Biên cương nóng giữa “mùa dịch” Covid-19 - Bài 2: Những cuộc đối thoại buồn

Ghi chép của Doãn Anh – Chiên Hoàng Thứ sáu, ngày 07/08/2020 10:00 AM (GMT+7)
Từ Đồn biên phòng Lý Vạn ra Thác Bản Giốc, giữa tơi bời mưa gió, chúng tôi đi mất hàng tiếng đồng hồ xuyên qua các cung đường “ổ voi” sâu hoắm với tốc độ… 10km/h. Có khi tắc ở đường vào huyện Bảo Lạc hơn 100km từ tỉnh lỵ, nơi có các đồn biên phòng nghe tên đã thấy xa xôi như Cô Ba, Cốc Pàng.
Bình luận 0
Lượng người nhập cảnh trái phép chưa có dấu hiệu suy giảm trong thời gian gần đây, trên tuyến biên giới thuộc các huyện Bảo Lạc, Hạ Lang của tỉnh Cao Bằng.

Lượng người nhập cảnh trái phép chưa có dấu hiệu suy giảm trong thời gian gần đây, trên tuyến biên giới thuộc các huyện Bảo Lạc, Hạ Lang của tỉnh Cao Bằng.

Giữa các tổ chốt chống dịch Covid-19 thông qua ngăn chặn dòng người xuất nhập cảnh trái phép và hiểm họa mang theo virus đáng sợ kia, tôi luôn tự hỏi: Những người xuất nhập cảnh trái phép, họ là ai? Vì sao đang lúc nước sôi lửa bỏng, khi cả non sông đang vang vang lời hiệu triệu “bảo vệ vùng trũng bình yên của Việt Nam” giữa bốn bề dịch bệnh hành hoành…, họ lại vượt biên trái phép?

Và những cuộc đối thoại buồn đã ra đời từ đây.

Những phụ nữ lấm lem bùn đất nằm ở bìa rừng

Biên cương nóng giữa “mùa dịch” Covid-19 - Bài 2: Những cuộc đối thoại buồn - Ảnh 2.

Những hình ảnh ám ảnh về nạn xuất nhập cảnh trái phép "trốn chạy" dịch bệnh, gây nguy hiểm cho cộng đồng. (Ảnh chụp tại biên giới tỉnh Cao Bằng).

Khuya lắm rồi, kim đồng hồ nhích về phía 0h. Dáng núi mờ ảo trong sương với những hõm đen ngòm và đỉnh chóp thì sáng nhờ ảo diệu trong một đêm không trăng. Chiếc xe 16 chỗ của huyện Hạ Lang mới lăn bánh đem theo những người bà con vừa “từ cõi chết trở về” sau hành trình băng rừng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hòng trốn chạy nguy cơ dịch bệnh bên kia biên giới.

Tôi làm trắc nghiệm, phỏng vấn 5 người, đứng bên là thiếu tá Cao Văn Thanh - Đồn trưởng Đồn biên phòng Quang Long. Nơi này, từ đầu năm 2020 đến giờ, đã có tới gần 2 nghìn người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. 

Hóa ra, trừ vài người trốn truy nã hoặc có hành vi buôn người, đưa người khác vượt biên trái phép, thì hầu hết bà con “về thăm cố hương” đều là người đi tìm kế mưu sinh. Họ chẳng đầu gấu đầu mèo, chẳng phá hoại của ai cái gì, đơn giản là tìm công ăn việc làm. Đi bốc vác, đi chặt mía thuê, đi trồng cây cảnh, đi chế tác đồ nhựa. Họ khai vậy, có trời mà biết có phải vậy không.

Những hình ảnh ám ảnh về nạn xuất nhập cảnh trái phép "trốn chạy" dịch bệnh, gây nguy hiểm cho cộng đồng. Ảnh chụp bại biên giới tỉnh Cao Bằng.

Những hình ảnh ám ảnh về nạn xuất nhập cảnh trái phép "trốn chạy" dịch bệnh, gây nguy hiểm cho cộng đồng. (Ảnh chụp tại biên giới tỉnh Cao Bằng)

Mà không phải đơn giản người vùng cao dọc đường biên mùa giáp hạt đi làm thuê, hầu hết người trở về lâu nay toàn là người ở sâu trong nội địa, gần thì Nghệ An, Hà Tĩnh, xa thì tít Cần Thơ, Vũng Tàu, Cà Mau...

Mà không chỉ là họ đi làm ăn xa, đến kỳ dịch dã thì tìm cách “hồi hương” tới “vùng trũng yên bình” khi nước bạn bị Covid-19 hành hoành quá nặng nề; mà bất ngờ thay, thậm chí, đang có lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các cô gái trẻ hơn hớn vẫn bỏ cả đống tiền ra thuê đối tượng vượt biên trái phép để “làm ăn”.

"Chị em" trở về qua được nhập cảnh trái phép và được khử khuẩn, đưa đi cách ly 14 ngày.

Các phụ nữ trẻ bị các đối tượng đưa ra nước ngoài để "làm ăn", bất chấp mọi vi phạm và khả năng nguy hiểm liên quan đến Covid-19. (Ảnh: P.V)

Đồn biên phòng Ngọc Côn, rồi đồn Cốc Pàng, bắt giữ cả đoàn các “cô” chuyển giới từ nam sang nữ, các em ở TP.HCM xinh tươi nhảy chân sáo chuẩn bị xuất cảnh đi làm ăn trong mùa dịch. Nghe nói, có cả “ngành công nghiệp không khói”. Tức là đi làm gái bán dâm, làm nghề nhạy cảm hoặc đi làm vợ chung chạ với cả nhóm những kẻ chẳng ra gì ở phương trời lạ. Một cán bộ biên phòng làm hồ sơ, đưa “chị em” vào khu cách ly tại huyện thở dài: “Ngẫm mà rớt nước mắt”.

Biên cương nóng giữa “mùa dịch” Covid-19 - Bài 2: Những cuộc đối thoại buồn - Ảnh 5.

Các đối tượng trong đường dây đưa người xuất cảnh trái phép đã bị khởi tố.

Các cán bộ Đồn biên phòng Quang Long, đồn Lý Vạn, họ vô cùng ám ảnh với câu chuyện của những phụ nữ trẻ sau hành trình bỏ tiền ra thuê các đối tượng chở xe ô tô đến giáp biên rồi cứ thế chạy thục mạng nhiều tiếng đồng hồ về quê mẹ.

Họ băng rừng núi, có người chân tứa máu, quần áo ướt sũng, ba lô bé tí chỉ có vài bộ quần áo nhàu nhĩ. Gặp chiến sĩ biên phòng ta, nhiều người bật khóc quỵ xuống. Có người xúc động quá lên cơn động kinh, lột hết quần áo vứt bỏ cứ thế chạy ào ào vào rừng. Bởi họ bị sang chấn về tâm lý sau một hành trình dài.

Biên cương nóng giữa “mùa dịch” Covid-19 - Bài 2: Những cuộc đối thoại buồn - Ảnh 6.

Một phụ nữ đang mang thai (trái) nhập cảnh trái phép, các chiến sĩ phải có chế độ giúp đỡ đặc biệt.

Các đối tượng đưa người vượt biên thường lừa bà con là sẽ dẫn bà con “vào Việt Nam” một cách rất nhàn hạ, đi ô tô rồi vài bước chân là trốn được về nhà. Họ còn có nhiều thủ đoạn băng rừng vượt núi, lẩn trốn hơn 100 chốt biên phòng chống dịch dọc đường biên với tỉnh Cao Bằng nhằm… tránh bị vào khu cách ly 14 ngày theo quy định.

Vì lý do trốn tránh nguy hiểm này, mà các điểm chốt chặn liên tục được lực lượng biên phòng mở thêm, kể cả ở những nơi gian khó nhất, không một bóng cây, lều lán tạm bợ, thiếu điện, thiếu nước, thiếu sóng điện thoại...

Một số người chuyển giới vượt biên trái phép giữa kì dịch Covid-19 để "đi làm ăn" bên kia biên giới bị bắt giữ tại đồn biên phòng Cốc Pàng, tỉnh Cao Bằng.

Một số người chuyển giới vượt biên trái phép giữa kỳ dịch Covid-19 để "đi làm ăn" bên kia biên giới bị bắt giữ tại Đồn biên phòng Cốc Pàng, tỉnh Cao Bằng.

Nhiều phụ nữ trẻ về đến cánh rừng Việt Nam nằm lăn lóc, ngủ li bì. Bởi họ quá mệt mỏi. Quần áo mặc bó sát người, bê bết bùn đất, nam nữ nằm xếp lớp mê mệt. Có đôi chân “liễu yếu đào tơ” phụ nữ trẻ bầm dập, bít tất rách tơi tả, bàn chân và gót chân nhuộm bùn vàng nâu. Họ gối đầu lên túi hành lý nhỏ xíu mà ngủ.

“Nghe các anh gọi về đồn bảo đun nước nấu mì tôm, em đã khóc”

Lượng người nhập cảnh trái phép chưa có dấu hiệu suy giảm trong thời gian gần đây, trên tuyến biên giới thuộc các huyện Bảo Lạc, Hạ Lang của tỉnh Cao Bằng.

Lượng người nhập cảnh trái phép chưa có dấu hiệu suy giảm trong thời gian gần đây, trên tuyến biên giới thuộc các huyện Bảo Lạc, Hạ Lang của tỉnh Cao Bằng.

Trong cái lạnh xo ro, mưa quất ràn rạt, ánh đèn pin lấp lóa dưới chân dãy núi lớn, nhóm người nhập cảnh trái phép đứng như trời trồng khi các chiến sĩ biên phòng và lực lượng phun khử khuẩn mặc kín như các nhà du hành vũ trụ xuất hiện. Một cậu bé 19 tuổi đi làm thuê cùng bố đẻ mặc quần đùi, ống chân lêu lao máu do vượt rừng. 

Vươn tay ôm hai vai gầy, giọng run run, dù đã được động viên và phát khẩu trang y tế, cung cấp cồn y tế sát khuẩn rửa tay, Nguyễn Thị Hà vẫn tỏ ra rất sợ hãi. Hà cho biết, quê em ở tỉnh Nghệ An, học hết lớp 12, qua mai mối Hà "yêu thật lòng" một người đàn ông ở sâu trong nội địa nước bạn. Sau đó, họ tiến tới hôn nhân và có với nhau một đứa con đã 3 tuổi.

“Giữa lúc đang có dịch thì chồng em gọi điện bảo, muốn có đứa con nữa. Thế là em vượt biên sang Nam Ninh (Trung Quốc) thăm chồng, cũng thuê người ta dẫn đường đi. Khi biết mình có thai, vợ chồng em bàn nhau để em về Việt Nam sinh nở với sự chăm sóc của ông bà ngoại, chứ đứa đầu đẻ ở bên kia, vất vả lắm. Em thuê người dẫn đường nhập cảnh trái phép về Việt Nam, họ cam kết đưa đường dễ đi. Ai ngờ phải vừa đi trốn, vừa chạy trong rừng hơn 3 tiếng đồng hồ. Em đang có bầu nên quỵ xuống không đi được, giờ gặp các đồng chí biên phòng mới yên tâm…”, Hà kể.

Biên cương nóng giữa “mùa dịch” Covid-19 - Bài 2: Những cuộc đối thoại buồn - Ảnh 9.

Lực lượng biên phòng "dựng bức tường lửa" ngăn chặn đại dịch vào nội địa.

Rồi lại nghẹn ngào, Hà tâm sự: “Em không ngờ lại khổ thế này. Lúc gặp các đồng chí biên phòng giữa đường núi, em nghe một chiến sĩ gọi điện về đồn, bảo là có phụ nữ mang thai đang đói và rất yếu, nhờ anh em đun nướng nóng, nấu mì tôm cho cô ấy. Em nghe mà run lên vì xúc động. Giờ ăn no, mặc ấm, được sát khuẩn khử trùng, em không mong gì hơn là được vào khu cách ly đủ 14 ngày để về với con nhỏ và gia đình”.

Tự tin hơn, tự tay thành thục ra cái bệ giữa rừng lấy khẩu trang và nước rửa tay y tế, cán bộ biên phòng và nhân viên y tế đứng một khoảng cách an toàn cho cả hai trước tình hình nóng của dịch Covid-19, phóng viên Dân Việt được cử thay nhóm công tác hỏi thông tin về một nhóm nhập cư trái phép khác. Anh Nguyễn Thế Lương, người huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, cùng con trai 18 tuổi vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm ăn từ ngày 4/7/2020.

Lực lượng biên phòng tuần tra, "dựng bức tường lửa" ngăn chặn đại dịch vào nội địa.

Lực lượng biên phòng tuần tra, "dựng bức tường lửa" ngăn chặn đại dịch vào nội địa.

Ở quê khó khăn, có người đi trước họ làm ăn cũng đủ sống, nên mới móc nối cho anh Lương cùng con trai sang đó kiếm ăn. Ai ngờ, sang đó, vì dịch bệnh nên không ai thuê, ăn nhờ ở đợ trái phép quá khổ, buộc phải về quê thôi. Vì nhập cảnh trái phép sang đó rồi, giờ về đường chính ngạch thì khác gì lạy ông tôi ở bụi này, nên hai bố con quyết định thuê người dẫn… vượt biên trở về. Mất khoảng 10 triệu đồng để thuê người “tổ chức vượt biên trái phép”.

“Lúc đầu em rất lo lắng, không biết những kẻ lạ mặt làm dịch vụ dẫn đường có làm hại, cướp bóc gì không? Cứ liều đi theo chúng. Em phải gọi điện rất kỹ, hỏi từng người đã từng trải qua các chuyện tương tự thế này. Bây giờ, về đến khu vực được tiếp nhận, cho ăn uống, thuốc thang, có xe ô tô đón đi cách ly, em thấy quá may mắn rồi!”, anh Lương nói.

Thượng úy Tống Đức Hạnh - cán bộ đồn Quang Long bảo: "Tôi chốt ở đây khoảng 6 tháng, gặp rất nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép khổ sở. Đồn mua tích trữ cả một gian nhà mì tôm, để nấu cho bà con ăn chống đói. Nhiều phụ nữ mang thai, lại còn dẫn theo con nhỏ, rách rưới, đi bộ, mưa rét, bùn đất. Nhìn thương vô cùng".

Thiếu tá Đặng Văn Hưng - 45 tuổi, Tổ trưởng tổ công tác Pác Ty là người huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Cùng đồng đội “án ngữ” các đường mòn lối mở trên địa bàn đồn quản lý thuộc huyện Hạ Lang gần 200 ngày “căng mình chống dịch” vừa qua, anh Hưng ám ảnh nhất là chuyện các phụ nữ “đi làm ăn xa bên Trung Quốc”. Điện thoại của anh có nhiều video.

“Đây là bà Nông Thị Trà ở xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang, trở về với mấy cái tay nải toàn quần áo cũ. Bà bị câm điếc, không thể “khai thác” thông tin gì. Bà cứ ngồi ven đường, may có bà con nhận ra “cùng quê” vào tiết lộ lý lịch để cán bộ ghi vào hồ sơ. Có người tâm thần bỏ chạy, xé quần áo, cán bộ phải đuổi theo tìm cách mặc quần áo cho họ…”, anh Hưng kể.

Ở khu biên giới đồn Cốc Pàng quản lý, mấy người chuyển giới từ TP.HCM thuê người đưa xuất cảnh trái phép rồi bị cán bộ ta bắt giữ. Cánh tổ chức vượt biên bị khởi tố, bắt giam, còn “chị em” thì đứng xếp hàng cười cợt. Họ đi làm “nghề nhạy cảm” nên rất trơ lì, nói năng suồng sã, đùa cợt nhảm nhí, trêu cả cán bộ. Họ vốn là nam, nay chuyển giới, tóc búi cao, eo thon õng ẹo, môi mắt còn nữ hơn cả chị em.

Họ cứ cười, nhưng là cái cười ra nước mắt.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, tính từ ngày 3/2/2020 đến ngày 26/7/2020,  Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã phát hiện ngăn chặn, tiếp nhận 6.431 công dân trở về từ Trung Quốc và phối hợp với các lực lượng đưa đi cách ly theo quy định. Trong đó, chỉ có 69 người nhập cảnh chính thức qua cửa khẩu. Cơ quan chức năng ở Việt Nam cũng đã tiếp nhận 1.709 người do lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả. Còn lại, con số rất lớn là 4.653 người vượt biên trái phép.

Qua đó, biên phòng Cao Bằng đã xác lập 2 chuyên án, bắt giữ và khởi tố 6 vụ với 11 đối tượng về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; phát hiện và bắt giữ 6 vụ với 18 đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Tổ chức tuyên truyền và ngăn chặn 1.796 công dân có ý định xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem