‘Biến mới’ trên thị trường tiền tệ khi Ngân hàng Nhà nước phải ‘bơm’ 14.000 tỷ trong 3 ngày làm việc đầu Xuân Nhâm Dần

Huyền Anh Thứ tư, ngày 09/02/2022 22:11 PM (GMT+7)
3 ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước ‘bơm’ gần 14.000 tỷ đồng hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Lũy kế từ đầu tháng 1/2022 đến nay, con số bơm ròng lên tới gần 24.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Ngày 09/02, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ra hỗ trợ cân đối thanh khoản hệ thống gần 7.938 tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Đây cũng là quy mô bơm tiền lớn nhất kể từ đầu năm 2022 cho đến nay.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 8/2 và 7/2, NHNN bơm ra lần lượt 4.478,49 tỷ đồng và 1.508,41 tỷ đồng.

Như vậy, nếu chỉ tính trong 3 ngày làm việc đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022, đã có gần 14.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng. Diễn biến này khác biệt hoàn toàn với năm 2021, bởi trong năm này NHNN không cần bơm tiền trong 3 ngày đầu tiên sau nghỉ Tết nguyên đán.

Lũy kế từ đầu tháng 1/2022 đến nay, NHNN đã bơm ròng gần 24.000 tỷ đồng.

14.000 tỷ vừa được 'bơm ra' trong 3 ngày làm việc đầu Xuân Nhâm Dần - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước bơm tiền qua OMO. (Ảnh: LT)

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Tính đến 8/2, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,59%/năm; 1 tuần (2,68%/năm); 1 tháng (3,41%/năm); 6 tháng (4,31%). Trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (28/1) lãi suất các kỳ hạn này chỉ dao động từ 2,2%/năm – 3,9%/năm.

Diễn biến này phù hợp dòng chảy của nền kinh tế. Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng và du lịch, vận tải trong dịp Tết vừa qua tăng cao, tác động tới dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tại buổi làm việc đầu xuân của Thủ tướng Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Bước sang năm 2022, trên cơ sở bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm. Đặc biệt là tập trung điều tiết tiền tệ hợp lý, hỗ trợ thanh khoản hệ thống, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế những ngày giáp Tết.

Do đó, dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm. Tính đến ngày 28/01/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm trước (tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước; tháng 1/2021 chỉ tăng 0,53%). "Điều này cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

14.000 tỷ vừa được 'bơm ra' trong 3 ngày làm việc đầu Xuân Nhâm Dần - Ảnh 3.

Lãi suất tiết kiệm nóng tại các ngân hàng. (Ảnh: TB)

Trên thị trường 1, lãi suất tiết kiệm cũng đang "nóng" tại nhiều ngân hàng thương mại. Đơn cử như tại Techcombank, kể từ ngày làm việc đầu tiên năm Nhâm Dần 2022, nhà băng này đã tăng lãi suất tiền gửi 0,2 - 0,5%/năm tuỳ theo từng kỳ hạn. Một số ngân hàng khác như: BacABank, DongABank, ACB… cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ 0,2 - 0,5%/năm.

Thống kê cho thấy, trong 2 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã tăng 10 – 50 điểm cơ bản đối với biểu lãi suất huy động, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn hoặc 1 năm. Các chương trình khuyến mại cũng đươc sử dụng nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân.

Chẳng hạn, VPBank có chương trình Prime Savings, áp dụng cho khách mở mới CIF trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm gửi tiền, khách hàng hiện hữu không có tín dụng online, với ưu đãi lãi suất cho các kỳ hạn từ > 6 tháng: Nhân đôi lãi suất trong tháng đầu tiên và không giới hạn sổ gửi, tiền gửi tối thiểu từ 10 triệu đồng trở lên.

Đặc biệt, khách hàng khi gửi tiền tiết kiệm Prime Savings kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất tháng đầu tiên là 12,2 hoặc 12,4%/năm tương ứng với số tiền gửi dưới 300 triệu đồng hoặc từ 300 triệu đồng trở lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem