Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy chia sẻ cách hoá giải việc cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 26/05/2023 15:13 PM (GMT+7)
Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, tỉnh này đã làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên thấy rằng mình làm đúng thì không sợ nên hiện tượng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm không phổ biến.
Bình luận 0

Bên hành lang Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đã chia sẻ với báo chí về một số vấn đề các đại biểu Quốc hội đang cho ý kiến, dư luận đang quan tâm.

Ông Đỗ Đức Duy: Cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm không phải là hiện tượng phổ biến ở Yên Bái - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Thưa ông, ông nghĩ thế nào về câu chuyện một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai... mà cử tri và đại biểu Quốc hội đã phản ánh?

- Tôi cho rằng có nhiều yếu tố, thứ nhất là hệ thống pháp luật chưa thống nhất và đồng bộ. Ngay trong một bộ luật các giai đoạn khác nhau, thì chế độ chính sách cũng khác nhau, dẫn đến cán bộ thực thi lúng túng.

Ví dụ quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của các giai đoạn khác nhau thì có những có quy định khác nhau.

Tiếp đến là cán bộ chưa nắm vững, sâu các quy định của pháp luật, nên đôi khi có những quy định đủ rõ rồi nhưng vẫn băn khoăn, sau đó phải hỏi cấp trên.

Thứ ba là, có tình trạng khi chúng ta đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nhiều cán bộ sai phạm dẫn đến có trường hợp cán bộ sợ làm sai, sợ trách nhiệm, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy.

Một vấn đề khác được nhắc đến nhiều thời gian qua, đó là câu chuyện "sợ trách nhiệm", ông có bao giờ phải làm công tác tư tưởng để cán bộ của tỉnh Yên Bái dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm?

- Để cán bộ an tâm công tác, tôi cho rằng phải có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy, tổ chức đảng cho đến chính quyền, rồi cán bộ công chức cấp dưới.

Ví dụ, trong công tác giải phóng mặt bằng, quy định của pháp luật rất đầy đủ, chi tiết nhưng không bao phủ được hết tất cả các tình huống xảy ra trong thực tế. Để bảo đảm sự đồng thuận giữa người dân bị thu hồi đất, Nhà nước và chủ đầu tư, cần phải vận dụng tốt cơ chế chính sách.

Tuy nhiên, khi vận dụng có thể đúng nhưng cũng có lúc chỉ đúng một phần. Khi cán bộ, công chức thấy nếu chiểu theo quy định thì không thực hiện được dự án, lúc đó phải báo cáo cấp trên để cùng giải quyết.

Ngoài ra, quyết định đó cũng không được trái với quy định của Nhà nước, không được gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.

Để có được những quyết định đó, rất cần cán bộ năng động đề xuất. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp cũng phải mạnh dạn quyết đáp để anh em cấp dưới yên tâm làm việc. Bởi vì sau này nếu có thanh tra, kiểm tra thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng phải đứng ra để giải trình.

Để bảo vệ quyết định của cán bộ cấp dưới, ông đã phải đứng ra giải trình với cơ quan thanh tra, kiểm toán lần nào chưa?

- Cũng đã có trường hợp kiểm toán vào và đề nghị giải trình. Khi chúng tôi giải trình, kiểm toán thấy trong trường hợp đó tỉnh đã vận dụng đúng, phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo ông, giải pháp nào để cán bộ không né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc?

- Tại Yên Bái, việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm không phải là hiện tượng phổ biến. Bởi vì chúng tôi đã làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên thấy rằng mình làm đúng thì không sợ, còn những vấn đề chưa nắm vững, chưa hiểu rõ có thể hỏi cấp trên, hỏi cơ quan chức năng để được hướng dẫn, giải đáp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem