“Biệt đội” cứu hộ, cứu nạn nơi… rốn lũ!

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 19/10/2017 06:10 AM (GMT+7)
Tại những khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn trong mùa mưa, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là 2 địa phương đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu như Đồng Tháp, An Giang đã thành lập hàng trăm chốt cứu hộ, cứu nạn (CHCN) ứng trực 24/24 giờ, giúp người dân địa phương giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi có sự cố xảy ra.
Bình luận 0

Hàng trăm chốt được thành lập

Theo phóng viên NTNN tìm hiểu, cứ vào thời điểm mưa, lũ, người dân thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lại rủ nhau ra đồng đánh bắt thủy sản, chính vì thế thường xảy ra tai nạn chìm ghe, xuồng, đuối nước. Một trong những điểm thường xuyên xảy ra tai nạn là tuyến cầu kênh Cá Rô (ấp Bình Chánh, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự). Nguyên nhân là khu vực này nước chảy rất xiết và thường có hố xoáy, ghe, xuồng đi ngang qua dễ bị nhấn chìm.

img

Lực lượng của chốt CHCN cầu kênh Cá Rô diễn tập ứng cứu người dân bị đuối nước. Ảnh: H.X

Hoạt động của các chốt CHCN đều xuất phát từ tinh thần tự nguyện của các thành viên. Mặc dù không có chế độ đãi ngộ nào theo quy định nhưng thời gian qua hầu hết các chốt cứu hộ đều hoạt động có hiệu quả.

Để kịp thời xử lý khi tình huống xấu xảy ra, từ năm 2010, UBND thị xã Hồng Ngự đã chỉ đạo ngành chức năng thành lập các chốt CHCN tại nhiều điểm nguy hiểm trên sông. Đến nay, trên địa bàn thị xã có 19 chốt CHCN với gần 100 thành viên (trong đó, mỗi xã có từ 2 đến 5 chốt, mỗi chốt từ 5 - 8 người tham gia).

Còn tại huyệ Hồng Ngự thì có 31 chốt CHCN được thành lập, với gần 300 thành viên, trong đó có 17 chốt xung yếu tại các xã: Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Phước 1, Thường Phước 2... Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 500 chốt CHCN, huy động gần 3.000 người dân tham gia. Trong đó, có trên 200 chốt nằm ở các địa điểm xung yếu.

Không riêng gì tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, các địa phương thuộc tỉnh An Giang như: Tân Châu, An Phú, Châu Thành… cũng thành lập hàng trăm chốt CHCN tương tự.

Ứng cứu kịp thời ở mọi tình huống

Theo UBND xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết: Các chốt CHCN được thành lập với phương châm “Chủ động phòng tránh - đối phó kịp thời - khắc phục khẩn trương”. Các chốt được bố trí phần lớn ở các tuyến đường sông, có trang bị ghe, tàu (gắn động cơ), thuốc… sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, giảm tối đa thiệt hại về tài sản của nhân dân.

“Thành viên các chốt CHCN gồm đại diện Hội Chữ thập đỏ, bộ đội biên phòng, công an, lực lượng quân sự. Năm nào, chốt này cũng cứu được 3-4 người dân bị nạn” - ông Lê Thành Đông - Đội trưởng Đội CHCN chốt cầu kênh Cá Rô  cho biết.

Cũng theo ông Đông, năm 2017 nước lũ về sớm, mực nước cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 gần 2m, do vậy ngay từ tháng 6, thành viên trong đội CHCN tại các chốt đã lên phương án tập luyện, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống tai nạn xảy ra.

 “Gia đình tôi sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông, trước đây trong một lần bị chìm xuồng do nước xoáy lớn, nhờ sự ứng cứu kịp thời của các thành viên chốt CHCN ở cầu kênh Cá Rô mà các con của tôi mới thoát chết” -bà Đặng Thị Biểu, xã Bình Thạnh nhớ lại.

Trung tá Trần Thanh Đỡ - Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự thị xã Hồng Ngự cho biết: “Các chốt CHCN được chuẩn bị rất chú đáo, chặt chẽ hơn các năm trước. Ngoài việc trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết, các chốt còn thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn công tác ứng phó ở mọi tình huống”.

“Các chốt này tập trung tại vị trí xung yếu, đồng thời ứng trực 24/24 giờ. Với ý thức, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên chốt CHCN đã giúp người dân địa phương yên tâm hơn khi mưu sinh trong mùa nước nổi” - trung tá Đỡ nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem