của huyện, các chương trình vay của ngân hàng đều giải ngân tốt nếu chứng minh được hiệu quả mô hình, dự án.

Chúng tôi cho rằng, thanh niên có trình độ về khoa học công nghệ, khi làm tốt, việc kết nối tiêu thụ sẽ tốt hơn. Hiện nay, nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả là của thanh niên. Họ làm giao dịch số trên mạng rất bài bản, nhiều giám đốc HTX như An Phát, Lục Ngạn Xanh đều là những sinh viên sau khi tốt nghiệp trở về xây dựng quê hương, họ tìm tòi chế biến, nâng cao giá trị nông sản, tận dụng hết sản phẩm.

Ví như quả quýt, họ chả bỏ đi thứ gì, múi chế biến, vỏ làm tinh dầu. Họ cũng đi tiên phong trong xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng.

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh: Kỳ vọng "vựa" trái cây Lục Ngạn sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái  - Ảnh 13.

Ông có kỳ vọng, với lực lượng thanh niên sáng tạo như vậy, Lục Ngạn không chỉ là "vựa" trái cây mà còn thành một điểm du lịch sinh thái?

- Theo định hướng của tỉnh, Lục Ngạn đi theo hướng phát triển vùng cây ăn quả kết hợp du lịch miệt vườn sinh thái và chúng tôi nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Trong 2 năm qua đã có 11 hợp tác xã về du lịch được cấp phép thành lập. Lục Ngạn có vùng trái cây, 4 mùa hoa thơm trái ngọt; có hệ thống hồ tuyệt đẹp với số lượng khoảng 200 hồ thủy nông, trong đó có những hồ diện tích rất lớn như hồ Cấm Sơn rộng 2.600ha, hồ Khuôn Thần được ví như Hạ Long trên cạn. Huyện cũng quy hoạch bài bản để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với chuỗi sản xuất của nông dân.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo điều kiện cho Lục Ngạn xây dựng tuyến giao thông trọng điểm như Quốc lộ 31, tuyến trục ngang kết nối từ Hạ Long (Quảng Ninh) đến Sơn Động, tạo thành tour tuyến du lịch sinh thái.

Lục Ngạn còn có diện tích rừng phong phú với 31.000ha, có 8 dân tộc anh em sinh sống với nhiều nét đẹp văn hóa chưa được khai thác, có các ngôi làng cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn, có các điệu dân ca say đắm lòng người.

Với tất cả những tiềm năng đó, nếu được các doanh nghiệp đầu tư, đánh thức, cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, Lục Ngạn sẽ trở thành một điểm đến tiềm năng.

Xin cảm ơn ông!

Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh: Kỳ vọng "vựa" trái cây Lục Ngạn sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái  - Ảnh 14.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem