Biden bị Trung Quốc, EU "chọc giận" với thỏa thuận đầu tư lớn

Minh Nhật Thứ năm, ngày 31/12/2020 21:27 PM (GMT+7)
EU và Trung Quốc vừa công bố một thỏa thuận đầu tư lớn, bất chấp yêu cầu từ các trợ lý của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden để tạm dừng thỏa thuận này nhằm đợi phối hợp chính sách với chính quyền của ông vào năm tới.
Bình luận 0
Biden bị Trung Quốc, EU "chọc giận" với thỏa thuận đầu tư lớn - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban EU và Chủ tịch Hội đồng EU, Ursula von der Leyen và Charles Michel hôm 30/12 đã có các cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để "kết thúc các cuộc đàm phán" về thỏa thuận đầu tư lớn giữa 2 bên.

Thỏa thuận, dự kiến sẽ mất vài tháng trước khi hoàn thiện và được phê chuẩn hoàn toàn dưới dạng văn bản pháp lý, sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Từ lâu, châu Âu đã tìm cách tăng cường khả năng tiếp cậncác thị trường rộng lớn của Trung Quốc cho các công ty của họ. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh bị cáo buộc thiếu tôn trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế là trở ngại cuối cùng đối với một thỏa thuận giữa 2 bên.

Brussels khẳng định Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư là "tham vọng nhất" mà bất kỳ ai đã thuyết phục được Trung Quốc ký.

Nó làm giảm các rào cản cho các doanh nghiệp EU, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng và củng cố các cam kết phát triển bền vững.

Tuy nhiên việc EU và Trung Quốc gấp rút ký kết phần chính trị của thỏa thuận vào cuối năm nay có thể khiến Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden khó chịu khi ông chuẩn bị bước vào Nhà Trắng. Ông Biden được cho là đã hy vọng có thể phối hợp với các đồng minh phương Tây của mình để đưa ra chính sách chống Trung Quốc mạnh mẽ hơn.

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong quý 3 năm nay để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn nền kinh tế Mỹ trong khi các hoạt động thương mại của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ.

Thỏa thuận chính trị được đưa ra chỉ vài tuần trước khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ và cùng nhóm của ông bày tỏ quan ngại về việc EU tiếp cận Bắc Kinh đồng thời thúc giục Brussels tham vấn ý kiến của Washington.

Nếu EU có cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump  đã tiến hành một cuộc chiến thương mại quyết liệt để khiến Bắc Kinh phải nhượng bộ.

Dù có quan điểm khác biệt lớn với người tiền nhiệm về nhiều vấn đề, song Tổng thống đắc cử Biden có vẻ sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Biden được cho là sẽ tìm cách xây dựng một mặt trận đa quốc gia hơn để đối phó với Bắc Kinh.

Về phần mình, EU khẳng định thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc sẽ không cản trở mối quan hệ của họ với chính quyền mới của Mỹ và nói rằng một phần nó phù hợp với thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" mà ông Trump đã ký với Bắc Kinh vào tháng 1/2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem