BIDV trả cổ tức bằng tiền mặt 7% theo yêu cầu của Bộ Tài chính

Trần Giang Thứ bảy, ngày 22/04/2017 13:27 PM (GMT+7)
Tại Đại hội cổ đông sáng 22/10, BIDV đã chốt phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt với mức 7% theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Bình luận 0

 

Sáng nay, ngày 22.4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017.Tại đại hội, một số cổ đông đã bày tỏ đề nghị làm rõ hơn thông tin về cổ tức và năng suất làm việc.

Có thể trả cổ tức đến 12%

Theo tài liệu ĐHĐCĐ của BIDV thì ngân hàng chia cổ tức với tỷ lệ 7%, nhưng không thấp hơn lãi suất tiền gửi VND 12 tháng. Nhưng hiện nay giá cổ phiếu của BIDV trên thị trường đang hơn 17.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu chia bình quân trên giá thị trường thì tỷ lệ chỉ khoảng 4%, làm sao mà bằng được lãi suất huy động 12 tháng hiện nay của các ngân hàng. Liệu điều này có phải là nhầm lẫn lại nhầm lẫn?, một cổ đông hỏi.

Trao đổi với cổ đông này, ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho rằng việc tính cổ tức chẳng ai trả theo thị giá mà phải theo mệnh giá. Đây là thông lệ rồi. “Chúng tôi tính tỷ lệ 7% là theo mệnh giá, không tính theo giá thị trường nên lợi nhuận cổ đông nhân được vẫn ở trên ngưỡng dưới của lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng”, ông Hoàng giải thích.

Làm rõ thêm vấn đề này, ông Phan Đức Tú, tổng giám đốc BIDV, cho biết năm nay BIDV có thể chi trả cổ tức với tỷ lệ 12%. “Nhưng vì năm 2015, 2016 không tăng được vốn điều lệ theo những phương án đã được cổ đông thông qua như phát hành cho cổ đông chiến lược, chia cổ tức bằng cổ phiếu hay phương án phát hành cổ phiếu cho nhân viên đã trình 6 tháng rồi cũng chưa được cơ quan quản lý phê duyệt nên không có lý do gì mà chúng tôi chia hết lợi nhuận”, ông Tú giải thích thêm.

img

ĐHĐCĐ BIDV diễn ra sáng nay tại Hà Nội (Ảnh: MH)

Về phần hiệu quả làm việc của nhân viên bị cổ đông có ý kiến là thấp, ông Xuân Hoàng cho biết, hiện nhân sự BIDV  là hơn 22.000 người. “Nhân sự tăng nhanh là do BIDV thực hiện nhiệm vụ chính trị, đó là tiếp nhận sáp nhập toàn bộ hệ thống MHB với gần 4.000 người. Đây là tăng cơ học. Phần còn lại ở BIDV tăng không quá 3% lao động/năm. Đó là gánh nặng của ngân hàng nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành. Thực tế việc tiếp nhận cũng gây khó khăn cho ngân hàng trong việc đảm bảo quy mô lợi nhuận. Điều này cũng giải thích về tốc độ tăng lợi nhuận của ngân hàng trong 2 năm qua”, ông Hoàng cho biết.

Khó tìm nhà đầu tư chiến lược

Câu chuyện hai năm không tăng được vốn điều lệ của BIDV cũng khiến Ban lãnh đạo BIDV và không ít cổ đông lo lắng. Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên phụ trách HĐQT BIDV, cho biết việc tăng vốn của BIDV rất khó và phụ thuộc nhiều vào giá, phương thức phát hành. BIDV đã làm việc và đến nay có hơn 30 nhà đầu tư quan tâm. Có những nhà đầu tư đã ký hợp đồng bảo mật, thăm dò ngân hàng.

“Ban lãnh đạo BIDV rất hiểu mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cũng như tăng vốn của nhà đầu tư. Nếu không tăng vốn điều lệ trong năm, BIDV sẽ phải thực hiện cấu trúc lại tài sản có. Mức độ tăng trưởng tài sản cũng sẽ không thể đạt 16% (khoảng 110 nghìn tỷ) như kế hoạch”, ông Tuấn cho biết.

img

Theo ông Tuấn, việc tìm kiếm nhà đầu tư để tăng vốn vẫn chưa thể kết thúc được do lý do khách quan của nền kinh tế thế giới và khu vực. Các định chế tài chính nước ngoài cũng đang cần tăng năng lực theo tiêu chuẩn Basel II, III. Các định chế cũng tập trung nâng cao vốn nội tại và tập trung đầu tư trong nước. Cùng đó, các nhà đầu tư thay vì đầu tư vốn cổ phần lại mong muốn thành lập công ty con tại Việt Nam.

“Cùng với đó, việc sáp nhập MHB với một nửa tài sản không thực sự tốt lắm, các nhà đầu tư cũng cần thời gian đánh giá”, ông Tuấn cho biết thêm.

Một vấn đề khác được ông Tuấn cho biết yêu cầu giá phát hành không thấp hơn thị giá là rất khó. Vấn đề này BIDV đã đặt ra với các cơ quan quản lý nhưng chưa được giải đáp.

“Khi mua lô lớn, nhà đầu tư mua mong muốn giá thấp hơn bán lẻ, đồng thời ngân hàng có thêm yêu cầu họ nắm giữ tối thiếu 3-5 năm hay yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ thêm cho ngân hàng. Tuy nhiên, không có cơ chế này, nhà đầu tư vẫn phải mua cổ phiếu với giá bán lẻ trên thị trường. Đây không chỉ là vấn đề của BIDV mà còn của các ngân hàng khác. Hiện chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ nhưng chưa được hồi đáp”, ông Tuấn cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem