Biến động tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong 9 năm qua

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 08/04/2021 18:00 PM (GMT+7)
Có mặt trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới từ năm 2013, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng biến động thế nào 9 năm qua?
Bình luận 0

Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 do Forbes (Mỹ) - tạp chí tài chính hàng đầu thế giới vừa công bố, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người Việt Nam giàu nhất với tài sản 7,3 tỷ USD.

Ông Vượng lần đầu có tên trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes năm 2013 với giá trị tài sản 1,5 tỷ USD.

Biến động tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Tháng 3/2013, Forbes công bố danh sách những tỷ phú thế giới, tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người Việt Nam đầu tiên có tên trong bảng xếp hạng với tài sản 1,5 tỷ USD, xếp thứ 974 trong danh sách. Thời điểm đó, Chủ tịch Vingroup 44 tuổi. 

Forbes cho rằng đây là một thành tựu lớn của Việt Nam sau 27 năm thực hiện chính sách "đổi mới" mở cửa kinh tế. Riêng Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Forbes đánh giá ông là tỷ phú tự thân, không nhờ thừa kế hay trúng thưởng.

Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng biến động thế nào 9 năm qua? - Ảnh 1.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup

Ông Phạm Nhật Vượng được giới thiệu từng học kinh tế địa chất thuộc Đại học Địa chất Moscow (Nga). Sau khi tốt nghiệp, năm 1993, ông chuyển tới Ucraina, thành lập Tập đoàn Technocom.

Tập đoàn có hơn 100 sản phẩm khác nhau, trong đó, mì gói, khoai tây nghiền được biết đến nhiều nhất. Technocom của ông Vượng giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm ăn nhanh tại Ucraina và xuất khẩu sang 29 quốc gia trên thế giới.

Đầu những năm 2000, ông Phạm Nhật Vượng đưa Technocom về Việt Nam, tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản với hai thương hiệu chiến lược ban đầu là Vinpearl và Vincom. Đến tháng 1/2012, công ty CP Vincom và Công ty CP Vinpearl sáp nhập, chính thức hoạt động dưới mô hình tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup.

Ba năm tiếp theo (2014 - 2016), ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục có tên trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes, tuy nhiên tài sản chỉ tăng nhẹ từ 100 triệu USD mỗi năm. Cụ thể, tài sản của người giàu nhất Việt Nam năm 2014 theo thống kê của Forbes là 1,6 tỷ USD; năm 2015 là 1,7 tỷ USD; năm 2016 nhích nhẹ lên 1,76 tỷ USD.

Giai đoạn 2017 - 2021, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bắt đầu tăng mạnh. Năm 2017, ông Phạm Nhật Vượng nắm trong tay 2,4 tỷ USD, năm 2018 tăng gần 2 tỷ USD lên thành 4,3 tỷ USD. Nối tiếp đà tăng, năm 2019, tài sản ông Vượng chạm mốc 6,6 tỷ USD. 

Đến năm 2020, tương tự nhiều tỷ phú khác, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 1 tỷ USD nhưng theo thống kê năm nay, tài sản người giàu nhất Việt Nam đã tăng vọt trở lại chạm mức 7,3 tỷ USD.

Như vậy, sau 9 năm có mặt trong bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh của Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng gấp gần 5 lần. Từ đứng vị trí 974 trong lần xếp hạng đầu tiên, hiện ông đã trở thành người giàu thứ 344 trên thế giới. Đáng chú ý, có thời điểm, ông Phạm Nhật Vượng lọt top 200 người giàu nhất hành tinh.

Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng bất chấp Covid-19

Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đạt 7,3 tỷ USD, mức cao nhất 9 năm có mặt trong bảng xếp hạng của Forbes. Khối tài sản của người giàu nhất Việt Nam đã tăng mạnh bất chấp Covid-19 năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới lẫn Việt Nam. 

Thực tế, các mảng kinh doanh của Vingroup vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch. Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2020 của Vingroup cho biết doanh thu mảng kinh doanh dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí của tập đoàn giảm gần một nửa so với năm trước, chỉ còn 4.869 tỷ đồng.

Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng biến động thế nào 9 năm qua? - Ảnh 2.

Biến động tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, theo thống kê của Forbes. Đồ hoạ: Hồng Phúc.

Tuy nhiên, đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận của Vingroup từ trước đến nay vẫn là mảng bất động sản. Năm 2020, doanh thu chuyển nhượng bất động sản tăng 12% so với năm trước, đạt 72.167 tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm 2020 cũng là năm đầu tiên Vingroup không còn mảng bán lẻ sau khi chuyển nhượng cho tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Nhờ vậy, Vingroup cũng thoát khỏi gánh nặng lỗ vài nghìn tỷ mỗi năm từ "miếng bánh" bán lẻ.

Chia tay mảng bán lẻ, Vingroup khẳng định sẽ đầu tư vào công nghiệp và công nghệ, chủ yếu là smartphone, xe điện và ô tô Vinfast. Năm 2020, doanh thu "trụ cột mới" là mảng sản xuất, công nghệ và các dịch vụ liên quan tăng gần 90%, ghi nhận 17.415 tỷ đồng.

Kết quả, năm 2020, nếu loại trừ mảng bán lẻ thì doanh thu của Vingroup thậm chí còn tăng so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế cả năm vẫn đạt gần 14.000 tỷ đồng.

Forbes cũng cho biết tiêu chí thống kê tài sản của các tỷ phú trong bảng xếp hạng gồm nhiều loại tài sản như cổ phiếu, các công ty riêng, bất động sản, các tác phẩm nghệ thuật. Tại thời điểm ghi nhận danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2021, giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái được chốt vào ngày 5/3. So với đầu tháng 4/2020, cổ phiếu VIC của Vingroup đã tăng đến 30%, giúp tài sản ông Vượng tăng thêm 1,7 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem